TS Lê Thống Nhất: Đề Toán THPT Quốc gia khó, phân hóa không tốt

Việt Phương Thứ bảy, ngày 30/06/2018 19:00 PM (GMT+7)
TS Lê Thống Nhất khẳng định, cần phải có một Hội đồng đủ năng lực để ra đề thi trắc nghiệm THPT Quốc gia, không thể "trắc nghiệm hóa" đề tự luận như năm nay.
Bình luận 0

Đề Toán của kỳ thi THPT Quốc gia năm nay được cho là quá khó. Nhiều thầy giáo, học sinh giỏi Toán, thậm chí nhà Toán học cũng phải bó tay khi giải đề trong 90 phút. Theo thầy, điều gì đã làm cho đề Toán khó như vậy?

- Đó chính là số câu không phải là câu hỏi thi trắc nghiệm đã chiếm tỉ lệ quá nhiều. Những người ra đề thi đã khoác lên những bài toán tự luận cái vỏ trắc nghiệm mà thôi. Khi ra đề, Hội đồng có nghĩ đến ở mỗi câu, để chọn phương án đúng phải mất bao nhiêu phút không, có cần giải để chọn phương án không, nếu giải thì nhanh nhất hết bao nhiêu phút. Để làm rõ điều này, đề nghị Bộ GD-ĐT công khai "cách chọn phương án đúng" cho các đề thi, còn công khai đáp án A, B, C, D chưa phản ánh rõ điều này. Nếu không có đáp án về cách chọn phương án thì không thể biết đề khó hay dễ.

Một nhà khoa học Việt Nam đang giảng dạy ĐH ở Nhật Bản vừa nhắn cho tôi: "Bộ công bố đáp số, chứ không phải đáp án. Đáp án phải có lời giải để đi đến đáp số (vì sao chọn phương án A/B/C/D)".

Thời gian làm bài thi chỉ là 90 phút chứ không vô hạn. Đề thi Toán sẽ trở thành dễ ngay nếu chúng ta cho học sinh làm trong 360 phút hoặc lâu hơn nữa. Đề thi không phù hợp thời gian làm bài sẽ không phù hợp với với kỳ thi. Chính điều này làm khó cho thí sinh.

img

Thầy Lê Thống Nhất - tiến sĩ chuyên ngành Phương pháp dạy Toán.

Chỉ có 90 phút để thí sinh giải đề Toán này, liệu có còn đảm bảo tính phân hóa cao của kỳ thi THPT Quốc gia nữa hay không, thưa thầy?

- Đề khó mà không phân hóa tốt là chuyện thường! Cấu trúc đề thi với 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao cũng không quyết định chuyện đề khó hay dễ. Điều quan trọng là những câu hỏi cơ bản có làm mất thời gian hay không, có làm chỉ trong chưa đến 2 phút hay không. Với các kiến thức nâng cao, có cần phải luyện thi mới làm được hay đã sẵn có trong sách giáo khoa?

Tăng cường phân hóa thì cần tăng độ khó. Nhưng điều ngược lại không đúng, bởi tăng độ khó không đúng mức cũng lại không phân hóa được bởi làm khó với quá nhiều thí sinh thì những sự khó đó không có tác động đến phân loại học sinh. Áp lực thời gian cùng với những câu hỏi tự luận được “trắc nghiệm hoá” đã làm cho rất nhiều học sinh không kịp nghĩ nên quyết định chọn hú hoạ.

Một cô giáo cho biết: “Có 2 học sinh của em quyết định chọn hú hoạ 20 câu cuối. Kết quả là em học kém hơn đúng 8 câu, còn em học khá hơn chỉ đúng 1 câu”. Chỉ như thế thôi cũng thấy vừa không phân hoá được và sự phân hoá có được chỉ là phản ánh sự may mắn của học sinh!

Vậy thưa thầy, Bộ GD-ĐT lý giải việc “đề Toán năm nay khó” vì trong đề có bổ sung thêm phần kiến thức lớp 11 có hợp lý hay không?

- Tỉ lệ nội dung cho từng lớp không quyết định độ khó hay dễ. Bởi vậy, dù thêm kiến thức lớp 11 và năm sau có cả lớp 10 thì cũng thế. Trước đây, thi tự luận là thi toàn bộ kiến thức đã học ở phổ thông. Với tỉ lệ nào thì muốn dễ hay khó bao nhiêu cũng được.

img

Đề Toán năm nay đã thực sự làm khó thí sinh khi thời gian làm bài chỉ trong 90 phút. (Ảnh minh họa: Việt Phương)

Giải pháp nào cho việc đảm bảo được tính phân hóa trong đề thi, thưa thầy?

- Chúng ta phải có Hội đồng ra đề đủ năng lực ra đề thi trắc nghiệm, chứ không phải chỉ biết "trắc nghiệm hoá" đề tự luận. Chúng ta cần xem lại kỳ thi "2 trong 1" khi năng lực ra đề không đảm bảo yêu cầu này. Ra đề thi trắc nghiệm đã chưa quen lại còn phải lo "2 trong 1".

Trong quy trình ra đề, khi xây dựng đề xong cần có thực nghiệm quá trình làm bài để đo khối lượng nội dung đề thi có hợp với thời gian thi hay không. Điều này khác hẳn với thực nghiệm ngân hàng đề mà Bộ GD-ĐT đã làm.

img
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem