Chọn nghề y, họ chọn vất vả về mình

Diệu Linh Thứ ba, ngày 24/03/2020 19:58 PM (GMT+7)
Điều ít mong đợi nhất đã xảy ra: Việt Nam có trường hợp đầu tiên bác sĩ mắc Covid-19 vì lây nhiễm chéo trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19.  Nhưng khi một bác sĩ F1 thành F0, đằng sau họ là những y bác sĩ F2 khác sẵn sàng tiến lên trở thành F1.
Bình luận 0

Vị bác sĩ trẻ bị lây Covid-19 từ bệnh nhân đã lăn lộn với công tác phòng chống dịch từ cuối tháng 1/2019. Anh làm việc ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, nơi đã thu dung và điều trị cho hàng chục bệnh nhân Covid-19, và cách ly hàng nghìn người từ vùng dịch trở về.  Khi mà người người, nhà nhà hân hoan đón Tết Nguyên đán, sum họp gia đình, thì anh và hàng trăm đồng nghiệp khác đang phải “canh” sức khỏe cho cộng đồng ở tuyến đầu, điều trị cho những ca mắc Covid-19 đầu tiên.

Qua một khoảng lặng trước cơn bão, dịch Covid-19 bước sang giai đoạn 2, đông bệnh nhân và người cách ly hơn, công việc cũng bận rộn, căng thẳng, áp lực hơn, anh lại tiếp tục đón nhận nhiệm vụ.

20 ngày nay, anh phải liên tục sàng lọc, khám, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 từ nặng đến nhẹ. 20 ngày nay anh không được ăn một bữa cơm ấm nóng của gia đình khi phải sống ở khu cách ly dành riêng cho các bác sĩ ngay tại Bệnh viện, không được về nhà. Hàng ngày, anh và các đồng nghiệp ăn cơm hộp đơn sơ, nghỉ tại bệnh viện, rồi lại lao đầu vào các ca trực.  

Không chỉ có anh mà hàng chục nhân viên y tế khác của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đều ở lại bệnh viện, chăm sóc bệnh nhân và tự cách ly với gia đình. Nếu người tiếp xúc với bệnh nhân (F1) khác chỉ phải cách ly có 14 ngày rồi lại “về với cuộc đời và gia đình”, thì các bác sĩ nơi đây đã phải chịu làm F1 cả tháng trời và chưa biết lúc nào kết thúc. Thậm chí luôn phải sẵn sàng tinh thần bản thân trở thành F0 bất cứ lúc nào khi chẳng may lây nhiễm Covid-19 từ bệnh nhân.

Một bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 đã tâm sự với tôi: “Khó có thể đánh giá được hết những mệt mỏi, căng thẳng, áp lực mà các bác sĩ đã phải gánh chịu khi điều trị bệnh nhân Covid-19 trong thời gian này. Chỉ riêng việc mặc đồ phòng hộ đã rất vất vả. Mọi người phải mặc bộ đồ kín mít, đeo găng tay, đeo kính, đeo khẩu trang kín mít, khó thở, chật chội, nóng nực, lại còn phải làm việc với cường độ cao”.

Tại khoa Cấp cứu mỗi nhân viên làm việc 8h sẽ được nghỉ một lần giữa ca sau 4h làm việc để giải quyết các vấn đề cá nhân. Nhưng chỉ riêng việc cởi bỏ trang bị phòng hộ cũng tiềm ẩn nguy cơ. Bởi vì mỗi lần mặc vào, cởi ra, nhân viên y tế rất vất vả, cẩn thận, mặc đúng quy trình mà cởi cũng phải đúng quy trình để tuyệt đối tránh lây nhiễm.

Bởi vì, chẳng có đồ phòng hộ nào bảo vệ được các bác sĩ 100%. Chiếc khẩu trang N95 được khuyến cáo dành riêng cho nhân viên y tế khi điều trị, cấp cứu bệnh nhân Covid-19, cũng chỉ ngăn được 95% giọt bắn mang mầm bệnh. Còn 5%  giọt bắn luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Mà mỗi ngày, các bác sĩ phải đối mặt với 5% nguy cơ ấy không biết bao lần.

img

Điều trị cho bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. 

Khi điều trị cho các bệnh nhân nặng, phải xử lý nhiều thao tác có nguy cơ rất cao như đặt ống nội khí quản, lấy mẫu bệnh phẩm ở mũi họng bệnh nhân...  chẳng bác sĩ y tá nào đủ thời gian nghĩ riêng cho mình. 

Đừng ai hỏi các y bác sĩ “Có lo lắng bị lây nhiễm Covid-19 hay không?”. Bởi vì họ đều là người có gia đình, có bố mẹ già, có con nhỏ, có người thân, có bạn bè... Họ mắc bệnh sẽ kéo theo nhiều mối lo âu từ phía gia đình. Dù cách ly rồi nhưng khó có thể đảm bảo người nhà bác sĩ  hoàn toàn tránh được nguy cơ. Còn khi y bác sĩ cách ly tại bệnh viện trong thời gian dài, gánh vác chăm lo gia đình lại chất lên vai những người ở nhà.

Có bác sĩ đã ứa nước mắt trước câu hỏi ngây thơ của con nhỏ: “Sao mẹ đi lâu thế, bao giờ mẹ về?”. Có người nhà chỉ cách bệnh viện vài cây số, con virus tưởng như vô hình  song lại làm thành bức tường nguy hiểm chắn sừng sững ở giữa, các y bác sĩ không thể vượt qua. Và có biết bao cha mẹ, vợ (chồng), con cái đang ở ngoài kia, lo lắng phập phồng cho người thân của mình đang đối mặt với dịch bệnh trong bệnh viện.

Đừng ai hỏi nhân viên y tế: “Có mệt mỏi, áp lực hay không?”.  Nhìn họ trong bộ quần áo bảo hộ đến khó thở, nhìn những vệt khẩu trang hằn thành rãnh sâu trên mặt họ, nhìn những đôi tay khô ráp, nứt nẻ vì rửa tay nhiều lần trong ngày của họ, nhìn những phần cơm hộp đơn điệu, thậm chí nguội ngắt vì không kịp ăn đúng giờ, nhìn dáng vẻ mệt mỏi khi chợp mắt vội trên ghế... tự chúng ta sẽ cảm nhận được còn hơn cả một câu trả lời.  

Hãy hỏi: “Có biết nghề y vất vả, nguy hiểm như thế không?”. Chắc chắn các bác sĩ, điều dưỡng đều trả lời: “Biết, hiểu, lường trước được”. Dù biết rất rõ nhưng họ vẫn chọn ngành y vì mong muốn cứu người. Họ hiểu chọn ngành y là chọn cho mình nguy hiểm, vất vả. Họ sẽ luôn phải đối mặt với những bệnh tật hiểm nghèo, tai nạn thảm khốc, lây nhiễm nguy hiểm Trong mọi tình huống, thậm chí cả khi người nhà của bệnh nhân cũng không dám nhìn, ngại chăm sóc, thì nhân viên y tế là người ở bên, băng bó, điều trị, vỗ về những đau đớn cho bệnh nhân.

Bệnh nhân có thể lựa chọn bác sĩ nhưng bác sĩ không lựa chọn bệnh nhân. Bất cứ nơi nào, thời gian nào, hoàn cảnh nào, chỉ cần bệnh nhân cần họ, họ sẽ sẵn sàng thu dung, điều trị mà không hề băn khoăn về những vất vả mình có thể đương đầu.

Bây giờ, khi hàng triệu người lo lắng, ở trong nhà, tránh tiếp xúc, giữ khoảng cách xã hội, thì các y bác sĩ buộc phải, và sẵn sàng trực diện với con virus SARS-CoV-2 nguy hiểm hàng ngày.

Họ luôn cố gắng phòng hộ cho bản thân một cách tốt nhất, nhưng khi mắc bệnh cũng không ai sợ hãi. Một bác sĩ mắc bệnh, đồng nghiệp đều bình tĩnh coi đó là rủi ro mà họ sẵn sàng đón nhận. Khi bác sĩ F1 thành F0, đằng sau họ lại có F2 tiến lên, sẵn sàng đảm nhiệm vị trí của F1 để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Không hề đắn đo, đong đếm hơn thiệt, rủi may.

Như lời một cán bộ y tế đã tâm sự: “Chúng tôi là những chiến sĩ áo trắng, luôn ở tuyến đầu của cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19, hơn ai hết chúng tôi đều hiểu rằng chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh, sống chung với nó.

Chúng tôi dù được trang bị đầy đủ kiến thức, các thiết bị phòng hộ cá nhân nhưng bệnh tật chẳng chừa ai, khó mà tránh khỏi. Mai kia, nếu ai đó chẳng may mắc bệnh này, hãy vững tâm vượt qua, bởi vì còn có chúng tôi, những đồng nghiệp luôn ở bên cạnh các bạn.

Hơn bao giờ hết, người dân đang trông cậy vào các y bác sĩ và tôi tin rằng, mỗi bác sĩ chỉ cần có một trái tim nóng, một cái đầu lạnh, chúng ta sẽ vượt qua thử thách này, mang lại sức khoẻ và niềm hạnh phúc cho bao người.

Cũng hơn bao giờ hết, các y bác sĩ chúng tôi mong mọi người cổ vũ, chia sẻ, động viện các nhân viên y tế đang làm việc trong các cơ sở y tế để vững tâm, an tâm cống hiến”.

Xin những chiến sĩ áo trắng yên tâm vì đằng sau các anh chị luôn có hậu phương của lòng dân, luôn ủng hộ và thấu hiểu nỗi vất vả khó khăn mà các anh chị đang đương đầu. Chúng ta cùng nỗ lực để chiến thắng con virus SARS-CoV-2 đầy ám ảnh này.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem