Tục lì xì đầu năm là văn hóa ngàn đời
Đêm Giao thừa, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là lúc mọi người bắt đầu được gửi và nhận những phong bao lì xì.
Năm nào cũng vậy, con cháu mừng tuổi ông bà, bố mẹ và ngược lại với hy vọng tặng cho nhau những may mắn đầu tiên của năm mới. Chẳng ai nhớ lì xì có từ bao giờ chỉ biết rằng cứ Tết đến là không thể thiếu phong bao tươi thắm.
Có nhiều câu chuyện được người dân truyền miệng về sự ra đời của bao lì xì, trên thực tế cũng chưa ai kiểm chứng được có chính xác hay không. Theo TS. Nguyễn Thị Hồng – chuyên gia Văn hóa, Phó trưởng Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết tục lì xì đầu năm của người Việt Nam đã có từ ngàn năm chứ không phải bây giờ mới có.
TS. Nguyễn Thị Hồng – chuyên gia Văn hóa, Phó trưởng Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Trước ý kiến cho rằng, phong bao lì xì và tục tặng lì xì đầu năm của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc, TS. Hồng lý giải: “Tục tặng lì xì không bắt nguồn từ Trung Quốc vì có thể thấy tuy tên gọi Tết là của Trung Quốc nhưng nội hàm lại thuần Việt. 12 cái Tết Việt Nam đang dùng có tên của Trung Quốc nhưng đều được Việt hóa cả. Các phong tục trong đó có phong tục ngày Tết Nguyên đán được Việt hóa không phải của Trung Quốc.
Chữ lì xì là của người miền Nam Việt Nam gọi còn các cụ xưa chỉ gọi đơn giản là tục mừng tuổi cho trẻ em và người già nhân dịp Tết. Vì vậy phong tục này là phong tục của người Việt. Xuất phát từ khát vọng, trong giao tiếp của người Việt”.
Không chỉ tặng lì xì Mùng 1 mà cả Mùng 2, 3 và thậm chí là trong dịp Tết chỉ cần gặp mặt nhau cũng có thể trao phong bao lì xì. Những đồng tiền trong phong bao lì xì được gọi là đồng tiền may mắn, là phúc lộc đầu năm. Bên cạnh đó, lì xì con mang niềm tin và hy vọng. Những người được nhận lì xì luôn tin rằng mình sẽ có một năm thật nhiều may mắn với khởi đầu tài lộc, sẽ “thuận buồn xuôi gió” cả năm.
Lì xì đầu năm có còn như xưa?
Từ khi chiếc xì lì xuất hiện không ai quy định phải mừng bao nhiêu tiền vì quan niệm dân gian tiền mừng tuổi là tiền lộc, tượng trưng. TS. Hồng cho biết chỉ sau này, cuộc sống càng phát triển, người Việt bắt đầu có ý tưởng mới, không phải là tặng quà nữa mà là tặng tiền lì xì. Chính là những đồng tiền được đặt trong phong bao rất đẹp màu đỏ rực, đường nét tươi thắm rực rỡ với ý nghĩa cầu mong sức khỏe, người già sống lâu trăm tuổi.
Cận Tết, trên nhiều diễn đàn chia sẻ câu chuyện của một bạn trẻ 25 tuổi, ra trường đi làm 3 năm. Bạn trẻ thắc mắc bây giờ “Lì xì đầu năm bao nhiêu cho đủ?” bởi mọi năm dù đã mừng tuổi 50.000 đồng nhưng anh ta vẫn bị họ hàng đánh giá là “mừng tuổi quá ít”.
Ngoài ra, trên nhiều diễn đàn cũng đăng tải những hình ảnh các bạn trẻ xin tư vấn “Tết này thu chi bao nhiêu”, “mừng tuổi như thế nào”, “đổi tiền mừng tuổi”. Một câu hỏi được đặt ra là việc mừng tuổi, tặng lì xì đầu năm có còn như xưa hay đã bị biến tướng, mang nặng tính kinh tế.
Ngân Thanh, một bạn trẻ làm việc ở Hà Nội tâm sự: “Mình mới ra trường và lập gia đình. Thực sự bây giờ mình sợ Tết bởi phải lo lắng, chuẩn bị quá nhiều thứ. Chi tiêu sắm Tết là một phần nhưng khoản tiền sợ nhất vẫn là tiền mừng tuổi. Bây giờ người ta đâu có mừng tiền nghìn mà cả chục, cả trăm nghìn”.
Điều đó cho thấy tục mừng tuổi đầu năm đang bị biến tướng, không còn giữ được nét đẹp như xưa. Một đứa trẻ khi được mừng tuổi, sau tiếng cảm ơn không còn là niềm vui sướng đi khoe vì may mắn nhận lì xì mà vội vàng kiểm tra xem bên trong có bao nhiêu tiền.
Bàn luận về vấn đề này, TS Hồng bày tỏ thực sự buồn khi thấy nét đẹp văn hóa đang dần bị sai khác nhưng không thể phủ nhận đó là thực tế hiện nay.
TS dẫn chứng hình thức tặng lì xì của thời xưa và nay cũng đã có sự khác biệt bởi: “Ngày xưa người ta tặng lì xì không phải là tặng tiền mà tặng một món quà nào đấy vì xa xưa các cụ không có tiền nên chỉ có món quà nhỏ để tặng cho trẻ con với mong muốn trẻ con hay ăn chóng lớn, tặng người già theo nghĩa chúc tuổi người già. Nên xưa mới có câu “trẻ được bát canh già được manh áo mới”.
Nhưng hiện nay tục lì xì bị biến tướng nhiều, mọi người lợi dụng nó để đạt được một nhu cầu về mặt vật chất, có người về mặt thăng quan tiến chức,... tóm lại đây là những hoạt động không còn thuần nhất nữa”, nữ TS bày tỏ.
Để giữ được nét đẹp của tục lì xì, TS Hồng đưa ra giải pháp: “Trước hết người lớn phải nâng cao ý thức, nên nghĩ rằng mừng tuổi cho trẻ em là ý nghĩa biểu tượng thôi.
“Cái cho không quan trọng bằng cách cho”, không quan trọng bằng cách biếu nên coi đó là một thuần phong mỹ tục với ý nghĩa là khát vọng cầu may, cầu cho sinh sôi phát triển, cầu cho ngoan ngoãn, cầu cho tốt đẹp,... chứ không phải để mua những giá trị đó. Đưa phong tục trở về với ý nghĩa tốt đẹp nhất của nó, làm sao đó để phong tục này là mỹ tục đừng biến thành hủ tục”.
Hãy luôn nhớ phong bao lì xì màu đỏ chỉ đơn giản là món quà may mắn đầu năm. Màu đỏ là biểu tượng của may mắn, Như ý - Cát tường - An khang - Thịnh vượng, tất cả đều chứa đựng trong chiếc phong bao lì xì. Đặc biệt, việc dùng bao lì xì còn thể hiện việc không so bì hơn thua, một sự kín đáo nhã nhặn bởi tiền mừng tuổi chỉ là tiền may mắn không quan trọng số lượng.
Kim Bảo Ngân (Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.