Đối với người Việt Nam, chợ là không gian văn hóa và là nơi gắn bó với lối sống của biết bao thế hệ. Tùy vào đặc điểm địa lý, phong tục tập quán của từng vùng mà khắp dọc dải đất hình chữ S đã hình thành những phiên chợ độc đáo có 1-0-2, mang màu sắc rất riêng. Dưới đây là một vài phiên chợ độc đáo mà nhất định bạn nên ghé thăm để hiểu được văn hoá đặc sắc nơi đây.
Chợ tình Khâu Vai (Hà Giang)
Vào gần cuối tháng 3 âm lịch, khắp cao nguyên đá Hà Giang, những bước chân trai gái bản, người già, người trẻ lại ríu ran tìm về Khâu Vai để làm nên một phiên chợ thật đặc biệt - chợ tình.
Chợ nằm cách thành phố Hà Giang chừng gần 200 km, mỗi năm một lần vào 27.3 âm lịch, mặc những con đường dốc ngoằn nghèo, mặc núi đá tai mèo lởm chởm, ở khắp nơi, họ lại tìm đến chợ, để tìm về một cuộc tình vẫn còn dang dở.
Chợ tình Khâu Vai tấp nập mỗi năm (Ảnh: Mai Thị Thu Thanh).
Theo nhiều người dân nơi đây, chợ tình Khâu Vai đã có từ lâu, là đêm chợ truyền thống của người dân tộc Mông, xưa kia còn được gọi là chợ Phong Lưu, cũng có nghĩa là phong tình. Ban đầu những người đến đây đều là những người có tình yêu dang dở, vì lý do nào đấy mà không đến được với nhau. Họ đến, trao nhau những yêu thương sau một đêm, rồi sáng mai khi phiên chợ tan, tình tan, họ lại trở về sống với người chồng, người vợ, mà không có sự hờn ghen hay trách móc...
Chợ Viềng (Nam Định)
Ở Nam Định có đến 4 địa điểm cùng mang tên chợ Viềng, nhưng nổi tiếng nhất là chợ Viềng Phủ (nằm ở gần Phủ Dầy, huyện Vụ Bản) và chợ Viềng Chùa (cách không xa chùa Bi, huyện Nam Trực). Tất cả các phiên chợ này đều được họp vào đêm mồng 7 tháng Giêng Âm lịch hàng năm với mục đích để người dân cầu may cho năm mới.
Chợ Viềng bán rất nhiều đồ cổ (Ảnh: IT).
Chợ Viềng được họp theo kiểu chợ phiên xưa của vùng quê Bắc Bộ: hàng hóa được bày trên các tấm bạt, trong các lều tạm hoặc ở các khoảng đất trống. Các mặt hàng chủ yếu là hạt giống cây trồng, cây cảnh, đồ nông cụ, đồ cổ, các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày hay tò he cho trẻ em… Người mua thường không cò kè trả giá, người bán cũng luôn giữ tâm trạng vui vẻ để cả năm may mắn.
Chợ nổi (miền Tây)
Chợ nổi được coi là một nét văn hóa của người dân vùng Tây Nam Bộ. Do địa hình ở đây chủ yếu là sông nước nên người dân thường xuyên dùng ghe, thuyền làm phương tiện di chuyển, từ đó các hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa cũng dần được hình thành.
Chợ nổi miền Tây chủ yếu bán các loại hoa quả (Ảnh: IT)
Địa điểm người dân họp chợ nổi là những đoạn sông đông người qua lại, tiện đường di chuyển. Chợ được người dân họp cả ngày, nhưng đông vui và náo nhiệt nhất thường là vào buổi sáng. Các mặt hàng được bày trên ghe, thuyền đa phần là trái cây. Các ghe, thuyền thường không có biển hiệu. Nhưng để nhận biết, chủ hàng sẽ dựng một cây sào trước mũi thuyền, trên đó bày mặt hàng mình có.
Ở miền Tây có rất nhiều khu chợ nổi nổi tiếng như chợ nổi Cái Bè, Phụng Hiệp, Châu Đốc, Cái Răng… Các khu chợ này được hình thành từ lâu đời, phát triển tự phát. Đến các khu chợ nổi này, hành khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống thường ngày của người dân miền Tây một cách chân thực nhất.
Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng chợ nổi vẫn tồn tại như một nét văn hóa đặc trưng và phát triển ngày một sầm uất hơn.
Chợ Âm phủ (Đà Lạt)
Nếu đến thăm Đà Lạt, du khách sẽ có cơ hội được ghé chợ Âm phủ nằm ngay trung tâm thành phố. Tuy có cái tên đáng sợ, nhưng thật ra đây là nơi có không khí náo nhiệt, tấp nập, mặt hàng đa dạng, phong phú, giá bán lại rất rẻ.
Tên chợ được đặt như vậy do trước đây, khi chưa có đèn đường, chợ họp gần như trong bóng tối, chỉ có ánh đèn leo lét từ các gian hàng thắp đèn dầu. Người bán, người mua đều lần mò từng món hàng, đi lại hết sức khó khăn. Đến ngày nay, chợ Âm phủ đã trở thành địa điểm du lịch được nhiều du khách ghé thăm.
Chợ Âm phủ bày bán các mặt hàng đặc trưng của Đà Lạt (Ảnh: IT).
Chợ Âm phủ họp cả đêm và bày bán những mặt hàng đặc trưng của miền đất này như đồ len (quần áo len, các con thú ôm làm bằng len, khăn mũ móc bằng tay…). Ngoài ra, du khách còn có thể ngồi nhâm nhi những món ăn ấm nóng như khoai lang nướng, ngô nướng, thịt quay, sữa đậu nành nóng… ngay tại chợ trong không khí se lạnh của đêm Đà Lạt. Chợ họp từ 7 - 8h tối hôm trước, các hoạt động kéo dài tới 3 - 4h sáng hôm sau mới vãn.
P.V (Dân Việt, Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.