Chủ nhiệm Lê Thị Nga cầm SGK ra cuộc họp hỏi Bộ GD-ĐT có độc quyền?

Lương Kết Thứ tư, ngày 19/09/2018 13:32 PM (GMT+7)
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã cầm cuốn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 ra và đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT liệu có sự độc quyền.
Bình luận 0

img

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (ảnh T.D).

Sáng nay (19.9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn liên quan đến lĩnh vực giáo dục, trình bày báo cáo thẩm tra, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, 14 đề án để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 29/TƯ đã được xây dựng, triển khai; đến nay 10 đề án đã được ban hành, 2 đề án đã trình và 2 đề án đang hoàn thiện. Việc đổi mới tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hai trong một đã mang lại những kết quả nhất định. Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cơ bản được thực hiện theo lộ trình. Việc quản lý dạy thêm, học thêm đã có những chuyển biến…

Tuy nhiên, kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia còn để xảy ra sai phạm ở một số địa phương, gây bức xúc trong nhân dân. Việc phân luồng học sinh phổ thông, nhất là phân luồng sau trung học cơ sở chuyển biến chậm. Việc dạy và học ngoại ngữ còn những khó khăn nhất định...

Góp ý vào báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, dư luận băn khoăn đến SGK và sự lãng phí trong in ấn SGK. Nghị quyết 88 có nói về 1 chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa. Thực tiễn chúng ta có tiết kiệm không trong in ấn và phát hành SGK?

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ, Bộ GD- ĐT kiểm tra làm rõ có những câu hỏi, nghi ngại xung quanh độc quyền về SGK. Tại sao SGK bây giờ khác các thế hệ trước, một bộ sách không dùng được 2-3 thế hệ”, bà Nga nói.

Bà Nga dẫn chứng bằng việc đưa cuốn sách toán lớp 1 ra và nói: “Trước đây bài tập riêng, SGK riêng. Bây giờ, toán lớp 1 luyện tập chung với SGK. Các cháu làm bài tập, nối hình, kẻ thêm hình, ghi bài tập vào trong đó. Như thế này đương nhiên là khoá sau không dùng được. Mỗi một năm in bán khoảng 100 triệu bản SGK, xã hội mất khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng đến năm sau không dùng được nữa. Bộ GD-ĐT phải tiến hành rà soát lại việc in SGK”, bà Nga nêu.

Cũng đề cập tới việc này, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện cho rằng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quan tâm vì mỗi cuốn sách chỉ 10.000 đến 12.000 đồng nhưng ảnh hưởng muôn nhà.

“Đề nghị Bộ trưởng quan tâm tổ chức thanh tra ngay vấn đề này, có biểu hiện gì ở đây? Thể hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách hay không? Trước đây SGK không phải như vậy nhưng sau đó người ta cứ đưa vào các bài tập, hình vẽ. Nhà in không tự in như thế được mà có thể người đặt hàng người biên soạn yêu cầu sách phải như vậy”, bà Nguyễn Thanh Hải nêu vấn đề.

Trưởng ban Dân nguyện nói thêm, vấn đề liên quan tới thí điểm, thí nghiệm cũng cần có tổng kết đánh giá, tránh để thời gian quá lâu, như thế cử tri không biết thí điểm đó tốt ở điểm nào, hạn chế ở điểm nào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem