Hiện tại, vụ việc gian lận điểm thi tại Hòa Bình, Sơn La trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vẫn đang là tâm điểm của dư luận. Nhiều người đổ dồn sự chú ý vào một số trường hợp thí sinh gian lận điểm thi THPT nhưng vẫn được tiếp tục học tập tại trường đại học đã đăng ký.
Cụ thể, có tám trường hợp từ các trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Thương mại, Sư phạm Hà Nội… ngoài ra, mới nhất là sinh viên tại ĐH Luật Hà Nội vẫn đi học bình thường dù bài thi bị giảm điểm sau chấm thẩm định.
Để làm rõ thông tin này, trước đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết Công văn số 942/BGDĐT-QLCL ngày 11.2.2019 của Bộ GDĐT đã hướng dẫn cụ thể: “Kết quả chấm bài thi của Bộ GD&ĐT là kết quả chính thức của bài thi, kết quả này thay thế kết quả do các hội đồng thi đã công bố trước đây để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ cho các thí sinh liên quan”.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT.
Bà Phụng nhấn mạnh ý kiến cho rằng cần hủy bài thi vì kết quả có liên quan tới việc gian lận để nâng điểm là quan điểm ở góc độ suy đoán, khó có thể lấy làm căn cứ xử lý. Chỉ khi nào có kết luận cụ thể từ phía cơ quan điều tra thì các đối tượng vi phạm, trong đó có thí sinh mới bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Về điều này, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho biết, với cơ sở hiện tại, các trường không đủ cơ sở để có thể cho thôi học các thí sinh đủ điểm xét tuyển cho dù đã chấm thẩm định và bị giảm điểm. Theo ông Khuyến, có 3 nhóm đối tượng tham gia vào việc gian lận điểm thi, thứ nhất là đối tượng trực tiếp sửa điểm là các cán bộ ngành giáo dục, công an. Thứ hai là các phụ huynh hoặc đối tượng môi giới để kết nối với đối tượng nhóm một nhằm sửa điểm. Thứ ba chính là các thí sinh, người thụ hưởng lợi ích từ việc sửa điểm.
“Hiện tại, cơ quan điều tra chỉ mới làm rõ được vai trò của đối tượng trực tiếp sửa điểm trong vụ việc gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Vì vậy, chưa đủ chứng cớ về mặt hình sự để có thể có chế tài xử lý đối với các thí sinh gian lận điểm thi THPT bị sửa điểm. Nếu điểm số sau khi chấm thẩm định thấp hơn điểm xét tuyển của trường thì xử lý dễ dàng là buộc thôi học, thế nhưng điểm bằng hoặc cao hơn thì lại chưa có cơ sở pháp lý nào để xử lý. Các thí sinh này vẫn có quyền được tiếp tục học tập tại nơi mình đăng ký học.
TS Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT).
“Vì vậy, việc làm rõ vai trò của phụ huynh học sinh trong việc gian lận thi cử là vô cùng cần thiết để xác định rằng các thí sinh trên có biết được việc mình được chạy điểm hay không, từ đó mới có thể xác định được tội trạng theo luật”, TS Lê Viết Khuyến làm rõ.
Tuy nhiên, đối với một số trường thuộc Bộ Công an, bộ này lại có cách xử lý thỏa đáng và hợp ý với nhiều chuyên gia hơn. Cụ thể, Thiếu tướng, GS.TS Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết, trước khi tiếp nhận, các trường của Bộ Công an yêu cầu tất cả các thí sinh trúng tuyển khi nhập học phải viết cam đoan điểm số là điểm thực của các em.
Nếu cơ quan chức năng phát hiện đó là điểm thi gian lận thì các em phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Như vậy, nhà trường hoàn toàn có cơ sở để xử lý “số phận” các thí sinh sau khi có điểm chấm thẩm định. Thiếu tướng Bùi Minh Giám khẳng định, đã gian lận là phải cho thôi học, nhất là tại các trường công an, quân đội.
Đồng tình với quan điểm trên, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng cần phải mạnh tay với các thí sinh gian lận điểm thi THPT, nếu xác định có dấu hiệu vi phạm, đụng chạm tới bài thi thì phải xử lý nghiêm, không có ngoại lệ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.