Giao thông ở Sài Gòn-Gia Định trước đây chủ yếu bằng đường thủy. Những con sông, kênh rạch chằng chịt khắp nơi.
Tuy nhiên, hỏi những người Sài Gòn xưa, ai cũng có thể biết, rạch Bến Nghé quan trọng như thế nào đối với mảnh đất này vào những năm của thế kỷ 19, 20. Đây có thể coi là cửa ngõ của thành phố, là nơi giao thương diễn ra sôi nổi nhất.
Khu vực cảng cá bên cạnh chợ cầu Muối ngày xưa.
Vùng đất Cầu Kho
Xuyên suốt trục đường Cô Giang ngày nay chạy ven theo rạch Bến Nghé trước đây được triều đình nhà Nguyễn đặt là khu Cầu Kho.
Cái tên này xuất phát từ việc, sau khi khảo sát vùng đất Sài Gòn-Gia Định, nhận thấy mảnh đất này có nhiều điều kiện phát triển giao thương, dân cư đông đúc, cùng với đó, người nước ngoài (chủ yếu là người Hoa) tấp nập buôn bán, nhà Nguyễn đã ra lệnh cho các quan lại của mình tìm cách phát triển nơi này.
Tuy nhiên, ngầm trong chỉ thị này là triều đình nhà Nguyễn muốn tạo dựng ra một khu vực nhà kho để chứa lương thực, hàng hóa mua bán, trước mắt thì phục vụ thông thương, sau hơn nữa là để phòng trừ các biến cố.
Với địa thế vô cùng thuận lợi, rạch Bến Nghé đương nhiên trở thành con đường huyết mạch dẫn tàu bè vào Sài Gòn-Gia Định, khu Cầu Kho cũng bắt đầu xuất phát từ đây.
Theo chỉ thị từ triều đình, quan lại tại Sài Gòn-Gia Định bắt đầu cho xây dựng hàng loạt các kho đụn để tích trữ lương thảo cùng với đó là lập ra hàng loạt các điểm kiểm tra để thu thuế các tiểu thương buôn bán.
Từ đây, hoạt động thông thương bắt đầu phát triển một cách hết sức mạnh mẽ ở khu vực này. Thông thường, theo quán tính, các tiểu thương thường tập trung buôn bán ở chỗ đông người để thuận tiện giá cả, tiêu thụ hàng hóa vì vậy khi triều Nguyễn cho xây đụn lương thực ở Cầu Kho thì nơi đây nhanh chóng thu hút được dân tứ xứ.
Chợ Cầu Muối là vị trí trung tâm của khu vực thông thương vì nó nằm ngay sát rạch Bến Nghé, rất thuận lợi cho việc di chuyển của tàu bè ra vào. Tại Chợ Cầu Muối khi đó, mặt hàng chủ yếu mà tiểu thương tập trung buôn bán là hoa quả, lương thực và hải sản.
Ngay từ lúc mới hình thành, các khu vực buôn bán đã được chia tách biệt ra từng khu vực khác nhau. Chợ cá nằm hẳn ở một nơi, gần sông để tiện cho việc rửa ráy, chợ lương thực gạo thóc thì lui vào bên trong để tránh nước ẩm, hoa quả thì chủ yếu được thực hiện giao dịch ngay trên thuyền đã khiến cho toàn bộ khu Chợ Cầu Muối nhộn nhịp cả trên bờ lẫn dưới nước.
Xung quanh khu Chợ Cầu Muối, người Hoa Kiều dần dần kéo về sinh sống rất đông. Họ mở quán ăn, nhà trọ, quán nước để phục vụ tiểu thương và người lao động. Lúc đầu, ngoài tiểu thương các nơi kéo đến, giới bốc vác, cửu vạn tại Chợ Cầu Muối chủ yếu là những dân quanh vùng.
Tuy nhiên, khi mà hoạt động buôn bán càng ngày càng phát triển thì người dân tứ xứ đã kéo về đây để mà xin việc làm. Chợ Cầu Muối vốn đã xô bồ, tấp nập nay dân khắp nơi đổ về càng khiến nơi này trở nên hỗn loạn, giới quan lại khó lòng mà cai quản nổi.
Giang hồ xuất hiện là tất yếu
Số lượng dân tứ xứ kéo về khu vực chợ Cầu Muối ngày một đông hơn, thậm chí nó chiếm đa số so với dân bản địa. Tiểu thương thì ở khắp nơi, có cả những người nước ngoài. Khi họ đến khu chợ Cầu Muối để buôn bán thì thường lui lại một khoảng thời gian khá lâu, chỉ có mấy thuyền đánh bắt hải sản là sẽ nghỉ ngơi vài ngày sau đó lại ra khơi đánh bắt.
Quá đông tiểu thương, sự cạnh tranh là không thể tránh khỏi, đôi khi chỉ vì một chỗ để thùng hàng, một vị trí đẹp để đón những chiếc tàu chở hải sản tươi sống cập bến cũng tạo ra những mâu thuẫn không hề nhỏ.
Trong khi đó, đám du đãng sống xung quanh khu vực Chợ Cầu Muối thì cũng chẳng muốn đánh mất cơ hội để mà kiếm chác. Ban đầu chỉ là mấy gã bợm rượu thuộc diện bất cần dặt dẹo ra xin xỏ đám tiểu thương, sau rồi, những tay đầu bò, đầu ngựa bắt đầu kết bè, kết đảng cứ nửa đêm là đi dọa dẫm những người bán hàng đòi tiền để ăn nhậu.
Dĩ nhiên, ở mức độ này, người ta chẳng gọi đó là giang hồ mà đơn giản chỉ là những kẻ ăn xin có vẻ ngoài bặm trợn. Cũng chính vì việc các tiểu thương ngoài việc phải chịu áp bức thuế má của triều đình, sau này là của chính quyền Pháp thuộc thì còn phải chịu cảnh bị mấy tên ăn xin hùng hổ ngày nào cũng làm phiền nên họ cần một thế lực nào đó đủ mạnh “chống lưng”.
Cùng với đó, những mâu thuẫn trong quá trình buôn bán khiến cho mấy tiểu thương cảm thấy vô cùng căng thẳng. Nhẽ đời chẳng mấy kẻ giỏi cả phần kinh doanh vẫn việc dao kiếm nên bắt đầu có việc thuê những tên có máu mặt đứng ra giải quyết chuyện ân oán.
Cùng với lý do này, để quản lý đám bốc vác, cửu vạn đến từ khắp nơi, không phải ai cũng có thể nói được. Hàng hóa chất đống, tiểu thương sợ nhất là cướp hàng lúc đêm vì vậy mà họ sẵn sàng bỏ tiền ra để đổi lại sự bình yên.
Tuy nhiên, cũng chẳng phải đến khi các tiểu thương đánh tiếng thuê mà những nhân vật cộm cán mới xuất hiện. Vào cái thời trước khi Pháp thuộc, ở chợ Cầu Muối có tới cả trăm nhóm, nhóm đông, nhóm ít nhưng kẻ nào cũng vỗ ngực xưng tên. Tuy nhiên, phải cho đến những năm đầu thế kỷ 20 thì mới có những tên tuổi thực sự lớn xuất hiện.
Những người này đủ sức đánh bại hoàn toàn các băng nhóm khác, đủ cái uy khiến cho các tiểu thương phải ngoan ngoãn nộp tiền bảo kê mà không một lời oán trách… Một trong những nhân vật rất nổi tiếng ở Chợ Cầu Muối và cả giới giang hồ Sài Gòn đó là Tư Mắt, tên thật là Nguyễn Phát Trước.
Trước khi nổi tiếng rồi thống lĩnh cả khu chợ Cầu Muối, Tư Mắt là một tên du đãng khét tiếng Sài Gòn. Đủ sức đánh bại tất cả các thế lực khác ở khu chợ đầu mối nhưng điều lạ thay, mặc dù là giang hồ khét tiếng nhưng Tư Mắt lại được người dân lưu truyền những giai thoại ca ngợi hết lời, với hình ảnh của một kẻ trượng nghĩa bênh yếu, chống mạnh.
Để có thể đứng ở vị trí trong thế giới ngầm ở Chợ Cầu Muối, Tư Mắt không phải là không đổ máu, thậm chí đã nhiều lần con người này tưởng chứng như đã “xong đời” nhưng bỗng nhiên đã thoát hiểm và đến nay thì được người ta nhắc đến như là một tên giang hồ có lòng yêu nước.
Linh Lam (Pháp Luật Plus)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.