Ngày tổ chức lễ cúng hóa vàng không cố định và tùy thuộc vào mỗi gia đình. Thường người ta thực hiện vào ngày mùng 3, tuy nhiên, lễ hóa vàng còn được tiến hành từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 10 Tết. Đặc biệt với các gia đình công chức thì lễ hóa vàng thường diễn ra từ mùng 3 đến mùng 5 Tết để tiễn ông bà, tổ tiên, trở về với nhịp sống lao động.
Với lễ hóa vàng, GS Sử học Lê Văn Lan quan niệm, do mùng 3 theo phong tục tập quán vẫn là Tết thầy nên để các cụ ở lại ăn Tết với con cháu, mùng 4 – 5 sẽ làm lễ tiễn các cụ về cõi vĩnh hằng.
Đại đức Thích Giác Nguyên (Nam Định) cho rằng, ngày lễ này ngoài ý nghĩa “hồi hướng” đến các chư vị trên (Đức Phật, thần linh, gia tiên…) thì còn bày tỏ lòng biết ơn của gia chủ đến chư Phật, thần linh, gia tiên… đã luôn yểm trợ, phù hộ cho gia chủ trong 1 năm qua.
Mâm cỗ cúng hóa vàng cũng giống như các gia đình đã chuẩn bị trong những ngày trước.
Trong cuốn “Hương nhang cổ truyền Bồ Đề Tâm”, mâm cỗ hóa vàng gồm có những thứ sau: Hương, hoa tươi, quả tươi, trà, trầu cau (thường là 1 – 3 quả cau còn cuống với một lá trầu), đèn, nến, rượu, vàng mã…
Ngoài ra còn là mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay.
Theo dân gian, hoa quả dịp Tết bày biện trên ban thờ vẫn để nguyên, nếu có hoa quả mới mua thêm thì dâng lên cúng dường, chứ không nhất thiết phải hạ hết vật phẩm cũ để bày vật phẩm mới lên.
Nhiều người lầm tưởng khi cúng hóa vàng là hạ lễ vật cúng dường ngày Tết, rồi thay mới hết. Như thế chưa hẳn là đúng, mà theo dân gian là phải để nguyên vật phẩm Tết trên ban thờ mới gọi là lễ hóa vàng.
Tuần tự cúng hóa vàng là gần hết 1 tuần hương thì bắt đầu hóa vàng tiền mã. Mỗi lễ vàng tiền đều được hóa riêng từ các bậc cao xuống theo thứ tự gia thần trước, gia tiên sau. Trước khi hạ mỗi lễ đều vái ba vái và khấn: "Gia chủ xin hóa tiền vàng, kim ngân… thỉnh vong linh gia tiên nhận chút lễ bạc, tâm thành. Kính cáo tôn thần, xin rước vong linh lại về âm giới". Rồi lần lượt hóa hết chỗ vàng mã đã bày mấy ngày Tết.
Cuối cùng lễ 3 vái, xin gia tiên phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, bình an rồi xin phép hạ lễ cho con cháu thụ lộc, và chia vật phẩm (chia lộc) cho con cháu.
Rất nhiều nhà sư, nhà văn hóa đều khuyến cáo rằng người dân không nên hoặc không đốt quá nhiều vàng mã khi cúng lễ. Đồ vàng mã chỉ nên có một ít tiền, vàng thể hiện lòng thánh. Nếu quá mê tín dị đoan, đốt đủ thứ với suy nghĩ "trần sao âm vậy" là lạm dụng, phô trương, làm mất đi ý nghĩa của tập tục này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.