Sài Gòn trước năm 1975
Dưới mái hiên rạp chiếu bóng Cathay
Trước năm 1975, ở Sài Gòn, hình ảnh của Đại Cathay thường xuyên xuất hiện trên các báo, được nhiều nhà văn khai thác viết tiểu thuyết, được dựng thành phim, chiếu cả ở nước ngoài…
Theo hồ sơ của cảnh sát Sài Gòn, Đại Cathay tên thật là Lê Văn Đại, sinh năm 1940, con của ông Lê Văn Cự (Hai Cự) và bà Sáu (không rõ họ). Cha của Đại cũng từng là một tay giang hồ hảo hớn ở khu vực chợ Cầu Muối.
Sau năm 1945, Hai Cự rời Sài Gòn đi vào chiến khu rừng Sác gia nhập quân đội Bình Xuyên, bị Pháp bắt đày Côn Đảo và chết ngoài hải đảo. Vì vậy mà ngay từ nhỏ Đại đã xa cha, sống với mẹ ở đường Đỗ Thành Nhân (nay là đường Đoàn Văn Bơ, quận 4).
Quận 4 là vùng đô thị mới ven Sài Gòn, là nơi tập hợp của người dân tứ xứ, vì vậy mà rất phức tạp, là nơi giới giang hồ Sài Gòn chọn làm “thánh địa”.
Sống trong môi trường đó, lại thừa hưởng gien “anh chị” của người cha, Đại sớm bỏ học, được đám trẻ lêu lỏng trong xóm tôn là “đại ca”.
Chưa tới 10 tuổi đầu, Đại đã có thể luồn lách vào các chợ, sạp hàng ở chợ Vân Đồn, chợ Tôn Thất Thuyết để ăn trộm dưa, chuối về chia cho những đứa trẻ đồng cảnh ngộ.
Sau khi cha chết, mẹ của Đại lấy chồng khác. Người cha ghẻ nghiện ngập thường hành hạ vợ và đứa con ghẻ. Một lần, Đại không kiềm chế được đã đánh lại ông ta rồi bỏ nhà đi bụi, sống lang thang bằng nghề đánh giày, bán báo.
Khu vực ngã tư Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) – Nguyễn Công Trứ (Q.1, Sài Gòn) có 1 rạp chiếu bóng tên là Cathay là nơi tụ tập của đám trẻ bụi đời, trong đó có Đại. Bọn trẻ bụi đời đánh nhau giành khách, đứa nào gan lỳ, có sức khỏe thì chiến thắng.
Với bản tính liều lĩnh, Đại cứ lao vào đối thủ, buộc đối phương phải đánh “cận chiến”, nhờ vậy mà Đại phát huy được những cú đấm của mình, kết quả là Đại luôn thắng trong các cuộc “tỉ thí”. Đại nghiễm nhiên trở thành thủ lĩnh của đám nhóc tì du thủ du thực với cái tên Đại Cathay.
Đó là vào khoảng năm 1954, lúc Đại mới 14 tuổi, để rồi suốt gần 20 năm sau đó, cái tên Đại Cathay luôn làm cho giới du đãng Sài Gòn và cả những người dân lương thiện mỗi lần nghe tới phải sợ mất vía.
Liều lĩnh và nghĩa hiệp
Hàng chục trẻ bụi đời dưới trướng của Đại mỗi sáng nhận thùng đánh giày, nhận báo, túa đi làm nhiều nơi, chiều đem tiền về nộp cho “đại ca” Đại. Mới chút tuổi đầu mà Đại đã biết cách thu phục “nhân tâm” bằng cách rất hào phóng - không bao giờ giữ tiền làm của riêng cho mình, mà chia hết tiền cho đàn em.
Nhiều đứa trẻ bụi đời trong nhóm chẳng may bị ế báo hoặc bị mưa ướt hết báo, Đại chẳng những không bắt đền tiền, cũng không chửi bới, đánh đập như những tay anh chị khác, mà còn lấy tiền lời chung để bù đắp, chia phần cho những đứa trẻ không may. Tiếng “lành” đồn xa, trẻ bụi đời các nơi rủ nhau về tề tựu dưới trướng của Đại ngày càng đông.
Năm 1955, khu vực rạp hát Cathay được xây dựng chỉnh trang lại, Đại chuyển sang “hoạt động” tại khu vực Hãng phân bón Khánh Hội ở quận 4.
Một lần nữa, sự liều lĩnh và lì đòn của Đại đã khuất phục được đám trẻ bụi đời ở khu vực Khánh Hội, quanh cầu Ông Lãnh, là khu vực nổi tiếng về giang hồ, dao búa. Lúc ấy, khu vực cầu Mống - Dân Sinh - cầu Ông Lãnh được dân giang hồ gọi là khu Da Heo, do một tay giang hồ nổi tiếng tên là Tám Lâu cai quản. Tất cả người buôn bán đều phải “đóng xâu” cho Tám Lâu để được yên ổn làm ăn.
Một lần chứng kiến thằng nhóc đánh giày từ đâu mới tới đánh đấm ra trò, Tám Lâu thấy có cảm tình, kêu Đại đi nhậu và kết nghĩa anh em. Lúc ấy Tám Lâu phải sợ một tay giang hồ uy thế hơn, tên là Bé Bún, được xem là trùm du đãng quận 4. Bé Bún cậy đông quân, thường kéo qua "thu thuế" bà con tiểu thương chợ vựa Cầu Muối, Tám Lâu phải làm ngơ cho băng của Bé Bún cướp bóc ngay trên lãnh địa của mình.
Một ngày cuối năm 1957, thấy đại ca Tám Lâu thở ngắn than dài chuyện băng đảng của Bé Bún ngày càng lộng hành, Đại Cathay nốc cạn ly rượu và nói: “Anh Tám để đó em lo”. Xong Đại dắt mấy du đãng nhí vác dao qua bến Vân Đồn khiêu khích băng Bé Bún.
Bị xúc phạm, Bé Bún huy động toàn bộ lực lượng tấn công sang khu Da Heo để hỏi tội Tám Lâu, làm Tám Lâu và đám đàn em hoảng sợ bỏ chạy. Trong khi Đại Cathay đã âm thầm cùng các đàn em giăng bẫy, đợi cho băng Bé Bún lọt vào thế trận là đánh tới tấp.
Băng du đãng “người lớn” bị bất ngờ, không kịp trở tay. Đám giang hồ tuổi 16 - 17 tả xung hữu đột, lăn xả vào chém quân Bé Bún, xong xộc thẳng sang cả bên kia cầu, tràn vào cả “thánh địa” của Bé Bún, “tặng” cho tay giang hồ lừng danh này mấy nhát dao. Sau khi ra viện, Bé Bún và đám đồ đệ không dám bén mảng sang giành mối ở khu Da Heo nữa.
Từ đó “đàn anh” Tám Lâu đâm ớn tài nghệ và sự lì lợm của Đại Cathay. Để rồi chỉ cần thêm một vài “phi vụ” nữa, Tám Lâu phải tự giác “nhường ngôi” trùm du đãng khu Da Heo cho Đại Cathay, còn mình thì lui về làm “thái thượng hoàng”. Vậy là, chưa đầy 20 tuổi, Đại Cathay đã trở thành trùm du đãng của khu vực Da Heo, một trong những địa bàn phức tạp nhất Sài Gòn khi ấy.
Đại Cathay và vợ của mình
Trở thành trùm du đãng Sài Gòn
Cả quyền lực và tiền bạc đều đến với Đại Cathay dồn dập trong những năm đầu thập niên 1960. Đến năm 1963, Đại Cathay đã trở thành một ông trùm khét tiếng cả Sài Gòn. Hầu hết các nhà hàng khách sạn, động mại dâm, tiệm hút chích, sàn nhảy ở khu vực quận 1, quận 2, quận 3 đều chịu sự bảo kê của Đại. Các vũ trường nổi tiếng như Olympic, Queen Bee, Barcara, Paramouth đều có phần hùn của Đại dù trên thực tế hắn chẳng cần bỏ ra một đồng nào.
Dù vậy, nguồn lợi lớn hơn cả của Đại Cathay không phải là tiền bảo kê, mà chính giới doanh nghiệp làm ăn lớn mới là những “nhà tài trợ” tình nguyện để Đại nuôi quân. Bù lại, họ nhờ Đại Cathay làm hậu thuẫn khi cần gây sức ép hay giành giật trên thương trường với kẻ khác, hoặc cần thiết phải đòi một món nợ khó đòi nào đó.
Những “khách hàng” của Đại Cathay lúc đó có cả anh em tỉ phú Hoàng Kim Qui (vua kẽm gai), Xí Ngàn mặt rỗ (vua thuốc Bắc), La Thành Nghệ (vua thuốc đỏ) và hơn chục ông vua các ngành nghề khác của người Hoa là những người đều đặn chu cấp cho Đại.
Tuy nhiên, lúc ấy ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã có 3 tên tuổi lớn khác trong giới giang hồ, đó đó là Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Ba Thế.
Thấy Đại Cathay nhỏ mà chơi hỗn, nhiều lần xâm phạm lãnh địa của các đàn anh, Huỳnh Tỳ và Ngô Văn Cái quyết định phối hợp để dằn mặt “thằng nhỏ chưa sạch nước mũi” đã dám “vuốt râu hùm”. Hai tên giang hồ cộm cán này họp nhau tại vũ trường Aristo (sau này là khách sạn Lê Lai, cạnh khách sạn New World).
Được sự hậu thuẫn của một tay giang hồ gộc khác là Ba Thế - chủ vũ trường Aristo – Huỳnh Tỳ và Ngô Văn Cái mời Đại đến vũ trường Aristo để "bàn công chuyện".
Với tính tình lỳ lợm, Đại một mình đến “hang hùm”. Vừa bước vào vũ trường Aristo, Đại bất ngờ bị Ba Thế đá lộn cổ xuống cầu thang, xong 4 đàn em của Thế xông vào chém. Đại vừa đỡ đòn vừa tìm đường thoát thân, mình mẩy đầy thương tích...
Hơn 1 tháng sau, khi những vết thương chưa kịp kéo da non, Đại Cathay đã âm thầm giắt dao đi “đòi nợ”. Cả Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Ba Thế đều lần lượt bị Đại chém trọng thương. Điều kinh khủng là sau khi chém Huỳnh Tỳ (cố ý chém trọng thương chứ không để chết), Đại “nhắn” với Ngô Văn Cái là tuần sau sẽ tới lượt hắn vì cái tội “chơi bẩn”.
Đúng một tuần sau, Ngô Văn Cái phải ôm đầu máu đi bệnh viện vì những nhát chém rất nghề của Đại cùng với lời nhắn cho Ba Thế... Sau khi cả 3 “đại ca” trong giới giang hồ đều “trả nợ” bằng những nhát dao vừa đủ để thẹo cả đời, những “người lớn” đã biết khiếp sợ, gửi lời xin lỗi Đại Cathay.
Từ đó, danh xưng "Tứ đại thiên vương ĐẠI -TỲ - CÁI -THẾ” trong giới du đãng Sài Gòn đã xuất hiện, chính thức xác nhận Đại Cathay đứng đầu trong giới du đãng Sài Gòn.
Xã hội miền Nam khi ấy với bộ máy quan chức được mua bán bằng tiền, đã dung túng Đại Cathay và đám du đãng, để mặc kệ cho chúng làm mưa làm gió. Thuở ấy Cò Ly, quận trưởng quận 1, đã công khai bảo kê cho Đại. Hàng tháng, Đại đều có những khoản riêng béo bở tuồn vào cửa sau cho vợ ông Cò. Mỗi chiều thứ bảy, cò Ly và Đại Cathay lại sánh vai nhau bước vào các vũ trường, nhà hàng sang trọng ăn chơi, đập phá thâu đêm. Thế giới giang hồ cả Sài Gòn – Chợ Lớn đã về thuần phục với trướng của Đại Cathay. Thằng nhỏ bụi đời thất học ngày nào giờ có thể làm thay đổi cả xã hội Sài Gòn nếu nó muốn.
Mới chút tuổi đầu mà Đại đã biết cách thu phục “nhân tâm” bằng cách rất hào phóng - không bao giờ giữ tiền làm của riêng cho mình, mà chia hết tiền cho đàn em. Nhiều đứa trẻ bụi đời trong nhóm chẳng may bị ế báo hoặc bị mưa ướt hết báo, Đại chẳng những không bắt đền tiền, cũng không chửi bới, đánh đập như những tay anh chị khác, mà còn lấy tiền lời chung để bù đắp, chia phần cho những đứa trẻ không may.
|
Thanh Thủy (Báo Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.