Những lò độ xe để đi cướp
Trước năm 1973, miền Nam không có cướp giật đường phố theo đúng nghĩa của từ này. Thỉnh thoảng có việc giật một giỏ xách, chiếc đồng hồ của bọn cướp giật nhi đồng không mấy ai lưu tâm.
Khi đơn vị cuối cùng của quân đội Mỹ cuốn cờ về nước, nguồn viện trợ dồi dào chấm dứt khiến toàn bộ nền kinh tế miền Nam vốn lệ thuộc vào đồng đô la, gần như đổ sụp. Lương quân nhân công chức không gồng gánh nổi những gia đình có con đông. Chính quyền đưa ra cái gọi là thực phẩm phụ trội, cũng chẳng làm tình hình sáng sủa hơn.
Bọn cướp thời kỳ những năm 1973-1974 thường dùng xe Honda 67 được đôn dên, xoáy nòng… để “ăn bay”
Khi quân Mỹ vào nước ta, với nửa triệu quân mà đã có từ 80 đến 100 ngàn con nghiện thì việc tràn ngập heroin cần sa ở những nơi thị tứ là điều dễ hiểu.
Khi Mỹ rút, thị trường trở nên thừa mứa nguồn cung nên quân đội Sài Gòn cũng có lượng con nghiện lên đến vài trăm ngàn. Heroin dễ nghiện nhưng hết sức khó bỏ.
Và cơn vật vã của nó thì quả là rất gần với địa ngục. Các con nghiện bèn túa ra đường cướp giật. Và hình thành cụm từ “ăn – bay” để chỉ loại hình mới mẻ này.
Chẳng có thủ đoạn mưu mô gì phức tạp, chỉ cần kỹ thuật điều khiển xe điêu luyện là đủ!
Trong năm 1973-1974, nạn dùng xe gắn máy cướp giật đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân Sài Gòn và những chồng hồ sơ kèm chỉ thị được đặt lên bàn làm việc của đại tá Trang Sĩ Tấn, Giám đốc Nha Cảnh sát Đô Thành với bút phê của đích thân Tổng thống!
Danh sách 10 tên cướp nguy hiểm nhất được đưa xuống cho cảnh sát các nơi mà đứng đầu là Hai Néo, Bình Toyota… đứng thứ 7 là tướng cướp Điềm Khắc Kim, kẻ chẳng biết xe Honda điều khiển thế nào!
Còn 6 hạng đầu đều là những tên cộm cán nhất của cướp giật đường phố. Lúc đó, bọn cướp giật đường phố bắt đầu sử dụng 2 loại xe gắn máy. Chiếc BS 50cc nhưng đồng hồ tốc độ chỉ con số 120km/giờ là lựa chọn hoàn hảo.
Vừa ngắn đòn dễ xoay trở góc hẹp, phanh cực ăn và tốc độ rất cao nên chiếc BS đứng đầu danh sách sử dụng của bọn cướp giật đường phố lúc bấy giờ. Có điều vì là xe không được trợ giá như hãng Honda nên trên thị trường chiếc xe này đắt gấp đôi, thậm chí 2,5 lần các loại xe của hãng Honda.
Chiếc được lựa chọn thứ 2 là chiếc S50 tức Honda 67. Nhưng tốc độ chậm cộng thêm khá dài đòn của chiếc S50 khó làm cho bọn cướp giật hài lòng. Thế là những lò độ xe Honda 67, 68, 72, 90 không chỉ cho tay đua mà chủ yếu là cho bọn “ăn bay” ra đời. Đôn dên, xoáy nòng cẩu xập (90cc), xẻ đuôi cá, thay nhông sên dĩa… được áp cho chiếc xe vốn chỉ chạy tối đa 60-70 km/giờ trở thành những chiếc xe chạy đến 135km/giờ!
Và một thay đổi kết cấu rất đặc biệt được giang hồ sống bằng nghề “ăn bay” đưa vào chiếc xe Honda 67 khá hữu dụng là: chuyển tay ga, cần ly hợp qua bên trái. Tay phải rảnh rang dùng để… giật và thậm chí dùng súng khá dễ dàng để chống trả lực lượng truy đuổi.
Chiếc Honda 67 tỏ ra lợi hại hơn vì một lý do đơn giản. Chiếc BS không phải là chiếc xe được bán ưu tiên cho quân nhân công chức, nên dễ bị theo dõi. Trong khi chiếc 67 đồng thời là phương tiện kiếm cơm cho quân nhân công chức sau giờ hành chánh. Xe ôm ra đời cũng vào giai đoạn này…
Bọn cướp thường dùng xe bám theo con mồi, đến đoạn vắng thì thò tay ra mà giật. Có điều, đa phần bọn “ăn bay” là giang hồ khoác áo lính nên nếu nạn nhân chống trả, phần đông đều ăn đạn Colt 45, Ruleau 9mm. Quân lao Gò Vấp lên đến cả chục ngàn quân phạm, quá nửa là bọn cướp giật đường phố gốc lính các loại kể cả bọn đào ngũ.
Cướp giật đường phố chuyển hướng đối tượng
Những ngày đất nước mới thống nhất, Sài Gòn cực kỳ phức tạp về tình hình trị an. Bọn sổng tù vào ngày 30.4.1975 tràn về thành phố để sống lén lút trong lòng đô thị. Bọn cướp giật thì hoạt động ngày càng táo tợn hơn do tốc độ của chiếc xe giúp chúng thoát thân đa phần thành công khi các cơ quan chức năng còn đang bỡ ngỡ.
Lượng súng ống do đội quân thất trận bỏ lại ngay trên đường phố rất dồi dào và khó kiểm soát nên bọn “ăn bay” tàng trữ để sử dụng một cách tràn lan.
Nói thế để thấy, trong những ngày đầu để giữ gìn trật tự trị an đường phố, các cơ quan chức năng thuộc Uỷ ban Quân Quản TP đã phải hy sinh không ít cả tài lực vật lực và đôi khi cả tính mạng…
Rồi những tên cướp già đời sừng sỏ nhất, đều đền tội ngay trên đường phố. Lượng cướp giật giảm hẳn do bọn giang hồ lưu manh nhận ra giá phải trả quá đắt.
Có thể kể ra hàng loạt tên: Tiêu Mù, Thành Thổ Mộ, Thành Nouvaren, Lễ Nhà Lô, Tuấn Cội, Minh Nhượng, Đức Điến… đều biến mất trong danh sách cộm cán của giang hồ sau năm 1975.
Ngay gần cuối năm 1975, dựa theo danh sách các địa phương cung cấp, một chiến dịch thu gom tội phạm được tiến hành. Trên 10 ngàn tên cộm cán, máu mặt bị bắt giữ và đưa đi trại tập trung Bù Gia Mập. Một số ít lẩn trốn nhưng rơi rụng dần hoặc tự giác hồi hướng làm người lương thiện. Những biện pháp quyết liệt của chính quyền lúc bấy giờ là hết sức hiệu quả và cần thiết. Tiền thân của 2 trại giam Đồng Tháp và Tống Lê Chân là đợt thu gom này sau khi giải tán trại Bù Gia Mập.
Ngay cả 3 nhân vật còn sót lại của Tứ đại thiên vương là Đại, Tỳ, Cái, Thế cũng “vô hộp” thời gian này. Đại Cathay bị giết năm 1968, nhưng các nhị ca, tam, tứ, vẫn sống phây phây nơi trại giam và cùng cầm cuốc trồng trọt thay cho cầm dao súng thanh toán nhau.
Huỳnh Tỳ, tên thật là Nguyễn Thuận Lai, sinh năm 1940 thì ở cùng trại Tống Lê Chân với gã đàn em Ngô Văn Cái sinh năm 1947. Nhưng cả hai sau đó về không còn nhìn mặt nhau dù thuở xưa đã từng cắt máu ăn thề! Ba Thế thì miệt mài đào kinh đắp đập ở trại Đồng Tháp và ngay sau khi trở về lập tức vào chùa tu cho qua ngày đoạn tháng. Bọn “ăn bay” và nhiều loại tội phạm tương tự bèn chuyển hướng. Chúng không dại gì tấn công người lương thiện mà tìm loại khổ chủ khác, đơn giản và an toàn hơn.
Đó là những cư dân chợ trời, những kẻ buôn lậu và bọn tổ chức vượt biên. Bọn tội phạm nắm chắc một điều, khi bị tấn công thường thì các loại ít nhiều phạm pháp này sẽ không dại gì tố cáo để thay vì chỉ mất tiền, mất tài sản… còn mất cả tự do!
Nạn cướp giật đường phố thoái lui, dành chỗ cho các loại hình tội phạm khác tạm an toàn hơn.
Khi cướp giật được coi là một nghề
Xe cộ không phải tên giang hồ nào cũng có tiền mà mua sắm làm phương tiện phạm pháp. Rộ lên hai loại hình nghe thì buồn cười nhưng vẫn là một đe dọa có thật vào những năm 80-90 thế kỷ 20. Đó là đi cướp giật đường phố bằng xe đạp và… chạy bộ. Tuy nhiên do khá nguy hiểm nên những tên giang hồ chỉ dám tấn công những nạn nhân có tài sản ít giá trị.
Đầu tiên là bọn “bẻ đê” tức bọn giật đồng hồ rồi chạy vào hẻm hoặc nếu ở bến đò Thủ Thiêm thì ùm luôn xuống sông tẩu thoát! Kế đến là bọn giật phén và ăn nhơ. Đó là giật dây chuyền và bông tai. Chúng cũng tẩu thoát dựa vào… khinh công bụi đời. Giật giỏ xách gọi là “ăn gio”, bọn này thường đi có đôi 4 mạng 2 xe.
Một chiếc áp vào “mua hàng” (từ giang hồ chỉ việc ra tay cướp giật). Chiếc kia, gọi là “cản địa” dùng để ngăn cản các vụ truy đuổi của lực lượng chức năng và dân chúng. Một hoạt cảnh hài hước nhưng hoàn toàn có thật: Người chồng dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà, theo sau là cô vợ mặt bự phấn, son môi đỏ chót. Ra đến đầu ngõ, bà bán chuối chiên hỏi: “Hai đứa đi làm hả bây?”.
Cô vợ vui vẻ: “Dạ, đi làm má Sáu ơi…”. Đi làm, với má Sáu, với cặp vợ chồng này và đa phần cư dân trong xóm là: anh chồng đạp xe chở vợ ra làm gái đứng đường ở Cầu Móng, còn anh thì đạp xe rảo khắp nơi tìm bất kỳ ai sơ hở để cướp giật rồi tẩu thoát bằng xe đạp! Việc cướp giật và một số kiểu phạm pháp khác đã được một bộ phận cư dân không nhỏ của tầng lớp tạm gọi là cặn đáy của xã hội, xem là một nghề nghiệp hẳn hoi. Thế đấy!
PV (Tuổi trẻ & Đời sống)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.