Xem thêm>>Violympic thi toán trên mạng không có lỗi?
Mới đây, tâm sự của một phụ huynh có con học lớp 1 đang phải quay cuồng với cuộc chạy đua thành tích thi Violympic đã khiến nhiều bậc cha mẹ không khỏi giật mình.
Trên face book của mình phụ huynh Le Dung (Hà Nội) viết:
“…Cuối tháng 11, cô giáo lớp 1 thông báo con đại diện lớp đi thi Violympic của trường. Vợ chồng về sục sạo coi cái đó là cái gì, rồi cho con làm thử. Thấy có mấy chỗ rất đánh đố, mà một đứa trẻ học đúng trình tự không thể làm được, kiểu 2+1+…< 3+0+…< 4-0+…, sau khi con vừa làm vừa chơi, vừa cười vì có mấy chỗ tranh vẽ buồn cười, nhởn nhơ như bò gặm cỏ, thỏ đi đua, hết 30 phút, và xếp thứ hạng 147 ngàn trong cả nước! Mình vào lại kiểm tra kết quả, kết quả đứng đầu là 5 phút 47 giây! Một kết quả mà ngay chính bản thân mình, chắc chắn mình không làm được với 8 vòng thi, mỗi vòng 4 bài nhỏ. Thật khủng khiếp.
Buột mồm bảo mẹ bọn trẻ, con chưa ăn thua đâu, nhìn này. Lần đầu tiên mình làm thằng bé khóc, vì bao nhiêu thành quả của nó bị ba hắt xuống đất với một câu so sánh rất ngu dốt. Lần đầu tiên nó giận mình lâu thế, lần đầu tiên nó luôn lặp lại câu “con không tha cho ba đâu”. Hôm sau mình vào mạng xem lại, thấy các bạn làm rất nhiều nick, mỗi lần lần lại làm đi làm lại rất nhiều lần, chứ không chỉ một lần, mình đem chỉ cho con và giải thích, nó mới nguôi ngoai. Nhưng thống nhất cùng nhau là con không cần làm thế, mình là đàn ông mà, làm cú một thôi, với lại đây chỉ là trò chơi, chơi chán chuyển qua trò khác chứ. Thế giới tươi đẹp này đâu chỉ mỗi trò đó đâu, con nhỉ?
…
Phân tích ra mới thấy, các quận có nhiều trường đại học đóng trên địa bàn, kết quả thật kinh khủng. Bọn trẻ chỉ lệch nhau vài giây, xếp hàng san sát tranh đua thứ bậc. Về địa lí, quận Hoàn Kiếm là trung tâm, nhưng về mặt này, nó phải gọi Hai Bà Trưng (nơi có trường XD, BK, KTQD đóng đô), Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân bằng ông nội về thành tích. Thậm chí như trường con chỉ có 3 bạn lớp 1 tham gia violympic tiếng anh. Với kết quả 19 phút, con được xếp thứ hạng 6 ngàn 500 trên cả nước.
Một đứa trẻ bình thường mất từ 30-50 phút cho 8 vòng thi ở lần làm bài đầu tiên, thì nó có thể biến kết quả đó thành 10 phút sau vài chục lần làm đi làm lại. Đó có phải trí tuệ và sự sáng tạo không? Hoàn toàn không, đó là thành tích, kiểu thuần Việt. Nó không khác mấy trò chơi điện tử, càng chơi càng thành thục, càng thành thục càng nhanh. Vậy người lớn chúng ta cần gì từ việc đó?
Hôm qua, sau khi hỏi cô giáo con thi bằng gì, IPAD hay Notebook, mình đi sắm cho con con chuột đầu tiên trong đời nó, lần đầu tiên nó dùng chuột cho máy tính để bàn.
Mình thực lòng thích khi biết con đi thi, nếu có thành tích, mình cũng rất vui, nên mình không đủ sức để từ chối cô giáo, không cho con đi thi, bởi lẽ thằng bé rất phấn khởi khi nghe cô giáo thông báo trước lớp. Nên cái duy nhất mình làm được cho con trong cơn cuồng nộ khủng khiếp này, đó là không cho nó làm lại bất cứ bài nào lần 2. Dù thế nào, nó cũng chỉ là trò chơi thôi, con ạ.
Người lớn chúng ta đã làm gì chúng thế này?”
Nhiều học sinh mệt mỏi vì áp lực học tập và các cuộc thi (nguồn: IT)
Ngay sau khi đăng tải, câu chuyện này đã nhanh chóng được chia sẻ chóng mặt trên các diễn đàn mạng xã hội. Rất nhiều phụ huynh sau khi đọc bài viết đã phải “giật mình” vì ngay chính bản thân họ cũng đang vô tình đẩy con mình vào cuộc đua hết sức mệt mỏi này.
Bạn đọc Lê Trang (Hà Nội) có con học lớp 5 chia sẻ: “Với tính chất là một sân chơi, nhưng sau đó thành tích Violympic lại trở thành tiêu chí để cộng điểm cho học sinh khi xét tuyển vượt cấp vào nhiều trường THCS, vì vậy, muốn con vào trường tốt thì phải chạy đua thôi”.
Bà mẹ này cũng cho biết, vì làm trên mạng nên nhiều khi bố mẹ cũng xúm vào giải cùng con. Cũng có tình trạng bố mẹ lập nhiều tài khoản giúp con làm đi làm lại bài để có điểm cao nhất. Điều này vô tình dạy con dối trá vì điểm chác, thành tích.
Một giáo viên tiểu học tại Hà Nội cũng cho biết, nhiều trường áp chỉ tiêu phải có học sinh đạt giải nên nhiều giáo viên cũng lao vào “ép” học sinh học ngày học đêm để đạt thành tích:
“Tốt nhất nên để nó là một sân chơi trí tuệ một cách đơn thuần giúp học sinh trải nghiệm, tương tác với môn Toán. Nếu cứ áp thành tích, vô tình sẽ tạo thêm áp lực cho học sinh tiểu học – điều mà ngành giáo dục đang cố gắng cải thiện bằng việc bỏ chấm điểm, bỏ thi học sinh giỏi, bỏ thi vượt cấp… trong thời gian qua” – giáo viên này nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.