Hồ Kỳ Hòa
Hồ Kỳ Hòa từng là một công viên vui chơi giải trí nức tiếng của Sài Gòn vào những năm 90 của thế kỷ trước, cùng với Thảo Cầm Viên và công viên văn hóa Đầm Sen.
Một trong những biểu tượng của khu vui chơi giải trí này là chiếc đu quay lớn mà tại thời điểm đó gần như chỉ có nơi này mới có.
Bây giờ tại vị trí từng là công viên ấy, ngày nay là hàng loạt những ăn, nhà hàng tiệc cưới và sân bóng đá mini khuất lấp từ lúc nào, mà đôi khi dừng lại, người ta mới chợt nhớ ra, cài đu quay ấy biến mất bao giờ?
Trái ngược với Đầm Sen và Thảo Cầm Viên vẫn đang duy trì hoạt động thì Hồ Kỳ Hòa thủa nào giờ chỉ còn trong tâm thức của người Sài Thành thế hệ trước mà thôi.
Thương xá Tax
Công trình kiến trúc này nguyên thủy được xây từ năm 1880 thời Pháp thuộc ở trung tâm Sài Gòn tại góc đại lộ Charner và đại lộ Bonnard, gần tòa thị chính (hôtel de ville). Năm 1914, công ty Société Coloniale des Grands Magasins mở Grands Magasins Charner de Saigon (viết tắt là SGMC) và nó nhanh chóng trở thành một địa điểm tượng trưng cho sự hiện đại lẫn xa xỉ. Đến năm 1924 thì khu nhà này được tái thiết và khuếch trương theo phong cách Art Deco nhằm đón tiếp khách hàng thượng lưu của đô thị lớn nhất Liên bang Đông Dương. Ngày 27/11/1924, khi tiệm bách hóa khai trương là một sự kiện nhộn nhịp đáng ghi nhớ của Sài Gòn được báo chí loan tin rộng rãi.
Sau năm 1975 với chính sách tập trung kinh tế, cấm tiểu thương, Thương xá TAX bị giải thể. Tòa nhà được giao về cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quản lý. Không còn là địa điểm kinh doanh sầm uất, mặt bằng thỉnh thoảng được tận dụng làm không gian trưng bày các mặt hàng, máy móc công nghiệp do các đơn vị quốc doanh của thành phố sản xuất. Đến năm 1978, trong bối cảnh thời bao cấp, Thương xá TAX trở thành một công ty quốc doanh mang tên "Cửa hàng Phục vụ Thiếu nhi Thành phố", người bán hàng được gọi là mậu dịch viên, có thắt khăn quàng đỏ như thiếu nhi để bán mặt hàng chính là đồ chơi cho trẻ em. Đến năm 1981, khu nhà này đổi tên thành "Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố" do Sở Thương Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu. Từ năm 1997, tòa nhà đổi tên thành "Công ty Bán lẻ Tổng hợp Sài Gòn" do Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) quản lý.
Năm 1998 tên TAX được phục hồi nhưng vào năm 2014 thì có lệnh giải tán Thương xá TAX với kế hoạch phá tòa nhà này và xây một cao ốc 40 tầng ở địa điểm trung tâm này.N gày 12 tháng 10 năm 2016, quá trình đập bỏ khu Thương xá được bắt đầu tiến hành.
Và dù đổi qua nhiều cái tên trong suốt quá trình lịch sử của mình, nhưng tòa nhà ấy mãi sống trong tâm tưởng của người Sài Gòn với cái tên Thương xá Tax như một kỷ niệm ngọt ngào, dẫu bây giờ nó không còn nữa.
Thuận kiều Plaza
Thuận Kiều Plaza được xây dựng từ năm 1994 đến năm 1999. Toà nhà là một tổ hợp 3 toà tháp với độ cao lên đến 110 m. Toà nhà nằm tại số 190 Hồng Bàng, phường 12, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng suốt hơn 20 năm tồn tại, trái với tham vọng trở thành một khu Cửu Long Tân Giới (khu sầm uất ở Hồng Kông) của sài Gòn, thì nơi đây lại rất thưa vắng khách ở, gần như bỏ hoang khi có nhiều tin đồn u ám.
Năm 2015, Thuận Kiều Plaza đã có chủ đầu tư mới là Công ty cổ phần đầu tư An Đông thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Ngày 3/11/2017, trung tâm thương mại The Garden Mall chính thức được khai trương. The Garden Mall gồm 3 tầng thương mại với tổng diện tích sàn 30.000 m2 được lấp đầy với nhiều tiện ích, dịch vụ đa dạng. Nhà hát Théatre de ChoLon nằm trên khu văn hóa Chợ Lớn thuộc tầng 3 của The Garden Mall giới thiệu các bộ môn nghệ thuật truyền thống như hát tuồng, hát bội, cải lương… Một trong những điểm nhấn độc đáo của The Garden Mall là không gian vườn nhiệt đới nằm trên tầng thượng của khu thương mại với tên gọi The Garden Art. The Garden Apartment được thay màu sơn xanh tươi sáng hơn. Toàn bộ tường ngăn của 3 tầng trung tâm thương mại bị đập bỏ, thay vào đó là kính trong suốt. Đồng thời thay mới toàn bộ hệ thống thang máy, đập bỏ hồ nước ngay khu công viên. Về kết cấu, The Garden Apartment vẫn giữ nguyên mẫu Thuận Kiều Plaza và thay đổi công năng thành 3 phân khu: Không gian tổ chức sự kiện, trung tâm giải trí - ẩm thực, khu căn hộ cho thuê. The Garden Apartment giữ nguyên tòa tháp cao 33 tầng với 648 căn hộ và đã hoàn thành cuối năm 2018.
Thuận Kiều Plaza chính thức lùi lại vào quá khứ với nhiều dư âm và giai thoại. Dẫu sao rũ bỏ sự u ám từng có, The Garden Mall trở thành một điểm hẹn mới cho giới trẻ Sài Thành.
Saigon WaterPark
Bạn ở Sài Gòn? Vậy nếu hỏi bạn về công viên nước , câu trả lời của bạn sẽ là... công viên nước Đầm Sen, Biển Tiên Đồng ở Suối Tiên hay công viên nước Đại Thế Giới ở quận 7... Nhưng có bao giờ bạn từng nghe cái tên Saigon WaterPark không?
Saigon Water Park là tên thường gọi của Công viên nước Sài Gòn. Đây là công viên nước đầu tiên tại Việt Nam và đi vào hoạt động từ ngày 13 tháng 12 năm 1997. Công viên nước Sài Gòn nằm ở bên bờ sông Sài Gòn, quận Thủ Đức, cách trung tâm Quận 1 khoảng 10 km. Công viên có diện tích 5 ha. Đây là một công viên giải trí với các trò chơi dưới nước như: dòng sông lười, trượt ống xoắn, hố đen (có chiều dài đến 70 m, chiều cao lên đến 15 m) và các trò chơi có cảm giác mạnh khác.
Saigon WaterPark là công viên nước đầu tiên của Việt Nam, nhưng nó âm thầm ngừng hoạt động vào năm 2006 mà không nhiều người hay biết. Sự lãng quên đôi khi tàn khốc đến không ngờ !
Bùng Binh Cây Liễu
Được xem bùng binh đầu tiên của Sài Gòn, có lịch sử lâu đời, Bùng Binh cây Liễu là giao lộ đẹp và sôi động nhất của Sài Gòn. Bùng binh Cây Liễu hay còn được gọi là bùng binh Nguyễn Huệ (cắt Nguyễn Huệ và Lê Lợi), là một trong những biểu tượng tồn tại suốt hàng trăm năm của Sài Gòn. Một vòng xoay mà lúc nào cũng được phủ kín với những hàng liễu nhẹ nhàng, thanh thoát, nó đẹp và quen đến mức được gọi thành tên thì chắc không nơi nào có được.
Cùng vơi thương xá Tax, tượng đài Trần Nguyên Hãn, công viên Lam Sơn, Bùng binh Cây Liễu lùi vào dĩ vãng nhường cỗ cho công trình tuyến Metro số 1..
Lạc Thư Trầm (Ohay)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.