Bí kíp luyện thi đại học của thủ khoa ĐH Bách Khoa Hà Nội

Thứ tư, ngày 25/06/2014 10:31 AM (GMT+7)
Để được điểm 10 Toán, 10 Hóa, 9,75 Lý, thủ khoa năm 2013 của đại học Bách khoa Hà Nội Nguyễn Thành Trung đã luyện hơn 300 đề thi.
Bình luận 0

Thủ khoa Thành Trung vẫn nhớ như in thầy dạy Toán từng ví việc ôn thi đại học như xây một ngôi nhà. Đầu tiên ta cần tạo nền móng vững chắc, tức là nắm tốt các kiến thức cơ bản. Tiếp đó là giai đoạn xây thô - làm quen với nhiều nhất có thể các dạng bài, công thức mới. 2-3 tháng trước khi thi đại học là giai đoạn hoàn chỉnh. Lúc này thí sinh cần luyện đề thi thử theo đúng thời gian để biết mình còn thiếu, yếu chỗ nào và luyện phản xạ nhanh với các dạng bài tập.

Ứng dụng phương pháp ấy của thầy, Thành Trung đã luyện hơn 300 đề để chuẩn bị cho kỳ thi đại học.

img

Nguyễn Thành Trung - thủ khoa 30 điểm năm 2013 của đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Theo thủ khoa 30 điểm, trong khối thi A, môn Toán là "dễ thở"  nhất vì thời gian làm bài thoải mái, cấu trúc đề rõ ràng.

Đề Toán thông thường luôn có câu giải phương trình. Khi làm bài này, thí sinh cần lưu ý, phải có điều kiện xác định, khi bình phương 2 vế phương trình cần đảm bảo 2 vế không âm.

Câu hệ phương trình hay ra dạng bài dùng hàm số để đánh giá. Hình học không gian cổ điển thường có bài tính khoảng cách giữa một đường ở mặt bên và một đường ở mặt đáy, hay hai đường vuông góc với nhau. Câu bất đẳng thức thường dùng 1 nhịp đánh giá bằng 1 bất đẳng thức phụ nào đó, hoặc phép đổi biến nào để hiện ra hàm số cần xử lí tiếp. Với các dạng bài này, thí sinh nên làm thật nhiều, ôn luyện theo từng chuyên đề cụ thể để quen cách nhìn nhận và hướng giải quyết hiệu quả.

Vật lý là môn thi khó nhất. Dù chỉ dùng kiến thức lớp 12 nhưng thí sinh phải hiểu được bản chất của các hiện tượng mới giải được bài tập dễ dàng. Do đó, điều quan trọng nhất khi thi môn này là nắm chắc kiến thức cơ bản, các công thức…Đề thi môn Lý thường tập trung ở 3 nội dung lớn là: Dao động cơ, sóng cơ và dòng điện xoay chiều. Các bài tập khó sẽ rơi vào những phần này.

Hóa học dễ hiểu hơn nhưng lượng kiến thức lại rất lớn, trải dài từ lớp 10 đến 12. Để làm tốt được môn này, thủ khoa Trung khuyên thí sinh hệ thống lại kiến thức về các dạng bài như: chất nào là axit, bazơ; chất nào là chất oxi hóa, chất khử, các tính chất hóa học của các loại cacbohidrat… Bên cạnh đó, cần nắm vững các phương pháp giải toán hóa học đặc trưng như: bảo toàn e, bảo toàn khối lượng, bảo toàn nguyên tố… "Các bạn nhất thiết phải luyện tập thật nhiều đề thi thử để khắc ghi các kiến thức, phương pháp giải đó vào trong đầu mình, lúc cần là có thể dùng được ngay", thí sinh từng được 10 điểm Hóa đại học nói.

Bí kíp làm bài thi môn Hóa của thủ khoa Thành Trung là: chia đề thành 5 đợt làm, mỗi đợt 10 câu. Trong mỗi đợt, ta làm lý thuyết trước, bài tập sau. Các câu đếm chất, nên điền số phía trên mỗi chất để đếm đỡ nhầm. Bài khó, bài dài để làm sau. Khi giải ra đáp án, cần khoanh vào đề trước rồi tô trên tờ đáp án sau. Lặp lại chu kì cho đến hết 5 đợt rồi tiến hành xử lý các câu hỏi khó. Trước khi nộp bài cần kiểm tra lại tờ đáp án xem mình có tô nhầm không để tránh mất điểm một cách đáng tiếc.

"Chỉ còn thời gian ngắn nữa là đến kì thi đại học. Các bạn hãy cháy hết mình để khi thi xong không phải cảm thấy nuối tiếc. Chúc các bạn có một kì thi thành công", thủ khoa 30 điểm của đại học Bách Khoa Nguyễn Thành Trung nói.

(Theo Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem