Nếu dịp Tết Nguyên đán năm 2016, cả nước có 3.400 người đánh nhau phải nhập viện cấp cứu, Tết 2018 là 4.200 người, thì Tết này, con số ấy vọt lên hơn 5.300 người với 15 người chết. Rõ ràng, số người đánh nhau trong dịp Tết đang ngày càng tăng cùng số bị thương phải nhập viện cũng tỉ lệ thuận, cho thấy vấn đề rất đáng phải báo động bởi thật sự là không bình thường.
Số vụ đánh nhau trong dịp tết ngày càng tăng (ảnh minh họa).
Truyền thống của người Việt Nam vốn trọng tình nghĩa, bạn bè, vợ con, gia đình, làng xóm… vậy mà giờ đây, nhiều người sẵn sàng lao vào đánh nhau như kẻ thù, bởi những lý do rất nhỏ như mở nhạc to quá khiến hàng xóm khó chịu, đun bánh chưng làm khói lan sang nhà hàng xóm, không uống rượu hết mình với bạn bè…
Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các vụ ẩu đả gây thương tích trước hết phải nhắc đến là rượu bia. Vụ đánh nhau do rượu rất điển hình vừa xảy ra ngày 6 Tết ở xã Tân Bình, huyện Bình Tân, Vĩnh Long, hậu quả là 1 người chết, 1 người bị thường, còn thủ phạm cũng bị bắt. Ông Nguyễn Văn Tiếp (52 tuổi) cùng một số người đã uống hết khoảng 2,5 lít rượu, thì ông Phan Văn Út (44 tuổi, ngụ xã Tân Lược, huyện Bình Tân) đưa tiền để mua thêm rượu uống tiếp nhưng không ai chịu đi. Rồi ông Tiếp cãi nhau với ông Út và ông Trần Văn Dũng (57 tuổi, cùng xã Tân Bình), nên đã lấy dao chém ông Út và dùng búa chẻ củi đập nhiều nhát vào đầu, cổ ông Dũng, khiến ông Dũng tử vong, còn ông Út bị thương.
Theo các bác sĩ, trong số các ca nhập viện do đánh nhau, rất nhiều người vẫn còn hơi men, thậm chí trong tình trạng say khướt. Bởi Tết là dịp các gia đình, bạn bè thường tụ tập ăn nhậu, uống rượu bia nhiều hơn bình thường. Nhiều người không muốn uống cũng bị ép. Khi rượu vào thì lời ra, đã say rượu thì cả lời nói lẫn hành vi đều không kiểm soát được, nên rất dễ đánh nhau.
Say rượu là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ẩu đả, đánh nhau (ảnh minh họa)
Song, không thể đổ lỗi hết cho rượu bia. Cái chính là do thái độ ứng xử kém với nhau, coi cái “tôi” quá lớn, đặc biệt là ở những người trẻ. Khi xảy ra mâu thuẫn, va chạm, có khi chỉ là do không may va quệt giao thông trên đường, hoàn toàn có thể trao đổi, làm rõ đúng sai, thì nhiều người lại dùng vũ lực để “giải quyết”, không cần biết mình đúng hay sai. Thiếu hiểu biết pháp luật, phông văn hóa hạn chế, không biết ứng xử trước các tình huống phát sinh là nguyên nhân đưa đến nhiều vụ đánh nhau.
Tình trạng này có nguyên nhân sâu xa là việc giáo dục đạo đứctrong gia đình lẫn nhà trường chưa được coi trọng. Nhiều chuyên gia cho rằng, nhà trường cần chú trọng dạy học sinh kỹ năng ứng xử trước các tình huống, cũng như biết phân biệt đúng sai, biết nói lời xin lỗi khi làm việc sai, thay vì dạy những thứ giáo điều, xa rời cuộc sống. Hơn nữa, các thầy cô vốn là tấm gương cho học trò về đạo đức, lòng nhân ái, thì giờ đây nhiều người lại là những tấm gương xấu, khi nhiều vụ giáo viên đánh nhau ngay trong trường, đi xe trong trường gây tai nạn, giáo viên đánh học trò… rất phản sư phạm. Nhiều nơi còn thương mại hóa môi trường giáo dục, dẫn đến học trò và phụ huynh không còn sự kính trọng thầy cô như trước.
Nhiều người phải vào cấp cứu tại bệnh viện trong tết vì tai nạn giao thông và đánh nhau (ảnh minh họa).
Trong gia đình, nhiều phụ huynh còn không gương mẫu khi cũng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với nhau, thậm chí phụ huynh còn đánh giáo viên, phá bỏ truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Không ít gia đình mải mê kiếm tiền hoặc vì quá nuông chiều con mà coi nhẹ việc rèn giũa, đặc biệt còn dạy con cách đối xử bạo lực với người khác khi không vừa lòng.
Nhà trường và gia đình còn như vậy, thì trẻ học đạo đức làm người, tính nhân văn và cách ứng xử văn hóa ở đâu? Chính vì thế mà nhiều người không biết cách kiềm chế cơn nóng giận, không biết tha thứ, bao dung với người khác, cũng không biết tôn trọng người khác cũng như tôn trọng giá trị cuộc sống của chính mình. Đặc biệt, nhiều người không biết phải xin lỗi khi sai. Đó là lý do khiến họ sống rất bản năng, dễ nổi khùng, hung hăng mỗi khi không hài lòng hay gặp những sự cố, không cần phân biệt đúng sai, người thân quen hay người dưng. Một câu nói vu vơ, một cái nhìn không bình thường, một va chạm nhẹ cũng có thể là nguyên nhân để cầm hung khí “chơi tất tay” với “đối thủ”.
Hơn 5.300 người nhập viện vì đánh nhau trong dịp tết 2019 (ảnh minh họa).
Đặc biệt, tính sĩ diện hão - đa phần rơi vào người trẻ, do thiếu hiểu biết cả về văn hóa lẫn pháp luật, lại thiếu kỹ năng xử lý tình huống, nên nhiều người dùng bạo lực để “thể hiện” mình, mà không biết rằng, đó là cách thể hiện thiếu văn minh nhất. Vào các bệnh viện, sẽ thấy hậu quả của các vụ “thể hiện” này vô cùng thảm khốc: Nhiều người chết một cách oan ức, nhiều người mù lòa, què cụt vĩnh viễn, không ít người nằm liệt, không có tương lai, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội… Rất nhiều người tôi gặp khi họ đã nằm liệt trên giường bệnh, hay vào tù vì tính côn đồ, mới hối hận về sự sĩ diện hão của mình, khi nó chẳng giải quyết được gì, mà còn đem đến đau đớn cho bản thân và đau khổ cho gia đình, thì đã muộn.
Con số hàng nghìn người phải cấp cứu do đánh nhau chỉ trong 8 ngày Tết vừa qua như một lời khẩn cầu các cấp, các ngành cần giải pháp ngăn chặn. Các chế tài xử lý đối tượng côn đồ phải “mạnh tay” hơn, ngành văn hóa cũng cần tăng cường truyền thôngvề lối sống, ứng xử văn hóa trong cộng đồng. Đặc biệt, vai trò ngành giáo dục rất lớn trong việc phối hợp với gia đình dạy đạo đức, lòng nhân ái cho trẻ. Đã đến lúc không thể chần chừ thêm nữa, nếu không muốn Tết sang năm, con số này tiếp tục “nhảy vọt”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.