CON ĐƯỜNG NHIỀU GIAN TRUÂN
Một buổi tối thứ sáu lạnh lẽo năm 1986, cây cầu Glienicke bắc ngang qua sông Havel, nối Tây Đức với thành phố Potsdam của Đông Đức đã trở thành địa điểm của cuộc trao đổi tù nhân cuối cùng thời Chiến tranh Lạnh. Nhân vật được phía Liên Xô đón về chính là Karel Koecher - điệp viên người Tiệp Khắc từng nằm vùng trong CIA.
Koecher sống dưới một vỏ bọc ở Mỹ trong 21 năm và có mật danh Rino, Turian hoặc Pedro. Ông đặt chân đến Mỹ vào năm 1965 và có thời gian từng công tác cho CIA. Sau này, đại tá Alexander Sokolov, cấp trên của Koecher tại KGB đã miêu tả ông chính là một siêu điệp viên.
Cựu điệp viên Karel Koecher.
Theo các tài liệu được cơ quan tình báo của Tiệp Khắc StB lưu trữ, vợ của Koecher, bà Hana Koecherova, mật danh Adrid là người đóng vai trò liên lạc, chuyển các thông tin mật thay cho Koecher trong những năm họ ở Mỹ, mặc dù vậy bà chưa bao giờ bị buộc tội.
Trong nhiều năm trời bà Hana bán kim cương ở thành phố New York sôi động và tráng lệ. Những người trong ngành kinh doanh này đều cảm mến bà. Cặp vợ chồng gốc Tiệp Khắc này còn sinh sống trong căn hộ ở khu dành cho người có tiền tại Manhattan.
Sau khi dành nhiều năm kiên trì thực hiện sứ mệnh một điệp viên nằm vùng, ông thậm chí đã được CIA nhận làm việc. Tuy nhiên, khi mất niềm tin với người trung gian ở Prague, ông phớt lờ StB và trực tiếp báo cáo, làm việc với KGB ở Moskva.
Sau hai thập niên hoạt động ở Mỹ, cuối cùng Koecher bị FBI phát hiện và bắt giữ. Tính đến tháng 2.1986 Koecher bị giam giữ tại Trung tâm cải tạo của thành phố New York trong 14 tháng để đợi ngày ra tòa.
Nói về cuộc trao đổi, sau này Koecher hồi tưởng lại, chính một luật sư người Đức tên Wolfgang Vogel từng tham gia vụ đổi tù nhân giữa phi công người Mỹ Francis Gary Powers và điệp viên Liên Xô Rudolf Ivanovich Abel năm 1962 là người đã giúp ông trở về quê hương.
Trong ảnh chụp năm 1986 là Karel Koecher và vợ.
Khi sang phía bên kia của cây cầu, Koecher tận hưởng một ly champagne và tiệc tùng. Ông bay trở lại Prague vào ngày hôm sau nhưng lại bị thẩm vấn tại thị trấn Karlovy Vary trong hai tháng. Về việc xâm nhập vào CIA, Koecher đã làm được việc chưa từng có tiền lệ nhưng ông vẫn vướng phải nhiều cản trở khi hồi hương bởi hàng thập niên ở nước ngoài đã tạo ra nhiều hoài nghi xung quanh cuộc đời hoạt động của ông. Khi việc thẩm vấn kết thúc, Koecher và Hana quay trở lại sống cùng mẹ ông. Sau này, trong những biến động chính trị tại Tiệp Khắc, Koecher gần như lui hẳn về hậu trường nhưng các quan chức cấp cao đôi khi cũng vẫn tìm đến ông để khai thác thông tin.
Hiện nay Koecher đang sống cuộc sống thầm lặng với Hana tại một ngôi làng ở ngoại ô Prague. Hàng ngày Koecher tập thể dục ở khu rừng lân cận, Hana vẫn làm việc. Ở tuổi 81, Koecher có ngoại hình giống như hầu hết những người hưu trí khác, song điều đặc biệt là ông có thể qua mặt máy phát hiện nói dối, nói được 5 thứ tiếng, vì đã có thời gian dài trong thập niên 1970 để đấu trí với của KGB và CIA.
Theo Koecher, ông chưa bao giờ là người theo quy tắc. Trong suốt thời kỳ tuổi trẻ ông thường có xung đột với những chỉ huy cấp cao. Sinh năm 1934 tại Bratislava, thủ đô của Slovakia ngày nay, mẫu thân của Koecher, bà Irena là một người Slovakia Do thái và cha ông là một người Séc sinh ra tại Vienna. Cả gia đình đã chuyển đến Prague khi Koecher 4 tuổi.
Tháng 2.1948, Tiệp Khắc bắt đầu đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Năm 1949, Koecher được Rita Kilmova, một người cộng sản trẻ tuổi, tiếp cận. Kilmova đang tìm kiếm một thiếu niên có thể “để mắt” đến những thanh niên khác, Koecher đã phản đối điều này và ở độ tuổi 15 ông gây chú ý cho StB.
Rất lâu trước khi trở thành một điệp viên, Koecher đã là mục tiêu bị giám sát. Một tài liệu từ kho lưu trữ của StB có viết: “Từ 1949 đến 1950 Koecher đã là một phần của nhóm chống nhà nước và muốn được nhúng tay vào công việc làm điệp viên”.
Vào năm 1950 khi mới 16 tuổi, Koecher và nhóm bạn đã bị bắt và tạm giữ qua đêm sau khi họ bị phát hiện tàng trữ súng. Koecher được thả nhưng vào năm sau, một trong những bạn học của ông đã bắn một quân nhân và Koecher bị coi là có liên quan, điều này khiến StB theo dõi ông sát sao hơn. Người bạn học kia sau đó đã bị xử tử.
Thời gian sau đó, Koecher theo học vật lý và toán học tại Đại học Charles, đồng thời cả ngành điện ảnh tại Học viện biểu diễn nghệ thuật của Prague. Sau khi tốt nghiệp, Koecher làm khá nhiều công việc: giáo viên trung học, phóng viên cho kênh truyền hình nhà nước, nhà viết kịch hài cho đài phát thanh. Nhưng vướng mắc của ông với StB vẫn duy trì, Koecher nói: “Họ theo tôi và chọc phá mọi công việc tôi đã làm”. Năm 1961, khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tuyển dụng một vị trí làm việc tại Cameroon, Koecher đã nộp hồ sơ dự thi và trúng tuyển. Vậy nhưng chính phủ Tiệp Khắc cũng không cấp cho ông hộ chiếu, gọi ông là “công dân nguy hiểm về chính trị để ra nước ngoài”.
Theo StB, tháng 5.1962 Koecher nhận bản án treo vì “vi phạm đạo đức”, bao gồm “tiệc tùng tại nhà với sự tham gia của các cô gái chưa đủ tuổi vị thành niên”. Điều này khiến Koecher bị đuổi khỏi công việc tại đài phát thanh.
Cực chẳng đã, ông quyết định giải quyết vấn đề bẳng cách khiến StB quan tâm đến chuyên môn của ông. Koecher nghĩ rằng họ sẽ dừng lại việc đàn áp ông và thậm chí có thể cử ông đi nước ngoài.
PV (Báo Tin Tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.