Trước dự thảo này, nhiều ý kiến trái chiều được dư luận đưa ra gây nên những cuộc tranh cãi gay gắt. Có người cho rằng, giáo viên hiện tại đang phải chịu rất nhiều áp lực từ phía nhà trường, học sinh, phụ huynh. Bây giờ lại có thêm quy định này thì "một cổ nhiều tròng" càng gây khó khăn cho giáo viên trong việc giảng dạy, làm việc.
Tuy vậy, cũng có người cho rằng, đây là quy định hợp lý trong bối cảnh hiện tại. Ý kiến này cho rằng phải có luật cụ thể, ngành giáo dục mới có thể ổn định được.
Trao đổi với Dân Việt ngày 1.10, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, ông đã có những chia sẻ về việc phạt tiền đối với các sai phạm cụ thể của giáo viên trong dự thảo kể trên.
Theo PGS, nếu áp dụng chế tài xử phạt hành chính, cần phải có những quy định cụ thể, làm rõ sai phạm trong dự thảo.
Xâm phạm thân thể người học, giáo viên có thể sẽ bị phạt tiền.
"Theo tôi, nếu giáo viên thực sự có tâm với nghề, họ sẽ sử dụng các biện pháp sư phạm như chia sẻ, gần gũi, nói chuyện với học sinh để khiến các con hiểu chứ không phải dùng tới những hành vi phi giáo dục như xúc phạm nhân phẩm, danh dự của học sinh.
Giáo dục trước tiên phải thực hiện đúng với trách nhiệm, sứ mệnh của nó. Nếu giáo viên vi phạm các quy định hoặc có hành vi xâm phạm thân thể học sinh, phải có hình thức phê bình, kiểm điểm... cụ thể. Nếu chỉ quy định về phạt tiền, phải nêu rõ nếu giáo viên không nộp phạt sẽ có hình thức kỷ luật thế nào, cũng như cần có những mức độ quy định cụ thể thế nào là xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học thì mới có thể áp dụng phạt tiền", Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ.
Mới đây, Bộ GD&ĐT vừa đưa ra Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến góp ý kể từ ngày 28.9. Văn bản này sau khi được hoàn thiện, nếu được thông qua sẽ thay thế Nghị định số 138 năm 2013.
Trong dự thảo nghị định xử phạt đã đề xuất nhiều mức phạt hành chính ở mức cao đối với các quy định về tổ chức dạy thêm cũng như xúc phạm nhân phẩm, danh dự giáo viên, học sinh.
Cụ thể theo Điều 8 về vi phạm quy định về tổ chức dạy thêm, các tổ chức bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi không đảm bảo cơ sở vật chất.
Đối với hành vi thực hiện không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm bị phạt từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.
Phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đối với hành vi sử dụng người dạy thêm không đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định.
Phạt tiền từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.