Cử nhân nô nức đi học thạc sĩ vì... thất nghiệp

Thứ năm, ngày 29/05/2014 09:32 AM (GMT+7)
Có những người thì “háo danh”, “sĩ hão”. Bằng cấp như “cá vàng, cây cảnh” cho đẹp căn phòng, không quan tâm đến thực chất và hiệu quả. Có những người thì toan tính, mượn tấm bằng để lên chức nọ, chức kia…
Bình luận 0
Theo Thông tư về Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành, thời gian đào tạo thạc sĩ tối thiểu 1 năm học đối với những ngành, chuyên ngành ở ĐH có thời gian đào tạo từ 5 năm trở lên. Quy chế này gây “buồn cười” bởi nguy cơ phổ cập… thạc sĩ trong điều kiện còn 72.000 thạc sĩ, cử nhân đang thất nghiệp.

“Tôi thấy buồn cười, khó hiểu”

Theo nội dung Thông tư, thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ từ 1 đến 2 năm học. Cụ thể, tối thiểu 1 năm học đối với những ngành, chuyên ngành mà ở trình độ ĐH có thời gian đào tạo từ 5 năm trở lên và khối lượng kiến thức tích lũy được từ 150 tín chỉ trở lên.Từ 1,5 năm đến 2 năm học đối với những ngành, chuyên ngành không thuộc quy định trên.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Còn PGS Văn Như Cương bày tỏ ngạc nhiên: “Tôi thấy buồn cười, khó hiểu. Hiện nay, học thạc sĩ đã rất dễ rồi. Cử nhân thất nghiệp chỉ cần bỏ tiền ra là đi học thạc sĩ. Các trường đại học (ĐH) mở ra ồ ạt, cứ “gom” cho đủ người là đào tạo cho ra lò. Phải chăng 2 năm nhiều quá nên giảm xuống thời gian 1 năm cho đỡ… mất thời gian?”.

PGS Văn Như Cương nhấn mạnh, việc học thạc sĩ 2 năm của nhiều trường ĐH danh tiếng còn kém mà học 1 năm lý thuyết và 1 năm vừa làm vừa viết, bây giờ tuyển sinh 2 năm một lần, đào tạo 1 năm thì không biết làm lúc nào mà bảo vệ? Các ngành đào tạo 5 năm là những ngành khoa học kỹ thuật, học hành nhiều hơn và phức tạp hơn, như vậy khi đào tạo thạc sĩ thì cũng phải ít nhất là 2 năm, sao lại giảm đi còn 1 năm?

Vì khi học thạc sĩ, các học viên đều phải làm đề tài khoa học, riêng công việc này đã mất khoảng nửa năm hoặc hơn (cho quá trình thu thập, phân tích số liệu, viết, bảo vệ luận văn). Vậy gần nửa năm còn lại đào tạo gì, nghiên cứu gì? Chưa nói chất lượng đào tạo thạc sĩ nhìn chung rất thấp, đặc biệt là các khóa học liên kết. Thực tế, không ít chuyên gia giáo dục cho hay, những năm gần đây, chuyện đào tạo thạc sĩ tràn lan ở Việt Nam đã trở thành hiểm họa cho nền giáo dục.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên nhân của tình trạng học, đào tạo thạc sĩ tràn lan hiện nay là do tâm lý “sính” bằng cấp của một bộ phận người dân, bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước khi tuyển dụng cũng đề cao bằng cấp.

Ông Nhĩ cho rằng, Nhà nước cần phải có một cuộc tổng kiểm tra lại bằng cấp của tất cả thạc sĩ, ai không đạt thì loại bỏ và phải nghiêm khắc xử lý cả người học và đơn vị cấp bằng. “Người ta sẵn sàng “làm bậy” là vì bấy lâu nay chúng ta không có chế tài đủ mạnh để xử. Chúng ta chưa siết lại cho chặt thì đã có Quy chế mới chỉ cần 1 năm đào tạo thì tôi không hiểu nổi câu chuyện này sẽ đi tới đâu?” - GS Trần Xuân Nhĩ nói.

Anh Nguyễn Đăng Chiến đang nghiên cứu sinh ở nước ngoài nêu quan điểm: “Đáng lẽ phải quy định chuẩn đầu ra thì Bộ lại quy định thời gian học, thật là đi ngược lại thế giới. Ví dụ, cần quy định điều kiện tốt nghiệp thạc sĩ phải có ít nhất 1 bài báo hội nghị quốc tế, Tiến sĩ có ít nhất 1 bài báo tạp chí quốc tế (ISI). Khi đó, tùy năng lực người học, có người ra trường sau 1-2 năm, có người 4-6 năm mới ra trường”.

Đáp ứng nhu cầu… “học giả”?

GS.TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội chia sẻ: Có nhiều người nhầm lẫn, cứ tưởng đào tạo chuyên nghiệp cũng như giáo dục phổ thông: Học xong phổ thông phải cố vào ĐH cũng như hết tiểu học thì học tiếp THCS; có bằng cử nhân rồi thì lại cố học tiếp cao học, cũng như tốt nghiệp THCS thì học lên THPT…. Họ không biết hoặc không cần biết đào tạo ĐH, sau ĐH cần cho ai và dành cho ai.

Có những người thì “háo danh”, “sĩ hão”. Bằng cấp như “cá vàng, cây cảnh” cho đẹp căn phòng, không quan tâm đến thực chất và hiệu quả. Có những người thì toan tính, mượn tấm bằng để lên chức nọ, chức kia… Đối với những người này thì tấm bằng quan trọng hơn kiến thức. Vấn đề là lấy bằng chứ không phải lấy kiến thức. Bởi thế nên mới có chuyện học thuê, thi thuê, viết luận án thuê, mua điểm, mua bằng, đạo văn… Như vậy, nhu cầu thực là bằng, nhu cầu giả là kiến thức.

Nhà nước tạo ra những con đường vô cùng rộng rãi cho những ai muốn học thực, học lên (chuyên tu, tại chức, mở rộng, văn bằng hai, liên thông, liên kết, hệ ban ngày, hệ ban đêm, hệ cử tuyển,…). Hàng loạt trường ĐH được thành lập mới hoặc được chuyển từ cao đẳng. Gần như tỉnh nào cũng có một vài trường ĐH.

Nhưng cũng chính vì vậy, những người học giả cũng dễ bước vào hệ thống đào tạo bậc cao. Đáp ứng một nhu cầu học giả thì lấy gì thúc đẩy và cần gì cung có chất lượng, chưa nói đến chất lượng cao? Thế là tình trạng cung chất lượng thấp, cung giả xuất hiện. Đây là một trong những yếu tố để “bong bóng ĐH” phình to.

Có thể nói “bệnh” thành tích và sự nôn nóng đã thực sự thành lối mòn trong nếp nghĩ của không chỉ ngành giáo dục mà xuất phát từ xã hội bằng cấp. Với việc hạ thời gian đào tạo thạc sỹ xuống một năm, sự lo ngại đào tạo ồ ạt thạc sĩ, tiến sĩ khi mà số lượng không song hành cùng chất lượng là điều hoàn toàn có cơ sở.

“Trước đây, để hướng dẫn, giúp đỡ một cách chăm chút thì mỗi GS chỉ có thể hướng dẫn cho 2 người là đã quá mệt rồi. Trong khi đó, hiện nay con số đó tăng vọt lên 6-7 luận án tiến sĩ thì không hiểu một giáo sư có thể xoay xở ra sao?” - GS.TS Trần Xuân Nhĩ ngao ngán...

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chung quan điểm, một giảng viên có học vị tiến sĩ, một năm hướng dẫn khoảng 10 đề tài thạc sĩ, một giáo sư một năm hướng dẫn tới 6-7 đề tài tiến sĩ rồi hướng dẫn các luận văn ĐH, chưa kể tới họ bị quá tải bởi hàng ngàn giờ giảng/năm thì rất khó để nói tới câu chuyện chất lượng…

Pháp luật (Theo Pháp luật)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem