IB Times hôm 7/1 cho hay, dự án của nhà nghiên cứu Albert Yu-Min Lin, Đại học California, hoạt động theo hình thức kêu gọi sự tham gia của cộng đồng. Mạng lưới trực tuyến gồm hơn 10.000 tình nguyện viên, hoạt động trong hơn ba năm trên phạm vi tìm kiếm 6.000 km2, với 2,3 triệu kết quả phân loại.
Màn hình hiển thị các vị trí có dấu hiệu bất thường bằng công nghệ tìm kiếm ảnh vệ tinh. Ảnh: GeoEye Foundation/PLOS One
Lin mô tả đây là một cuộc khảo sát quy mô lớn, nhằm tìm kiếm các dấu hiệu bất thường bằng hình ảnh vệ tinh cảm biến Trái Đất, có độ phân giải cao. Dự án kết hợp công nghệ quét vệ tinh, radar mặt đất và kỹ thuật đo từ. Qua đó, các nhà khoa học xác định 100 địa điểm có thể tiếp cận, 55 khu vực khảo cổ tiềm năng.
"Sử dụng phương pháp khảo cổ học truyền thống sẽ là điều bất kính. Khả năng khám phá theo cách không xâm phạm đến nơi an nghỉ của người được chôn cất sẽ giúp chúng tôi tìm ra câu trả lời. Xác định vị trí ngôi mộ, chúng tôi hy vọng có thể khẳng định với thế giới về tầm quan trọng của việc bảo vệ các kho tàng di sản văn hóa", Liu nói với National Geographic.
Nơi yên nghỉ cuối cùng của Thành Cát Tư Hãn bị bao phủ sau lớp màn bí mật hàng trăm năm qua. Theo truyền thuyết, hoàng đế Mông Cổ yêu cầu được chôn cất không để lại dấu vết.
Tranh vẽ chân dung Thành Cát Tư Hãn (1206 – 1227). Ảnh: Wikipedia
Người ta cho rằng Thành Cát Tư Hãn được chôn ở Ikh Khorig, một trong những khu vực di sản thiêng liêng nhất tại Mông Cổ. Các nhà khảo cổ bắt đầu tiếp cận khu vực này cách đây 20 năm, xác định hơn 1.300 lỗ hổng, nơi mà vị hoàng đế có thể được chôn cất. Tuy nhiên, không có bất kỳ thứ gì được khai quật.
(Theo VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.