Suốt nhiều tháng, khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” đã đi vào cuộc sống. Không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về tinh thần khẩn trương và mức độ quan trọng rất cao của công tác chống dịch, mà giờ đây nó bắt đầu có thêm hàm ý thiết thực về chiến lược của một cuộc chiến tổng lực chống Covid-19.
Một cuộc chiến tổng lực không thể chỉ thực hiện trên một mặt trận, mà phải là tất cả các mặt trận. Chỉ cần một mặt trong số các mặt trận đó đuối sức là toàn bộ cuộc chiến có nguy cơ thất bại.
Trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam có thể thấy những mặt trận sau: (1) Y tế, (2) An sinh xã hội, (3) Kinh tế, và (4) ngoại giao, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Lực lượng nòng cốt ở mỗi mặt trận này đều đã và đang chi viện cho các mặt trận khác trong suốt quá trình chống dịch từ đầu đến nay. Với các biện pháp quyết liệt và hiệu quả, chúng ta đã kiềm chế số ca bệnh ở mức thấp so với thế giới, đến giờ không có trường hợp nào tử vong.
Thật ra mà nói, không có chính phủ nào hiện nay có thể đảm bảo sự yên tâm của toàn dân về kết quả chống dịch của mình trong thời gian tới. Trên thực tế, khảo sát của Dalia, một công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho nghiên cứu có trụ sở ở Đức cho thấy, có đến 62% số người được hỏi ở Việt Nam cho rằng các biện pháp chống dịch của Chính phủ là đúng/đủ, so với khoảng gần 20% cho rằng chưa đủ và gần 20% còn lại cho là quá đà. Tỉ lệ ủng hộ các biện pháp chống dịch của Chính phủ ở Việt Nam trong khảo sát này là cao nhất thế giới, chỉ duy nhất có Argentina là có tỉ lệ ủng hộ cao gần tương tự.
Nhưng đấy là kết quả khảo sát vào 24 – 26/3, vài ngày trước khi Việt Nam “cách ly toàn xã hội”, lúc mà đa số người dân đang được thuyết phục rằng Việt Nam sẽ “sạch Covid-19”, sẽ không còn ca nhiễm nào nữa.
Còn giờ đây, sau 3 tuần ở nhà trong một cuộc đại cách ly lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhiều chuyên gia và các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã nói đến viễn cảnh “sống chung” với Covid-19, không phải trong nhiều tháng tới mà có thể cả vài năm tới. Nguy cơ nhiễm, nguy cơ phát bệnh, nguy cơ tử vong vì Covid-19 chỉ là một trong bao nhiêu vấn đề đau đầu mà mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, cả chính phủ và toàn xã hội phải đối mặt và xử lý. Do vậy, việc “sống chung”, vừa cảnh giác với dịch bệnh nhưng cũng đảm bảo ổn định và phát triển, là một sự tất yếu.
Phố Tây Sơn (Hà Nội) đông đúc sáng nay 23/4. Ảnh: VOV.
Khả năng kháng cự (hay chống chịu) Covid-19 của mỗi cá nhân, hộ gia đình hay quốc gia/nền kinh tế có thể phân loại như sau: Người càng giàu có và trẻ, khỏe thì khả năng kháng cự càng cao, ví dụ như thể hiện ở việc có thể ở nhà không làm việc trong thời gian rất dài mà chất lượng sống không bị sụt giảm nhiều lắm (Nhóm 1). Ngược lại, người có thời gian sống còn lại càng ngắn (già, bệnh nền) và càng nghèo thì khả năng kháng cự càng thấp, thể hiện ở việc có thể chết sớm vì bệnh, trong đó có Covid-19, hoặc vì túng quẫn (Nhóm 2). Giữa hai thái cực này là những người có 1 trong 2 điều kiện (sức khỏe hoặc tiền bạc). Anh nào nghèo nhưng trẻ, không có bệnh tật gì thì khả năng kháng cự Covid-19 sẽ cao hơn (Nhóm 3). Ngược lại, nhưng người tuy đã cao tuổi, thậm chí có bệnh nền, nhưng nhiều tiền thì vẫn có điều kiện bảo vệ mình tốt và tránh bị nhiễm virus, hoặc nếu bị nhiễm thì cũng có điều kiện để chạy chữa tốt hơn so với những người khác (Nhóm 4).
Như vậy, khi đưa nền kinh tế vào tình trạng ngủ đông (tức là yêu cầu mọi người ở nhà), nhóm 2 là nhóm có khả năng kháng cự thấp nhất, sẽ “ra đi” sớm nhất.
Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan có số lượng người nhóm 1 khá đông, nhóm 3 và 4 ít, còn nhóm 2 rất ít nên khả năng kháng cự sẽ tốt nhất.
EU, Mỹ và Nhật có số lượng người nhóm 1 và 4 đông đảo hơn cả nên khả năng kháng cự Covid-19 cũng rất cao, bất kể số người chết thực tế hiện nay thế nào.
Những quốc gia nào với dân số nhóm 2 đông đảo sẽ dễ bị tổn thương nhất. Nếu những nước này áp dụng cách chống dịch của các nước giàu nói trên, tức là đưa nền kinh tế vào tình trạng ngủ đông, thì thực chất, những người nhóm 2 phải hy sinh để các nhóm còn lại sống. Điều đó sẽ không công bằng.
Ở bình diện quốc tế, nếu các quốc gia giàu có cũng cư xử như những tầng lớp có địa vị kinh tế xã hội cao trong các quốc gia nghèo mà muốn chống dịch theo kiểu nhà giàu, họ sẽ ép các quốc gia nghèo phải tự cách ly, tự bế quan tỏa cảng để giảm nguy cơ lây nhiễm từ các quốc gia nghèo này sang cho họ. Thật may mắn là điều này chưa xảy ra, vì nếu nó xảy ra, cũng hoàn toàn là không công bằng cho các quốc gia nghèo khi họ phải hy sinh để cho các nước giàu sống sót qua đại dịch này.
Nhận ra được những nguy cơ lâu dài đó, Việt Nam đã quyết định dừng cách ly ở 28 tỉnh thành “nguy cơ cao” và “có nguy cơ” bùng phát dịch, trừ một số huyện của Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang. Từ giờ đến khi tiêu diệt được virus, chưa biết là khi nào, chỉ biết ít nhất là tới lúc có vắc xin, tức là 12 - 18 tháng nữa, thay vì cách ly toàn xã hội, đóng băng kinh tế, chúng ta sẽ quay lại tăng gia sản xuất, không bị virus thôi miên nữa. Phát hiện lây ở đâu thì quây chỗ đó lại thôi, khoanh vùng chính xác, chứ không phải một người đau bụng cả làng uống thuốc.
Chúng ta sẽ chung sống thế nào với Covid-19? Chính phủ Việt Nam, và ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới nói về "bình thường mới" hậu Covid-19. Tôi đã nghe cụm từ đó ít nhất từ các ông Andrew Coumo (Thống đốc tiểu bang New York), Henry Kissinger (cựu Ngoại trưởng Mỹ), Justin Trudeau (Thủ tướng Canada).
"Bình thường mới" nghĩa là sẽ không trở về (không thể trở về được) với thế giới có trước đại dịch Covid. Sẽ là một thế giới khác, rất khác.
Trong thế giới mới đó, nhiều thứ có trước đại dịch Covid sẽ phải xem xét lại cho phù hợp với nó. Một số thứ sẽ phải điều chỉnh. Một số thứ cần huỷ bỏ hẳn.
Nhưng chúng ta đã sẵn sàng, và không còn cách nào khác, là phải làm cho mình có khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng của cơ thể, của nền kinh tế để chống lại con virus vô hình.
Trong công việc của mình, đầu tháng Ba năm nay, trước khi bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống Covid-19, chúng tôi đã đón tiếp một đoàn doanh nghiệp Mỹ khá lớn, gồm 50 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm cả doanh nghiệp dược phẩm. Lúc đó, họ đã rất ca ngợi năng lực chống dịch của Việt Nam và mong muốn dịch sớm qua đi để đầu tư làm ăn tại đây. Bây giờ, với khả năng Việt Nam kiểm soát dịch như vậy, càng có lý do để họ tin tưởng tiếp tục tới Việt Nam đầu tư, góp phần vào sự hồi phục của nền kinh tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.