Vì sao Trần Hưng Đạo phải cạo đầu lừa sứ giả phương Bắc?

Thứ hai, ngày 13/05/2019 19:33 PM (GMT+7)
Thái úy Trần Quang Khải đến sứ quán để tiếp sứ, Sài Thung nằm dài không tiếp. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn phải gọt tóc cải trang thành nhà sư phương bắc đến, Sài Thung tưởng là nhà sư thật nên ngồi dậy tiếp đón.
Bình luận 0

Năm 1272, triều Nguyên sai sứ là Ngột Lương (Uriyang) sang hỏi về cột đồng thời Mã Viện, định nhân cớ đó để cho sứ giả đi dò xét địa thế núi sông Đại Việt. Vua sai Lê Kính Phu dẫn sứ Nguyên đi lòng vòng một số nơi khảo sát, rồi Lê Kính Phu nói với người nhà Nguyên rằng: "Chỗ cột đồng do Mã Viện dựng lên lâu ngày bị chìm lấp, nay không thể biết ở chỗ nào được". Việc ấy bèn thôi không nói đến nữa.

Năm 1275, vua Trần sai người mang thư trả lời Nguyên triều về dự định thay đổi người giữ chức Đạt Lỗ Hoa Xích: "Chức Đạt lỗ hoa xích chỉ có thể đặt ở các nước man di ngoài biên giới. Còn nước tôi như cái phên cái giậu che chở cho một phương, mà lại đặt chức quan ấy để kiểm soát công việc thì chả bị nước khác chê cười hay sao? Xin đổi quan chức ấy làm Dẫn tiến sứ".

img

Bấy giờ nước Nguyên đánh nước Tống sắp xong, quân Nguyên vây bức kinh thành Lâm An của Tống, thế lực cực mạnh. Bởi vậy mà vua Nguyên Hốt Tất Liệt không chấp nhận nhượng bộ Đại Việt bất kỳ điều gì, lại còn đem 6 điều yêu sách trước kia ra để chất vấn: “Theo chế độ tổ tông ta đã định, phàm nước nội phụ thì quân trưởng phải thân vào chầu, con em phải làm con tin, lại phải kê hộ khẩu, thu nộp thuế má, điều động dân giúp việc binh, lại đặt chức Đạt lỗ hoa xích để thống trị. Sáu việc đó, năm trước đã dụ cho khanh biết rồi. Thế mà quy phụ đã hơn mười lăm năm, quân trưởng chưa hề thân đến triều cận, mấy việc kia vẫn chưa thi hành, tuy ba năm có cống một lần, nhưng đồ cống cũng đều vô bổ. Nghĩ rằng khanh lâu ngày, khắc tự tính biết, nên bỏ qua mà không hỏi đến, sao mà đến nay vẫn chưa giác ngộ. Cho nên ta lại sai Hợp Tán Nhi Hải Nha (Qasar – Qaya) sang dụ ngươi vào chầu.

Nếu vì cớ gì không vào chầu được, có thể sai con em vào thay. Ngoài ra số hộ khẩu bản quốc, nếu chưa có sổ sách nhất định thì tuyển binh thu thuế bằng vào đâu mà châm chước, như thế, nếu số dân quả là ít mà lại lấy nhiều thì sức không chịu nổi. Nay làm sổ hộ khẩu nước ngươi là muôn lượng xem nhiều ít mà định số binh số thuế. Còn gọi là điều binh cũng không phải là quân lính đi xa nơi khác, chỉ là theo thú binh tỉnh Vân Nam mà cùng hiệp lực với nhau...”

Năm đó, quân Nguyên đi tuần biên giới phía nam giáp với Đại Việt, xem xét địa thế để chuẩn bị gây mối binh đao. Trần Thánh Tông lại phái hai sứ giả là Lê Khắc Phục, Lê Túy Kim sang Nguyên để nộp cống, đề nghị bỏ đi những yêu sách của Hốt Tất Liệt. Thực chất triều đình Đại Việt đã biết khó có hy vọng làm cho Nguyên triều nhượng bộ nhưng việc sai sứ qua lại sẽ giúp kéo giãn thời gian hòa bình. Chính sách ngoại giao của Đại Việt trong thời gian này tuy mềm mỏng về phương thức, nhưng rất cứng cỏi khi động đến những nguyên tắc cơ bản như là độc lập chủ quyền quốc gia.

Sang năm 1276, kinh thành Lâm An của Nam Tống thất thủ, vua và thái hậu của Tống đều bị bắt. Đa phần lãnh thổ Nam Tống đã bị nước Nguyên kiểm soát. Quan quân còn sót lại của Tống chạy về ven biển phía đông lập vua mới cầm cự. Tình hình lúc này diễn biến rất mau lẹ. Vua Trần Thánh Tông sai Đào Thế Quang sang Long Châu để dò thám, lấy cớ là đi mua thuốc.

Năm 1277, Thượng hoàng Trần Thái Tông qua đời. Vua Trần Thánh Tông nhường ngôi lại cho hoàng thái tử Trần Khâm, tức vua Trần Nhân Tông. Việc đổi ngôi này là lẽ thường tình của một nước nhưng cũng bị người Nguyên hạch hỏi, muốn nhân lúc nước ta có tang đem quân sang đánh. Năm 1278, Lê Khắc Phục, Chu Trọng Ngạn đi sứ nộp cống theo kỳ hạn để giữ hòa khí.

Năm 1279, Hốt Tất Liệt sai Lễ bộ thượng thư Sài Thung dẫn sứ đoàn sang Đại Việt trách móc việc vua mới lập mà không “xin mệnh” của Nguyên triều. Trước kia sứ nước Nguyên sang Đại Việt từ hướng Vân Nam, nay Sài Thung đi đường mới từ Ung Châu vào biên giới nước ta, dẫn theo vệ binh rầm rộ, đòi triều đình Đại Việt phải phái người lên tận biên giới đón hắn, muốn tỏ ý là đã nuốt trọn Nam Tống, thông đường tiến quân sang Đại Việt. Vua Trần Nhân Tông không hài lòng, gởi thư nói: “Nay nghe quốc công đến biên giới tôi, biên dân không ai là không lo sợ, không biết sứ nước nào mà đến lối đó, xin đem quân về đường cũ mà đi”.

Sài Thung không đồng ý lại hạch sách đủ điều. Đại Việt nhượng bộ, sai Đỗ Quốc Kế lên đón hắn vào cửa quan, rồi Thái úy Trần Quang Khải phải đích thân đến sông Phú Lương đón hắn vào Thăng Long. Sài Thung cỡi ngựa đi thẳng vào đại điện, bị quân Thiên Trường chặn ở cửa Dương Minh thì hắn dùng roi ngựa quất vào đầu quân canh đến chảy máu. Thái độ của Sài Thung vô cùng ngang ngược dù cho triều đình Đại Việt hết mực nhường nhịn. Vua Trần đặt tiệc ở hành lang tiếp đãi, hắn không đến dự, phải đặc tiệc ở điện Tập Hiển mời hắn mới chịu đến. Thái úy Trần Quang Khải đến sứ quán để tiếp sứ, Sài Thung nằm dài không tiếp. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn phải gọt tóc cải trang thành nhà sư phương bắc đến, Sài Thung tưởng là nhà sư thật nên ngồi dậy tiếp đón.

Sài Thung vào điện đọc chiếu của Hốt Tất Liệt: “Trải bao nhiêu năm, lễ ý bạc dần, cho nên năm Chí Nguyên thứ 12 (1275) lại xuống chiếu đòi những việc thân vào chầu, giúp binh lính. Mới đây bọn Lê Khắc Phục đến, xem trong biểu chương, có điều không thực. Như nói nước ngươi quy phụ trước tiên, thì các nước bốn phương đến hàng phục trước nước ngươi có nhiều, sau ngươi thì có nhà Vong Tống... Thế thì điều ngươi nói không dối trá là gì?

Lại nói Chiêm Thành, Chân Lạp, hai nước quấy rối, không thể giúp quân được thì những nước ấy ở gần nước ngươi không phải mới từ ngày nay. Đến như nói đường xa không vào chầu được thì sao bọn Lê Khắc Phục đến được? Hai điều ấy dối trá cũng đã rõ rằng!... Trước vì cha ngươi già yếu không thể đi xa, còn lượng tình được. Nay ngươi tuổi đang cường sĩ, vào chầu chịu mệnh, chính là phải thời. Huống hồ bờ cõi nước ngươi tiếp giáp với các châu Ung, Khâm của ta thì sợ gì mà không sang được. Nếu ngươi không yên, cố ý kháng cự mệnh trẫm, thì ngươi cứ sửa đắp thành lũy, sắm sửa giáp binh, sẵn sàng mà đợi!...”.

Như vậy là đến đây, Hốt Tất Liệt đã thẳng thừng đem việc binh đao ra mà đe dọa Đại Việt. Thượng hoàng Trần Thánh Tông vẫn giữ lập trường cũ, nói với Sài Thung: “Trước dụ sáu việc, đã được miễn xá. Còn việc thân hành vào chầu thì vì tôi sinh trưởng ở thâm cung, không biết cưỡi ngựa, không quen phong thổ, sợ chết dọc đường, con em thái úy trở xuống cũng đều như thế...”. Xong rồi ngài viết thư cho Sài Thung chuyển về Nguyên triều: "... Thấy chiếu thư dụ thần vào chầu, thần kinh sợ vô cùng, mà sinh linh cả nước nghe thấy tin ấy đều nhao nhao kêu phải bơ vơ như chim mất tổ. Vì thần sinh trưởng ở đất Việt Thường, sức người yếu đuối, không quen thủy thổ, không dạn nắng mưa, tuy được xem biết văn hóa của thượng quốc, được dự làm tân khách ở vương đình, nhưng e đi đường có sự không may xảy ra, chỉ dãi phơi xương trắng để động lòng nhân của bệ hạ thương xót mà thôi, không ích chút nào cho thiên triều vậy...”. Sài Thung về, Trịnh Đình Toản và Đỗ Quốc Kế được phái theo sang đi sứ nước Nguyên biện bạch về việc không sang chầu. Vua Nguyên không hài lòng, triều thần nước Nguyên nhao nhao đòi cất quân sang đánh Đại Việt. Nguyên triều giam lỏng sứ đoàn Trịnh Đình Toản không cho về nước.

Trong năm 1279, quân Nguyên đánh trận cuối cùng với quân Nam Tống ở Nhai Môn, tiêu diệt hoàn toàn Tống triều, chính thức chiếm trọn Nam Tống. Nguyên triều liền cho đóng chiến thuyền để chuẩn bị đánh Đại Việt. Tuy vậy, Hốt Tất Liệt vẫn mong rằng triều đình Đại Việt sẽ nhìn vào sự diệt vong thảm khốc của nước Tống mà sợ hãi. Y vẫn mong rằng sẽ dùng ngoại giao để khuất phục Đại Việt, biến nước ta thành nước lệ thuộc mà không cần động binh. Hốt Tất Liệt sai Sài Thung, cùng Binh bộ thượng thư Lương Tằng đi cùng Đỗ Quốc Kế sang đưa thư bảo vua Trần: “Nếu quả thật không tự vào ra mắt được thì lấy vàng thay thân, hai hạt châu thay mắt, thêm vào đó, lấy hiển sĩ, phương kỷ, con trai, con gái, thợ thuyền, mỗi loại hai người để thay cho sĩ nhân. Nếu không thì hãy tu sửa thành trì mà đợi xét xử”.

Đây là lần thứ hai vua Nguyên lấy binh uy ra hăm dọa Đại Việt. Việc Nguyên diệt Tống ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của vua tôi Đại Việt dẫn đến nhiều sự nhượng bộ đáng kể về ngoại giao, nhưng trên hết triều đình Đại Việt vẫn lấy chủ quyền quốc gia làm trọng, không chấp nhận buông xuôi. Những yêu sách như nộp người vàng, cống người đều bị Đại Việt phớt lờ.

Năm 1281, sứ đoàn Đại Việt do Trần Di Ái, Lê Tuân, Lê Mục dẫn đầu sang Nguyên nộp cống theo kỳ hạn. Hốt Tất Liệt lấy cớ vua Trần không sang chầu, lập Trần Di Ái làm “An Nam quốc vương”, Lê Mục làm “Hàn Lâm học sĩ”, Lê Tuân làm “Thượng thư”. Cùng với đó là thành lập cả một triều đình bù nhìn và bộ máy đô hộ An Nam tuyên sứ đô do Bột Nhan Thiết Mộc Nhi (Buyan Tamur) làm Nguyên soái, Sài Thung, Hốt Kha Nhi (Qugar) làm phó dẫn 1.000 quân hộ tống sang để thay thế triều đình Đại Việt.

Hành động này đã ép Đại Việt vào đường cùng. Vua Trần Nhân Tông sai quân đón đánh tan tác đoàn quân hộ tống vua bù nhìn của giặc ở biên giới, chém chết Sài Thung. Bọn Trần Di Ái đi sứ mà chịu khuất phục, nhận chức của giặc nên bị xử tội đồ, sung làm lính. Việc này như giọt nước làm tràn ly trong quan hệ Đại Việt – Nguyên Mông. Từ đây Nguyên triều đã quyết chí dùng vũ lực đánh chiếm nước ta. Chúng lên kế hoạch đánh chiếm cả Chiêm Thành và Đại Việt…

Quốc Huy (Một Thế Giới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem