Câu chuyện về khách du lịch, hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc đang là chủ đề nóng hổi được bàn luận trong thời gian gần đây. Không chỉ ở Việt Nam, khách du lịch Trung Quốc đang là vấn đề của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Các nước như Thụy Sĩ, Pháp, Tây Ban Nha cũng đều nghiên cứu rất kỹ lưỡng, tìm những cách làm phù hợp, nhằm khai thác hiệu quả thị trường này trong khi không làm ảnh hưởng đến những thị trường truyền thống.
Số liệu thống kê của ngành du lịch Việt Nam cho thấy, số khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng khách Trung Quốc tới Việt Nam tăng đến 48%, khách Hong Kong tăng đến 228% và khách Đài Loan tăng 15%.
Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Tổng giám đốc điều hành Furama Resort Đà Nẵng, có thể nói, nếu không có sự tăng trưởng của thị trường nói tiếng Trung Quốc, thì khách du lịch đến Việt Nam không hề có sự tăng trưởng. Chỉ riêng hai thành phố biển lớn nhất Việt Nam là Đà Nẵng và Nha Trang, khách Trung Quốc bằng cả lượng khách quốc tế khác cộng lại, đặc biệt Nha Trang, 6 tháng đầu năm 2016, lượng khách Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2015.
Vị khách Trung Quốc đang quấy phá với chị bán chuối dạo ở Đà Nẵng. Ảnh: Duy Khoái
Không chỉ ở Việt Nam, Thái Lan năm 2015 đón tới gần 8 triệu khách Trung Quốc, tăng trưởng đến 91,62%, chiếm tới 27% so với tổng số khách du lịch trong năm 2015. Còn Nhật Bản đã đón tới 2,5 triệu khách Trung Quốc chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng tới 46,30%, chiếm hơn 26% so với tổng số khách đến.
Dự báo đến năm 2025, sẽ có 220 triệu người Trung Quốc đi du lịch và tiêu đến 450 tỷ USD, ấn tượng hơn con số 120 triệu khách và tiêu đến 250 tỷ USD năm 2015. Nghĩa là trung bình mỗi khách Trung Quốc tiêu 2.083 USD/chuyến đi, thậm chí ở Úc, khách du lịch Trung Quốc chi trả đến 7.000 USD/người, trong khi các thị trường khác chỉ là 3.500 USD.
Theo ông Quỳnh, Việt Nam đang trở nên không đẹp ở trong mắt người châu Âu, Úc, Mỹ hay cả nhiều nước châu Á về vấn đề an toàn thực phẩm bị đe dọa, tai nạn xe cộ, đắm tàu, lật tàu, cướp giật tràn lan không thể kiểm soát, các chính sách thúc đẩy khách du lịch không nhất quán và chậm trễ. Những tháng đầu năm, số lượng khách thị trường truyền thống đến Việt Nam chỉ như muối bỏ biển. Ví dụ, khách Mỹ chỉ là 292.960 người, khách Pháp là 124.021, khách Đức là 8.871, Anh 128.308, Úc 165.060, Nhật 355.886 người...
"Lượng khách này suy cho cùng cũng chỉ bằng số lẻ của khách Trung Quốc. Vậy muốn có nguồn thu cao hơn về du lịch, phải chấp nhận thị trường Trung Quốc bởi đây là thị trường có mức chi trả rất tiềm năng và số lượng lớn, đặc biệt trong tình hình chúng ta không thể đẩy mạnh được các thị trường khác để bù đắp cho thị trường này" - ông Quỳnh cho hay.
Hơn nữa cũng phải nghĩ tới những nhân sự đang làm việc trong ngành du lịch, trong bối cảnh khách sạn, resorts đang được mở ra ồ ạt và rất nhiều các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang được triển khai...
Hãy để khách Trung Quốc rỗng túi khi về nước
Vậy làm thế nào để chấp nhận thị trường này nhưng không bị khách du lịch Trung Quốc "thao túng", theo ông Quỳnh, cái yếu của chúng ta là không chuẩn bị sẵn sàng một chiến lược, một kế hoạch hành động để đón thị trường Trung Quốc.
"Cần phải làm tất cả để cho khách du lịch Trung Quốc có thể chi trả thật nhiều khi du lịch Việt Nam, chứ không phải chỉ khoảng 790 USD cho cả chuyến đi, chỉ bằng 40% so với mức chi tiêu trung bình của họ trên thế giới" - ông Quỳnh nói.
Theo đó, chúng ta phải nghiên cứu khách du lịch Trung Quốc muốn mua gì từ Việt Nam và chúng ta có thể bán cho họ mang về. "Chúng ta thực sự chỉ đang bán sẵn những cái chúng ta có như di sản thiên nhiên mà quên mất sản vật" - ông Quỳnh cho hay.
Người từng có nhiều năm làm trong lĩnh vực du lịch cho rằng hãy học Nhật Bản, họ có cả một nghiên cứu về hành vi tiêu dùng của khách du lịch Trung Quốc để doanh thu du lịch của khách Trung Quốc chiếm 40% tổng doanh thu du lịch.
"Ở các siêu thị thấy rất nhiều khách du lịch Trung Quốc kéo theo va li đi chứa đầy các đồ dùng của Nhật Bản như mỹ phẩm, sữa Meiji, hay các đồ điện tử... Thậm chí ở các sân bay, nồi cơm điện hay sôcôla tươi Nhật Bản được bày sẵn để bán" - ông Quỳnh cho hay.
Theo ông, du lịch Viêt Nam cần phải có các tờ rơi hướng dẫn và chương trình quảng bá bằng tiếng Trung Quốc. Đừng nghĩ rằng làm thế chúng ta đang đánh mất bản sắc Việt vì như thế họ có thể mua nhiều hơn và tránh được các xung đột do bất đồng ngôn ngữ.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Tổng giám đốc điều hành Furama Resort Đà Nẵng.
"Chúng ta có thể xuất khẩu tại chỗ cho thị trường Trung Quốc, ví dụ hạt điều, cà phê, khô cá, trái cây sấy và có thể nghiên cứu xem nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc mà chúng ta có khả năng sản xuất được" - ông Quỳnh nêu ý kiến.
Cũng theo ông, ngành du lịch phải làm kỹ hơn, sâu hơn để đón thị trường này, cần phải có các thông tin bằng tiếng Trung Quốc về các địa điểm du lịch, có các bộ quy tắc ứng xử du lịch bằng tiếng Trung Quốc giống như Đà Nẵng đang chuẩn bị phát hành bên cạnh bản Tiếng Việt và Tiếng Anh.
Lực lượng hướng dẫn viên người Việt nói tiếng Trung cần phải củng cố và tăng cường số lượng, vì hiện nay hướng dẫn viên nói tiếng Trung quá ít. Tại các điểm du lịch cũng nên có hướng dẫn viên nói tiếng Trung cho những du khách không đi theo đoàn. Quan trọng nhất là vấn đề thông tin và giao tiếp, nếu thông suốt thì sẽ hạn chế được các cư xử không tốt nơi công cộng và tránh được các xung đột không đáng có với du khách thị trường tiềm năng này.
Đối với khách sạn cũng nên để sẵn những hướng dẫn bằng tiếng Trung Quốc, cách này cũng nên làm khu vực công cộng, các nhà hàng và quầy bar, menu cũng dịch ra tiếng Trung kèm hình ảnh món ăn.
"Tôi nghĩ những điều này sẽ làm cho khách lưu trú dễ dàng hơn và sử dụng dịch vụ chi trả nhiều hơn. Hãy để họ trở về nhà rỗng túi. Hãy chiến thắng ở trên chính đất nước mình" - ông Quỳnh cho hay.
Còn theo ông Phạm Văn Hà, Giám đốc Công ty du thuyền Bhaya, cần chọn thế mạnh phù hợp để sản xuất ra những sản phẩm khách du lịch cần. Phải có những đơn vị nghiên cứu nhu cầu của khách Trung Quốc để đưa ra sản phẩm cụ thể.
"Các công ty sản xuất của mình chỉ chú trọng tới nhu cầu của khách nội địa hoặc xuất khẩu chứ chưa chế tạo ra riêng các sản phẩm cho khách du lịch. Ví dụ, đặc tính của sản phẩm cho khách du lịch là gọn nhẹ, dễ mang vác và đóng gói vào vali, phải là các sản phẩm không có sẵn tại nước của họ" - ông Hà cho hay.
Thứ 2 là phải gắn với việc quảng bá, xúc tiến điểm đến như một nơi để shopping và tạo điều kiện cho những sản phẩm đến được tầm với của khách hàng như phải có không gian riêng ở sân bay, khu siêu thị...
Chia sẻ về vai trò của ngành du lịch trong vấn đề này, ông Phạm Hà, Tổng Giám đốc Công ty Luxury Travel cho rằng, Tổng cục Du lịch Việt Nam cần có những ban chuyên trách từng thị trường như Trung Quốc riêng, châu Âu, Mỹ, hay Úc để có những nghiên cứu, đề xuất và chiến lược, đưa ra các dự báo, giải pháp cụ thể của mỗi thị trường. Cần lập ngay cảnh sát du lịch tại các khu du lịch trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long...
"Các nước Thái Lan và một số nước họ đều làm như vậy. Cần phải coi du lịch là một ngành kinh tế và phải có cơ chế cho nó phát triển lành mạnh, bền vững và ổn định" - ông Hà nêu quan điểm.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2016, du khách Trung Quốc tới Việt Nam là 1.204.560 khách, chiếm đến 25% tổng số khách nước ngoài đến Việt Nam, nếu cộng cả Hong Kong và Đài Loan thì số đó sẽ là 1.463.365 người, chiếm 31% tổng số khách nước ngoài tới Việt Nam.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.