Về nhà, thấy con có một vết xước trên má, một phụ huynh ở Đà Nẵng đã lao tới trường và tát cô giáo tới tấp, sau đó mới phát hiện…tát nhầm người.
Vụ việc đang gây nhiều tranh cãi diễn ra tại trường Tiểu học-THCS Đức Trí, Đà Nẵng. Theo đó, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 12.10, chị C. (là phụ huynh của em H.G, học sinh đang theo học tại đây đã xông vào trường đánh cô A – một giáo viên của trường vì cho rằng cô A đánh con mình rách má. Tuy nhiên, sau đó phụ huynh này phát hiện mình tát nhầm giáo viên. Cô O mới là người liên quan đến vụ việc.
Theo giải thích của cô O, học sinh bị xước mặt là do vào buổi trưa em này không chịu ngủ mà liên tục nói chuyện với bạn. Cô O nhắc nhở không được đã dùng tay đánh vào vai cháu H.G, nhưng do móng tay cô dài nên xược qua má làm học sinh bị xước má. Ban giám hiệu nhà trường cùng cô O sau đó đã đến xin lỗi phụ huynh này nhưng phục huynh vẫn kiên quyết tung ảnh, clip liên quan đến cô O lên mạng và gửi đơn kiến nghị lên Phòng GD ĐT quận Hải Châu và Sở GD ĐT Đà Nẵng những ngày sau đó.
Sự việc sau đó đã gây lên tranh cãi gay gắt trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là giữa các diễn đàn phụ huynh và giáo viên. Các bậc cha mẹ thì cho rằng cô giáo đập vai mà …xước má là hoàn toàn vô lý, chắc chắn cô phải đánh học sinh rất đau. Trong khi đó giáo viên thì chỉ trích, hành động của phụ huynh là không hợp lý, thiếu tôn sư trọng đạo.
Học sinh là người chịu hậu quả sau khi người lớn sử dụng bạo lực xử lý vấn đề (ảnh minh họa: IT)
Nói về vấn đề này chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn cho rằng: Ở vụ việc này, dù cô đúng hay mẹ đúng thì người gánh chịu hậu quả cả về thể chất và tinh thần là cháu học sinh kia:
Theo ông Chất, điều mà mọi người đều thấy là “sư nói phải, sãi nói hay”, tìm ra cái sai của người khác thì dễ nhưng nhận ra cái sai của mình mới khó. Trong trường hợp này, cách cư xử của cô giáo và phụ huynh đều rất sai. Cô giáo trước đó chắc chắn có đánh hoặc đe dọa học sinh. Vết xước má chỉ là tổn thương nhẹ về thể chất nhưng cô đã khiến tâm lý của học sinh bị trấn động. Còn về phía phụ huynh, có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề. Người mẹ này có thể đến trường gặp cô, hỏi rõ nguyên nhân thế nào? Con mà sai thì cũng bàn với cô hướng giáo dục phù hợp. Đề nghị lần sau nếu có xảy ra vấn đề với con thì nên gọi điện cho bố mẹ đề cùng nhau giải quyết, khuyên bảo trò.
“Cả cô và mẹ - đại diện của hai môi trường giáo dục đều đã dùng đến vũ lực để giải quyết vấn đề thì làm sao có thể dạy cho trẻ biết hòa nhã, yêu thương, chia sẻ… và trở thành người tốt, có ích cho xã hội được. Người lớn làm gương cho con trẻ. Trẻ sẽ học được bài học gì từ vụ việc này: Chúng sẽ biết rằng, khi có mâu thuẫn chỉ cần dùng “nắm đấm” để giải quyết. Bạo lực học đường cũng từ đó mà nảy sinh, gia tăng. Rất đáng lo ngại” – ông Chất cảnh báo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.