Quả là nước ta, cái nạn biếu xén dịp tết nó... nặng lắm rồi.
Của đáng tội, ngày xưa người ta cũng quà cáp biếu cấp trên dịp tết, nhưng nó hoàn toàn khác. Túi quà nó đúng là... túi quà, và quan trọng là, thứ nhất, nó là từ tiền túi của người đi biếu, và thứ hai, nó xuất phát từ tấm lòng thành, như một sự trân quý, một kiểm cảm ơn...
Giờ đi biếu tết nó như... nghĩa vụ, rùng rùng đi như một cơn dịch. Nó là kiểu “bánh ú đi, bánh dì lại”. Số người bỏ tiền túi ra đi biếu tết rất ít, thứ nhất là người không phải quan chức, và thứ hai là người sống tử tế, tết đi thăm nhau, thăm cấp trên như một nghĩa cử, như một sự tri ân, và cấp trên tử tế cũng chả để cấp dưới thiệt bao giờ.
Mỗi dịp Tết, Thủ tướng, các bộ ngành, địa phương... đều nhắc nhở, cấm biếu quà tết cấp trên, lãnh đạo.
Cái nghĩa vụ biếu tết ấy, cái dịch biếu tết ấy, nó công khai, rộn rã, nó tưng bừng, nó vượt qua mọi sự xấu hổ, lướt qua hết lòng tự trọng để miễn là, túi quà có in (ghi) tên mình, tên đơn vị mình... lọt vào mắt sếp. Hà Nội, những ngày giáp tết, đường đã tắc lại càng thêm tắc, dân bảo, do các tỉnh về... tết sếp, tết trung ương.
Tôi cũng từng chứng kiến những ngày giáp tết ở nhà một vài sếp tỉnh. Quả là vừa tưng bừng vừa... lén lút, vừa rộn rã vừa... âm thầm, vừa trơ trẽn vừa ngượng nghịu... Xe biển xanh xếp hàng, từng người vội vã xách túi quà vào rồi vội vã ra, để... nhường người khác.
Rồi các sếp ấy cũng... phải đi như thế, lên trên nữa. Nó diễn ra trước mắt dân, nhất là những người hàng xóm, riết rồi... quen.
Nên mấy năm liên tục, Thủ tướng phải ra công văn nhắc và nghiêm cấm việc biếu tết này. Phải nói rõ, đây là một “hắc tục”.
Như đã nói, biếu tết là một mỹ tục. Con cái biếu bố mẹ, cháu chắt biếu ông bà, hàng xóm biếu nhau, sui gia thăm nhau…, tồn tại từ ngày xưa và trở thành một nét văn hóa Việt, dù đến giờ không phải không có những biến tướng khi người ta đặt nặng yếu tố vật chất của quà biếu, khiến nhiều khi nó trở thành gánh nặng của con cái ngay trong gia đình, nhất là những gia đình đông con ở nông thôn.
Minh họa: Lê Phương.
Nhưng đến khi mà, cấp dưới “phải”, chính xác là phải, đi biếu cấp trên, và trong túi quà luôn luôn phải có phong bì, thì sự biến tướng đã trở thành sự không kiểm soát nổi, nó trở thành những hành vi văn hóa xấu xí, làm biến chất tư cách công quyền của những công bộc, khiến những đạo mạo trở thành trò hề trong mắt dân chúng.
Đã có thời kỳ dài, chuyện biếu tết cấp trên trở thành... chuyện bình thường dịp tết, đến mức, người ta gọi đây mới là mùa... thu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, biết rõ điều này, và ông đã kiên quyết dẹp loạn. Mấy năm liền ông ra công lệnh có, nhắc nhở có, có cả như là sự... năn nỉ: Các đồng chí đừng đi biếu cấp trên nữa, đừng ra Hà Nội nữa, đi xuống lo cho dân ấy.
Thực ra có những người phải đi biếu cũng chả sung sướng gì, nhất là mấy anh chánh văn phòng, mấy cô kế toán. Tết nhất sát sau lưng, bao nhiêu việc cơ quan, việc nhà dang dở, thế mà cứ phải xách cặp đi biếu. Tôi quen mấy người như thế, và họ... rên như sấm.
Mọi năm dịp này đang là cao điểm của mùa biếu tết. Năm nay, Thủ tướng quyết tâm, các bộ ngành quyết tâm, các tỉnh thành cũng quyết tâm, hy vọng những lén lút, những thậm thụt, những hành vi như vụng trộm ấy sẽ chấm dứt. Và, chúng ta công khai đi thăm dân, thăm những mảnh đời bất hạnh, thăm những tiêu biểu, những điển hình... Những cuộc thăm như thế, dân hết sức hoan nghênh mà chính những người đi thăm cũng bảo toàn lòng tự trọng, bảo toàn sự kiêu hãnh luôn thường trực trong mỗi con người...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.