Clip: Tiếng kèn của những người đàn ông Dao giữa phiên chợ Mông tại Cổ Linh, Pác Nặm, Bắc Kạn.
Bày kèn cốt gặp tri âm
Giống như bao phiên chợ khác, hôm nay Đặng Văn Dất lại bày kèn giữa chợ. Khác chăng là sự háo hức của phiên chợ cuối cùng. Người ta vẫn bảo, chợ Xuân cốt đợi phiên này, thì hẳn rồi, đây là phiên chợ cuối cùng của người Mông ở xã Cổ Linh (huyện Pác Nặm, Bắc Kạn).
Chợ đã vào phiên cuối, đồng bào Mông háo hức xuống chợ.
Ông Dất là người Dao, nhà ở mãi Phúc Lộc của huyện Ba Bể, nhưng đã gắn bó với phiên chợ Mông này gần cả đời người. Ông bảo, cảm giác háo hức trong ông trước mỗi phiên chợ sau mấy mươi năm vẫn như cái thời con trẻ. Đêm áp phiên, ông ra ngóng vào trông, lục tục chuẩn bị. Đồ của ông không nhiều, chỉ dăm ba cây kèn, vài tờ nông lịch bằng chữ Nôm Dao, vậy mà khiến ông mất ngót đêm.
Ông Dất bảo: "Mỗi phiên như vậy bán không được bao nhiêu, bày ra cốt để gặp bạn, gặp người, gặp những thầy kèn mà trao đổi, học hỏi. Kèn mà ở mãi xó nhà buồn lắm, phải mang kèn đi gặp bạn tri âm thôi".
Chỉ ít phút bày kèn, những bạn tri âm đã có mặt để thử và trao đổi thứ âm thanh ma mị, lôi cuốn đến lạ lùng.
Những câu kèn nhắn nhủ bạn tri âm.
Đã thành lệ, phiên nào ông Triệu Văn Lần (thôn Nà Cà) cũng xuống chợ dù bận đến mấy. Ông Lần xuống cốt để thử kèn, cốt gặp bạn tâm giao. Hôm nay ông xuống chợ phiên còn để sắm cho mình một chiếc kèn ưng ý. Tiếng kèn giữa chốn chợ phiên lại được dịp rộn ràng tung tẩy. Những người Mông cũng nán lại thưởng kèn. Giữa chốn chợ Mông, tiếng kèn của những người đàn ông Dao có sức lôi cuốn đến lạ lùng.
Lời kèn nhắn người đến chợ
Chỉ ít phút khi bày kèn, những người đàn ông đam mê thứ thanh âm từ những thân gỗ mộc được đục đẽo tinh xảo đã tụ lại râm ran. Tiếng kèn bè như sợi dây níu chân khách đường xa lần đầu đến chợ. Những người trẻ cũng đứng lại chăm chú. Anh Đăng Văn Lủng bảo, tiếng kèn lạ lắm, mê lắm, biết rồi không muốn rời xa đâu.
Còn ông Dất, hôm nay có lẽ là ngày vui nhất khi những người tụm lại bên những cây kèn của ông đều là những thợ kèn nức tiếng trong vùng. Ông Dất bảo, kèn người Dao lạ, vừa dùng trong đám cưới, lễ hội, cũng lại dùng trong đám ma. Âm thanh có thể buồn da diết, thê lương, buồn rơi nước mắt song cũng lại có thể rộn rã mừng vui.
“Chỉ một cây kèn thôi mà có thể thay đổi tâm trạng con người, phù hợp mọi hoàn cảnh. Lời kèn là những câu dân ca tình tứ, những câu hiếu tang thương, nhưng có là gì thì giữa chốn chợ phiên này, chắc chắn những thợ kèn đều tấu lên khúc nhắn người đến chợ”, ông Dất cho hay.
Không gian chợ như chùng xuống, để những bè kèn cất lên tình tứ.
“Người ơi chợ đã vào phiên/ Có thương thì dời chân xuống núi/ Hôm qua kèn nhắn người rồi… Ta không là con chim/Cũng không là con vượn/Nhưng ta biết người đang đợi/ Nhớ lắm người ơi…”, đó là những câu nhắn gửi qua lời kèn mà ông Triệu Văn Lần cùng những người bạn tri âm của mình đang tấu giữa chốn chợ Mông.
Mưa vấn vít mái đầu, mưa buốt vào cả những lời kèn nhắn nhủ, ấy nhưng những khuôn mặt người, những thanh âm vọng núi cùng nụ cười tỏa rạng giữa chốn chợ Mông của những người đàn ông Dao mang hồn kèn xuống chợ đủ để ấm lòng khách đường xa trong phiên chợ cuối giữa nơi heo hút này. 14h, chợ còn chưa vãn, tiếng kèn vẫn say như rượu ngô bản địa đầu xuân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.