Hanoimilk báo lãi kỷ lục năm 2023 nhưng vẫn đứng top 10 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

24/01/2024 07:12 GMT+7
CTCP Sữa Hà Nội (HanoiMilk) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2023 với kết quả ấn tượng.

CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk, UPCoM: HNM) vừa công bố Báo cáo tài chính quý IV/2023 ghi nhận doanh thu tăng 85,5% so với cùng kỳ đạt 207 tỷ đồng. Trong kỳ, giá vốn bán hàng của Hanoimilk tăng gấp hai lần lên 176 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận gộp của công ty vẫn tăng 22% lên 30,5 tỷ đồng.

Kết quả quý IV/2023, lợi nhuận trước thuế của Hanoimilk đạt 11,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm hơn 67% so với cùng kỳ năm 2022 còn 3,3 tỷ đồng. 

Mặc dù vậy, tính cả năm 2023, doanh nghiệp ngành sữa vẫn đạt dấu ấn tăng trưởng kinh doanh với gần 700 tỷ đồng doanh thu, tăng 44% so với năm 2022. Tuy nhiên, với giá vốn 575 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của công ty đạt khoảng 124 tỷ đồng, tăng 17%.

Doanh thu hoạt động tài chính của Hanoimilk là hơn 3 tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước. Chi phí tài chính giảm từ 14 tỷ đồng (năm 2022) xuống còn gần 8 tỷ đồng (năm 2023).

Tính đến năm 2023, chi phí bán hàng của doanh nghiệp đạt 62 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp là khoảng 11 tỷ đồng, tăng lần lượt 29% và 450% so với năm trước.

Sau cung, Hanoimilk thông báo lãi trước thuế đạt 50 tỷ đồng trong năm 2023. Sau thuế, thương hiệu sữa vang bóng một thời này báo lãi 41,8 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.

Năm 2023, Hanoimilk đặt mục tiêu doanh thu kế hoạch đạt 700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 56 tỷ đồng. Như vậy, năm 2023, công ty sữa này chỉ thực hiện được 99,8% kế hoạch doanh thu và 90% mục tiêu lợi nhuận. Kết quả này cho thấy dấu hiệu bắt đầu tăng trưởng trở lại của một thương hiệu nổi tiếng một thời. 

Đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Hanoimilk là hơn 699 tỷ đồng, tăng thêm 190 tỷ đồng trong vòng 12 tháng. Trong đó, tiền mặt trong quỹ đạt gần 400 triệu đồng, tiền gửi ngân hàng là hơn 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, phải thu ngắn hạn từ khách hàng của Hanoimilk còn 98 tỷ đồng, tăng 96% so với đầu năm. Công ty cũng ghi nhận 258 tỷ đồng hàng tồn kho; 57 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn; 27 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.

Tổng nợ phải trả của Hanoimilk là 246 tỷ đồng, toàn bộ là nợ ngắn hạn, giảm 28% so với đầu năm. Điều này đến từ việc doanh nghiệp đã giảm hơn 100 tỷ đồng nợ vay tài chính trong năm vừa qua.

Hanoimilk phải trả hơn 10 tỷ đồng thuế và các khoản phải nộp nhà nước, tăng khoảng 5 tỷ đồng sau 12 tháng. Công ty cũng phải chi trả hơn 5 tỷ đồng cho người lao động, không có biến động so với đầu năm.

Mới nhất, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP. Hà Nội vừa công bố danh sách đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn thành phố tháng 12/2023. CTCP Sữa Hà Nội được thông tin đang chậm đóng BHXH 28 tháng với số tiền hơn 18,4 tỷ đồng - đứng thứ 9 trong TOP 10 doanh nghiệp nợ BHXH lớn nhất trên địa bàn.

O.L
Cùng chuyên mục