Trong vở kịch “Thiên đường”, NSƯT Quang Thắng phải hoá trang thành một bà mẹ quê chít khăn mỏ quạ, có dáng người chân chất, thương con, cả tin và bộc tuệch. Bà mẹ ấy lúc thì chạy bon bon trên sân khấu, lúc lại bò lồm cồm từ cánh gà rồi chui xuống gầm cây đàn piano để ngó nghiêng cô con gái và người yêu. Thậm chí, bà mẹ quê nhưng lại biết chơi đàn piano dù chỉ chơi được mỗi bài “Bé bé bằng bông”.
Có ý kiến cho rằng, việc để cho Quang Thắng cải trang thành bà mẹ quê có gì đó khiên cưỡng, thiếu tính thẩm mỹ và thể hiện sự lười biếng của người nghệ sĩ.
Cách tạo hình nhân vật bà mẹ quê của Quang Thắng trong vở "Thiên đường". Ảnh: Thảo Vân.
Nhiều người cho rằng, vai diễn này không nhất thiết phải để Quang Thắng cải trang thành bà mẹ quê bởi nhân vật bà mẹ là vai phụ, xuất hiện không nhiều và gần như chỉ để vở kịch có thêm tiếng cười. Nếu một nữ diễn viên nào đó đóng cũng không ảnh gì đến mạch kịch. Hoặc nếu đoàn thiếu diễn viên nữ thì vai bà mẹ có thể thay thành vai ông bố cũng vẫn hợp lý.
Trước câu chuyện này, NSƯT Quang Thắng cho biết, anh nhận vai bà mẹ trong vở “Thiên đường” là do sự phân công của Đoàn. Là diễn viên biên chế của đoàn nên khi được phân công anh không thể thoái thác.
Theo Quang Thắng, đây chỉ là một vai phụ của vở diễn, không phải để dự thi… Vai diễn này nhằm tạo thêm chút “gia vị” cho vở diễn có màu sắc mới lạ và hài hước.
“Đúng là vai này nên để nữ đóng sẽ hợp hơn nhưng vì vai hơi ít “đất” diễn nên nếu để diễn viên đóng như bình thường sẽ không có gì để diễn, còn tôi vào vai thì thêm một chút “phết phẩy” cho vai diễn nó vui tươi lên. Toàn bộ vở diễn chỉ có hai vai chính là cô con gái và ông chồng đi học ở Nga về, những vai còn lại đều vai phụ. Tôi cũng đã cố gắng hoá trang và diễn sao cho ra màu sắc bà mẹ nhất rồi. Hôm diễn xong cũng không thấy anh chị em đồng nghiệp nói gì cả…”, Quang Thắng nói.
Nghệ sĩ Quang Thắng thừa nhận, đây là lần đầu tiên anh đóng vai giả gái. Giả gái nhưng không phải kiểu õng ợt, nhõng nhẹo… như thường thấy mà là một bà mẹ quê. Tuy nhiên, Quang Thắng cho rằng, phàm làm diễn viên chuyên nghiệp, một khi đã lên sân khấu thì không được phép nề hà chuyện hoá trang thành nhân vật này, nhân vật kia bởi đó là những trải nghiệm đặc biệt thú vị. Và càng không phép được phân biệt vai ngắn, vai dài, vai phụ, vai chính… bởi sự phân biệt đó sẽ làm cho người nghệ sĩ trở nên xa cách với sân khấu. Điều quan trọng nhất là mình diễn những vai diễn đó như thế nào.
Một cảnh trong vở diễn. Ảnh: Thúc Phạm.
“Thiên đường” là vở kịch của tác giả Phạm Kim Ngân, do NSND Lê Hùng làm đạo diễn. Vở kịch dựa trên bối cảnh của thập niên 90, kể về một đôi vợ chồng đi học ở Nga về. Họ bị mất hết hàng hoá và đồ đạc nên khi về tới Việt Nam thì chỉ còn tay trắng. Dù đã có bằng đỏ của Nga trong tay nhưng khi đi xin việc lại không cơ quan nào nhận. Họ đành phải chuyển sang làm nghề buôn bán.
Nhờ sự tháo vát, nhanh nhẹn cộng với sự giúp đỡ của bạn bè nên cặp vợ chồng dần khấm khá lên. Khi có chút tiền ông chồng lại đâm ra “hư nết”, cặp bồ với một cô gái trẻ. Người vợ phát hiện chồng có bồ trẻ liền tìm cách trả thù bằng cách đi cặp bồ với một chàng trai trẻ hơn. Kết thúc vở diễn là gia đình tan nát, con cái, đứa tự tử, đứa không chịu học hành.
Theo Quang Thắng, để có thể hoàn thiện được vở diễn đúng tiến độ và mang vào TP. HCM dự Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc, các anh chị em trong đoàn đã phải tập trung luyện tập với một cường độ khá cao.
Hà Tùng Long (Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.