Nghiên cứu và so sánh sọc ngựa vằn từ 16 địa điểm với điều kiện sống khác nhau, các nhà khoa học từ trường ĐH. California (Mỹ) đã phát hiện ra rằng, sự khác biệt giữa cách hấp thụ và tỏa nhiệt ở các vùng lông có màu tối và sáng trên da ngựa vằn chính là nguyên nhân để tạo nên sọc.
Ngựa vằn. Ảnh minh họa: DailyMail
Theo các nhà khoa học, trong nghiên cứu họ đã chọn các tiêu chí bao gồm thời tiết, thảm thực vật, sự hiện diện của loài sư tử và loài ruồi. Từ các phân tích kết hợp với điều kiện sống, các nhà khoa học đã tìm ra được một mối liên kết khá rõ ràng giữa nhiệt độ và lớp da của ngựa vằn. Qua đó, thường ở những khu vực nóng nhất thì ngựa vằn sẽ có nhiều sọc hơn mức bình thường và đồng thời chúng cũng sẽ có sọc màu đậm hơn cả khi ở các vùng nhiệt đới.
Giải thích cho lý do này, các nhà khoa học khẳng định các vùng lông có màu trắng và đen có tốc độ hấp thụ và tỏa nhiệt khác nhau, nên sự sắp xếp sọc vằn có thể tạo ra được sự đối lưu không khí thích hợp nhất cho cơ thể loài ngựa. Nói một cách khác, nó chính là một chiếc điều hòa vô hình được tích hợp trên cơ thể ngựa vằn.
Trước đây cũng đã từng có những tranh cãi cho rằng những sọc trên thân ngựa vằn có thể là một cách để tạo ra ảo ảnh quang học, đánh lừa những con sư tử săn mồi và giúp ngựa tránh được cái chết. Nhưng theo các nhà khoa học thuộc trường ĐH. California, nếu như giả thuyết trên là đúng thì sư tử phải phân bố nhiều ở nơi mà ngựa vằn có ít sọc nhất, mà thực tế không phải như vậy.
Các nhà khoa học cũng lưu ý rằng, sư tử đặc biệt rất giỏi trong việc săn bắt nhiều loài động vật có tốc độ và ngựa vằn cũng không phải là ngoại lệ, chính vì vậy nếu như sọc trên thân chúng được sử dụng như một cơ chế tự vệ thì nó thực sự không hề phát huy bất kỳ một tính hữu dụng nào trong thế giới tự nhiên hiện nay.
Ngoài ra, một số các nhà nghiên cứu trước đó cũng từng hoài nghi về việc những sọc trên thân ngựa vằn có thể đẩy lùi được đám ruồi bâu khó chịu.
Vào năm 2012, các nhà nghiên cứu Hungary và Thụy Điển đã phát hiện ra đối với ngựa có da màu tối, ánh sáng dội ra từ da của chúng di chuyển theo phương nằm ngang và vô tình tạo hiệu ứng thu hút sự chú ý của các loài côn trùng có cánh như ruồi. Trong khi đó cũng với thử nghiệm trên loài ngựa có màu da trắng, ánh sáng khi được phản chiếu sẽ ít thu hút loài ruồi hơn.
Với ngựa vằn cũng tương tự, da ngựa vằn là sự phối hợp xen kẻ giữa màu đen và trắng nên tạo ra được hiệu ứng ánh sáng khiến các loài côn trùng, đặc biệt là ruồi ít bị thu hút hơn.
Trong một giả thuyết khác, các nhà khoa học cũng từng cho rằng các sọc trên thân ngựa vằn là một cách để ngụy trang giúp chúng khó bị phát hiện hơn do sự thay đổi liên tục ánh sáng trong các cánh rừng tác động lên. Vậy nhưng một lần nữa các nhà khoa học từ trường ĐH. Canifornia lại chỉ ra rằng loài ngựa vằn hầu như dành hết thời gian của chúng trên các thảo nguyên rộng lớn nên giả thuyết này không mấy chắc chắn.
Như vậy, lý giải chính được các nhà khoa học lựa chọn cho cách giải thích sọc trên thân ngựa vằn đó chính là cơ chế điều hòa thân nhiệt. Đồng thời, một số giả thuyết như ngụy trang hay tạo ảo ảnh đánh lừa đều đã được loại trừ do không có cơ sở cụ thể để đánh giá tính xác thực. Còn với lý giải rằng những sọc vằn là cách để ngựa vằn hạn chế ruồi bâu thì đó vẫn là một giả thuyết cần nghiên cứu cụ thể hơn trước khi đưa đến kết luận chính thức.
(Theo VnReview/DailyMail)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.