Thuở xưa, cái thuở mà cha mẹ đặt đâu con ngồi đó thì hạnh phúc của người con gái giống như một “canh bạc cuộc đời”. May mắn lắm thì lấy được người chồng tốt, còn không thì…
Và chuyện lấy chồng của cụ bà Nghiêm Thị Dậu cũng giống như bao người con gái thời đó. Năm 13 tuổi, cụ Dậu lấy cụ Trương qua sự sắp xếp của đôi bên gia đình. Đến nay đã 80 năm hai cụ chung sống với nhau nhưng chỉ duy nhất một lần cụ ông đánh cụ bà, lý do vì… “quá yêu”.
Clip: Kể về tình yêu của hai cụ dành cho nhau khi đã ngoài 90.
Hai cụ chụp ảnh cùng nhau cách đây 2 năm khi cụ bà mừng thọ tuổi 90.
80 năm chung sống và một lần duy nhất đánh vợ vì... ghen
Cụ ông thường bóp vai cho cụ bà mỗi khi cụ bà thấy đau nhức.
Tâm sự về người bạn đời của mình, cụ Trương chia sẻ: “Bà ấy về làm dâu nhà tôi được cái chịu khó làm lụng, hiền lành. Từ đức tính đó của bà ấy nên vợ chồng không có mâu thuẫn gì với nhau bao giờ”.
Tuy nhiên có một điều mà cụ Trương “quên” không nhắc đến là khi xưa vợ mình cũng rất đẹp. Chính vì vẻ đẹp đó nên có một lần cụ Trương đã lỡ đánh vợ, vì “sợ mất vợ" khi vợ đi hát trống quân - một bên nam và một bên nữ hát đối đáp với nhau. Sau sự việc này, cụ Dậu chia sẻ là tuy có giận chồng nhưng cũng hiểu là vì chồng quá yêu mình.
Quê gốc của cả hai vợ chồng cụ Trương là ở Vân Đình, Ứng Hòa (nay thuộc Hà Nội). Đến năm 1960, cả gia đình cụ Trương chuyển ra sinh sống tại làng Bình Vọng. Hai vợ chồng cụ sinh được tổng cộng 8 người con thì có 4 người con chết trẻ, trong đó có một người con đầu là liệt sĩ. Đến hiện tại, hai cụ có hơn hơn một chục cháu, chắt nội ngoại.
Người con trai đầu của hai cụ là liệt sĩ hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Quan tâm đến nhau không kể tuổi tác
Mặc dù tuổi đã ngoài 90, nhưng cụ Trương vẫn viết sớ và đi cúng lễ khi có người dân đến nhờ làm lễ giải hạn, về nhà mới… Mỗi lần cụ ông đi cúng lễ quá giờ ăn cơm vẫn chưa về thì kiểu gì cụ bà cũng chờ để đợi cụ ông về cùng ăn. Tâm sự về việc này, cụ bà chia sẻ: “Kiểu gì tôi cũng chờ ông ấy về để ăn cùng, kể cả là một, hai giờ trưa. Bữa ăn mà không có ông ấy ăn cùng, tôi cảm thấy không ngon chút nào”.
“Cụ bà một ngày ăn bốn bữa vào sáng, trưa, chiều, tối và cụ ăn rất ít. Nhưng cụ ông thì luôn nhớ giờ giấc ăn uống của cụ bà, nhiều khi đến bữa chiều lúc 3 giờ, tôi quên không mua đồ ăn cho bà là kiểu gì ông cũng nhắc tôi”, cô Bùi Nguyệt Nga, làm giúp việc cho hai cụ chia sẻ.
Vì các con trai buôn bán kinh doanh ở nhà ngoài thị trấn nên chỉ có hai cụ và người giúp việc ở căn nhà trong làng. Tuy tuổi đã ngoài 90, sức khỏe đã giảm sút do bệnh tật nhưng hai cụ vẫn luôn quan tâm, nở nụ cười với nhau mỗi ngày. Vì hai cụ luôn tâm niệm: “Một ngày là vợ chồng thì trăm năm sau vẫn mãi là vợ chồng”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.