Khoảng 200.000 tỷ đồng tín dụng sẽ được phân bổ vào cuối năm, lộ diện ngành hưởng lợi

Huyền Anh Thứ tư, ngày 14/09/2022 16:40 PM (GMT+7)
Dù Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng nhưng vẫn chưa thể giúp các doanh nghiệp và người dân hết "khát vốn". Nhiều nhà phân tích cho rằng, vẫn còn khoảng 200.000 tỷ đồng tín dụng chưa được phân bổ, do đó dư địa để có thêm một đợt điều chỉnh vào cuối năm nay vẫn còn.
Bình luận 0

Tính đến ngày 26/8, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021, mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay ở mức 14%. Nhiều tháng qua, các ngân hàng đều trong tình trạng cạn hạn mức tín dụng, chỉ có thể giải ngân cho vay trên cơ sở thu nợ cũ.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thông báo hạn mức tín dụng điều chỉnh cho các ngân hàng thương mại đã có đề xuất xin nới room, từ mức 0,7% đến 4% tùy từng ngân hàng. 

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp mức nới room chỉ vài trăm nghìn tỷ đồng, vẫn chưa thể giúp các doanh nghiệp và người dân hết "khát vốn", đặc biệt là khi doanh nghiệp bước vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Khoảng 200.000 tỷ đồng tín dụng sẽ được phân bổ vào cuối năm, lộ diện ngành hưởng lợi - Ảnh 1.

Một số ngân hàng được điều chỉnh room tín dụng trong tháng 9. (Nguồn: ACBS)

Còn theo chia sẻ của một giám đốc ngân hàng thương mại, khi được nới room, các ngân hàng phải cam kết sẽ dành vốn cho những lĩnh vực ưu tiên, hạn chế vốn vào những lĩnh vực rủi ro.

"Có những chi nhánh tỉnh chỉ còn có dư địa vài trăm tỷ đồng để giải ngân trong 4 tháng cuối năm, nhưng chúng tôi vẫn phải rất thận trong trong việc phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng chi nhánh trên cơ sở room được giao thêm. Hơn nữa, so với nhu cầu, mức tăng trưởng tín dụng được cấp thêm đối với ngân hàng không nhiều, vì vậy ngân hàng chúng tôi vẫn chưa thực hiện điều chỉnh cho các chi nhánh", vị giám đốc này nói với PV.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, sẽ cần một đợt điều chỉnh hạn mức khác trước khi kết thúc năm

Từ thực tế kể trên, nhiều ý kiến cho rằng, NHNN nên tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay bởi nếu không được tiếp cận nguồn vốn sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp, đồng thời, làm mất đi cơ hội phục hồi và phát triển kinh tế.

"Nếu không khơi thông được dòng chảy nguồn vốn thì kết quả phục hồi rất khó được như kỳ vọng", TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.

Các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán SSI thì cho rằng, trong đợt điều chỉnh lần này, mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ước tính sẽ tăng thêm khoảng 2%, thấp hơn so với các kỳ vọng của thành viên trên thị trường và dư địa để NHNN sẽ có thêm một đợt điều chỉnh vào cuối năm nay vẫn còn.

Bên cạnh đó, so với tăng trưởng tín dụng được ghi nhận trong năm 2021, hạn mức tín dụng mới trong năm 2022 có cho thấy sự phân hóa giữa nhóm NHTMCP Nhà nước (không có nhiều thay đổi so với năm 2021) và nhóm NHTMCP (thấp hơn nhiều so với năm 2021).

Điều này cho thấy mục tiêu của NHNN là hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng lĩnh vực rủi ro cũng như điều tiết dòng tiền để kiểm soát được mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, khi trên thực tế, tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro như cho vay kinh doanh bất động sản hay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp từ các NHTMCPNN thấp hơn nhiều so với các NHTMCP.

Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cũng đã chỉ ra rằng, với áp lực gia tăng hạn mức tín dụng, áp lực lạm phát giảm bớt, hệ thống ngân hàng đang trong tình trạng lành mạnh và mùa cao điểm đang đến gần, NHNN đã tăng hạn mức tín dụng toàn ngành ngân hàng với mức ước tính khoảng 2%, tương đương 200.000 tỷ đồng. 

Như vậy, trong mục tiêu tăng trưởng 14%, vẫn còn khoảng 200.000 tỷ đồng tín dụng vẫn chưa được phân bổ cho các ngân hàng thương mại. Do đó, các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% hàng năm, sẽ cần một đợt điều chỉnh hạn mức khác trước khi kết thúc năm.

"Chúng tôi duy trì kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 đạt 15% do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn đang ở mức cao và NHNN có thể nới hạn mức tín dụng thêm một lần vào cuối năm nếu tình hình lạm phát dịu bớt", ACBS dự báo.

Tác động của việc tăng hạn mức tín dụng đối với thị trường

Đánh giá về tác động của việc NHNN cấp thêm room tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng vừa qua, theo các chuyên gia phân tích, có thể giúp tháo gỡ những điểm khó khăn nhất và thúc đẩy nền kinh tế duy trì xu hướng đi lên mà không gây thêm áp lực lên lạm phát do tăng trưởng quá nóng.

Hạn mức bổ sung có thể tạo thêm áp lực tăng lãi suất trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng không ổn định trước áp lực giảm giá của đồng Việt Nam so với đồng USD. Tuy nhiên, tác động này được cho là không đáng kể vì mặt bằng lãi suất đã điều chỉnh tăng để hạn chế sự mất giá của đồng Việt Nam.

Khoảng 200.000 tỷ đồng tín dụng sẽ được phân bổ vào cuối năm, lộ diện ngành hưởng lợi - Ảnh 3.

Khả năng tiếp cận vốn bổ sung dự kiến sẽ có lợi cho một số ngành như xuất nhập khẩu, các nhà sản xuất, các nhà bán lẻ. (Ảnh: LT)

Đối với các nhóm lĩnh vực, các chuyên gia cho rằng, nguồn tín dụng được cấp thêm sẽ không tăng đều các ngành mà sẽ hướng vào các ngành sản xuất. Trong đó, khả năng tiếp cận vốn bổ sung dự kiến sẽ có lợi cho một số ngành như xuất nhập khẩu, các nhà sản xuất, các nhà bán lẻ.

Cụ thể, xuất nhập khẩu dự kiến sẽ được tiếp cận với các hạn mức tín dụng và khoản vay để phục vụ cho các hoạt động thương mại.

Các nhà sản xuất sẽ có thêm khả năng tiếp cận vốn lưu động để mua nguyên vật liệu và trả lương cho nhân viên.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ, FMCG có nhu cầu vốn lưu động cao sẽ được cấp vốn để dự trữ hàng tồn kho phục vụ mùa mua sắm cuối năm.

Đối với các ngân hàng, theo các nhà phân tích, với những ngân hàng đạt mức tăng trưởng thu nhập cao trong 6 tháng đầu năm nay dự kiến sẽ được hưởng lợi do thu nhập lãi vẫn là nguồn đóng góp chính vào tổng thu nhập.

Ngược lại, bài toán vốn cho doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa có lời giải. Tuy nhiên, các khoản vay dành cho cá nhân và hộ gia đình (bao gồm cả các khoản vay mua nhà) có thể được tiếp tục giải ngân, mang lại lợi ích cho ngành xây dựng và bất động sản nhà ở).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem