Tuy không có số liệu chính xác về việc có bao nhiêu phụ nữ mang thai ở Vũ Hán (Trung Quốc) chuẩn bị sinh con, nhưng cuộc sống của họ đã bị ảnh hưởng hoàn toàn bởi dịch bệnh.
Ngày 1/2 - ngày thứ hai sau khi nhập viện với chẩn đoán bị viêm phổi, chị Gong Lin đã sinh một bé trai nặng 3,5 kg. Trước đó, bà và cha của cậu bé đều được xác nhận mắc viêm phổi do virus corona mới (nCoV).
Cậu bé có các chỉ số sức khỏe bình thường, được chăm sóc tại khu vực riêng. Trong khi đó, mẹ của bé, chị Gong Lin, phải điều trị trong bệnh viện cách ly.
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã khiến những sản phụ như Gong Lin và gia đình họ gặp rất nhiều khó khăn. Họ đã phải xoay xở thế nào và cuộc sống bị đảo lộn ra sao?
Khó khăn chồng chất với thai phụ chờ sinh
Gong Lin và chồng cô - Zhang Li đã chuyển đến sống tại Vũ Hán từ năm ngoái. Tháng 5/2019, Gong Lin mang thai con thứ hai. Cả gia đình đều mong chờ sự ra đời của em bé.
Trước dịch viêm phổi Vũ Hán, hai vợ chồng Gong Lin hiếm khi ra ngoài. Chồng chị bắt đầu có những dấu hiệu mắc bệnh vào ngày thứ hai của năm mới. Ban đầu, anh bị nghẹt mũi và ho. Nhiệt độ cơ thể của anh ở mức 37,1 độ C. Sau đó, cả gia đình cùng kiểm tra thân nhiệt. Nhiệt độ của mẹ chồng Gong Lin đã tăng lên 38,1 độ C. Cả mẹ chồng và chồng của Gong Lin cùng được chẩn đoán mắc viêm phổi chủng mới.
Sau khi chồng và mẹ chồng được cách ly 3 ngày, Gong Lin, đang mang thai hơn 38 tuần, cũng bắt đầu có các triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, tiêu chảy, ớn lạnh và sốt. "Đã có hai người mắc bệnh trong nhà tôi và có lẽ tôi cũng đã bị", Gong Lin dự cảm không lành.
Thấy vợ sắp đến ngày lâm bồn và có thể đã nhiễm cúm Vũ Hán, anh Zhang Li gọi điện liên hệ đến nhiều bệnh viện để khám sức khỏe cho vợ. Tuy nhiên, anh Zhang nhận được chỉ dẫn nếu tình trạng sức khỏe của sản phụ chưa nghiêm trọng thì không nên đến bệnh viện. Họ tìm thấy trong các tài liệu do Bộ chỉ huy phòng chống và kiểm soát dịch Vũ Hán tên bốn bệnh viện tiếp nhận phụ nữ mang thai, hai trong số đó ở khá xa nhà. Trong khi giao thông ở Vũ Hán đình trệ và gia đình không có ô tô, họ đã tìm sự trợ giúp từ cộng đồng.
Gong Lin chờ chồng gội xe về nhà sau khi hoàn thành các khâu kiểm tra sức khỏe tại một bệnh viện được chỉ định. Ảnh chụp hôm 30/1.
Sau nhiều cuộc điện thoại kêu gọi trợ giúp, xe cứu thương đã tới đưa Gong Lin đến bệnh viện trung tâm Houhu của Vũ Hán. Tuy nhiên, thời điểm đó tất cả các giường trong bệnh viện đã hết và phòng sinh vẫn đang được tái thiết, không thể tiếp nhận sản phụ. Bệnh viện chỉ làm những công tác cơ bản như xét nghiệm máu hoặc chụp CT, không tiến hành xét nghiệm axit nucleic.
"Phòng khám thông thường không nhận phụ nữ mang thai bị sốt. Trong khi các bệnh viện chỉ có thể thực hiện xét nghiệm máu định kỳ, không chẩn đoán được sản phụ có nhiễm virus corana hay không. Chụp CT không an toàn cho phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai không được tiếp nhận. Chúng tôi như rơi vào đường cụt", Zhang Li nói.
Tuy nhiên sau đó, Gong Lin cũng đã trải qua ca sinh nở thuận lợi và đón con trai nặng 3,5 kg.
Một trường hợp khác cũng gặp khó khăn là gia đình chị Liu Yuting. Chị được dự sinh vào ngày 12/2 và ngày 27/1 nhận được kết quả chẩn đoán mắc viêm phổi Vũ Hán. Các bác sĩ đề nghị giải quyết vấn đề sức khỏe của mẹ càng sớm càng tốt, nếu không nhịp tim thai nhi sẽ bị ảnh hưởng. Gia đình Liu Yuting đã gọi xe cứu thương đưa chị đến Bệnh viện Sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Chị gái của Liu Yuting nói trong xúc động: "Cảm giác có một chiếc giường giống như trúng vé số độc đắc".
Kết quả xét nghiệm của Liu Yuting.
Các tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ thai phụ
Tình nguyện viên Dolphin là người đứng đầu tổ chức từ thiện vì trẻ em. Ngày 23/1, cô nhận thấy phụ nữ mang thai ở Vũ Hán cần được giúp đỡ và đã tham gia nhóm tình nguyện. Cùng ngày, có rất nhiều tin nhắn được gửi tới từ các mẹ bầu ở Vũ Hán: có nhiều người trong bệnh viện và họ sợ bị lây chéo, giường bệnh rất chật và họ không thể tiếp nhận phụ nữ mang thai.
Ngày 26/1, Dolphin cùng các cộng sự đã thành lập nhóm trên Wechat gồm các bà mẹ mang thai ở Vũ Hán. Không lâu sau đó, hơn 200 mẹ bầu đã tham gia và khoảng 1/4 trong số đó được dự sinh trong một tháng. Vì sự bất tiện khi di chuyển và đối mặt với nhiều vấn đề thực tế khác nhau, nhóm "bà mẹ tương lai" này đặt hy vọng vào các tình nguyện viên.
Dolphin cho biết rằng, sau khi kết nối với các phụ nữ mang thai cần giúp đỡ thông qua các kênh, trước tiên là, trợ giúp trực tuyến, các tình nguyện viên sẽ sàng lọc và cung cấp phương án hỗ trợ tương ứng dựa trên ngày sinh dự kiến của sản phụ, cho dù họ bị sốt hay đã được chẩn đoán nhiễm bệnh.
Trong các nhóm lớn, thai phụ có thể trò chuyện và trao đổi kinh nghiệm với nhau. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, thành viên cũng có thể hỏi bác sĩ trong nhóm và được trả lời. Nếu đó là một thai phụ sắp đến ngày sinh hoặc có nguy cơ cao, nhóm tình nguyện sẽ thành lập một nhóm nhỏ để sắp xếp các bác sĩ chuyên khoa và y tá chuyên nghiệp chỉ dẫn, trong khi nhân viên xã hội cũng sẽ hỗ trợ thai phụ có tâm lý, cảm xúc thoải mái.
Dolphin cho biết, nhóm tình nguyện nắm được triệu chứng cụ thể của phụ nữ mang thai và có thông tin như báo cáo xét nghiệm và xét nghiệm viêm phổi corona. Nếu một người cần điều trị y tế, họ sẽ giúp liên hệ với cộng đồng, bệnh viện... để xác nhận trước liệu phụ nữ mang thai có thể được xét nghiệm không và liệu họ có được tiếp nhận không. Các chi tiết chính cũng sẽ được hỏi, chẳng hạn như bệnh viện sẽ xử lý trường hợp phụ nữ mang thai khỏe mạnh và phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh khác nhau như thế nào khi họ nhập viện, nếu không, mỗi người sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn. Tình nguyện viên phải liên tục kiểm tra và cập nhật tình hình thay đổi mỗi ngày.
Trong quá trình giao tiếp, các tình nguyện viên nhận thấy rằng phụ nữ mang thai thường tỏ ra lo lắng vì họ có nhiều điều trăn trở, họ không biết đi đâu để kiểm tra, để an toàn hơn, ngay cả khi có xe ô tô để đến bệnh viện. Những điều này cũng được nhóm tình nguyện xem xét.
Làm thế nào để đến bệnh viện khi giao thông đình trệ ở Vũ Hán thực sự khiến nhiều phụ nữ mang thai lo phiền. Thông quan liên lạc với đội chăm sóc địa phương, Dolphin và nhóm tình nguyện viên đã tìm thấy 4 phương tiện hỗ trợ khi thai phụ đến lúc sinh. Cho đến nay, hai bà mẹ bị nhiễm bệnh đã nhập viện và 5 bà mẹ khác cũng tự đến bệnh viện với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên.
Hà Nhi (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.