Xuất khẩu gạo: Có cần phải "đóng van"?

Nguyễn Đông Thứ năm, ngày 26/03/2020 09:55 AM (GMT+7)
An ninh lương thực là việc rất quan trọng, liên quan đến sinh mệnh nhân dân. Nhưng thu nhập của người nông dân cũng rất quan trọng. Có cách nào đạt được cả hai, không để người trồng lúa – vốn dĩ rất nghèo – phải bị hi sinh?
Bình luận 0

Vì an ninh lương thực luôn được đặt lên hàng đầu, nên lệnh cấm xuất khẩu gạo được ban hành, có hiệu lực gần như cấp thời (0 giờ ngày 24/3/2020). Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục cho xuất khẩu bình thường.

Đến ngày 25/3, VPCP đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trước kiến nghị trên của Bộ Công thương. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ NNPTNT, Tài chính và các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt, rà soát, đánh giá, kiểm tra về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.  

Trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh xuất khẩu gạo theo đúng quy định của Luật quản lý ngoại thương, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các quy định pháp luật khác có liên quan trước ngày 28/3/2020.

img

Nông dân đang chờ một vụ lúa được mùa được giá. Ảnh: Dân Việt. 

Nhưng do có thông tin tạm ngừng xuất khẩu gạo, nên gần như ngay lập tức, vì dồn ứ đầu ra, giá gạo nội địa rớt ngay. Đời nông dân trồng lúa vốn buồn nhiều hơn vui, nay chưa kịp vui đã thấy buồn.

An ninh lương thực là quan trọng, nhưng thu nhập của người nông dân cũng rất quan trọng. Có cách nào đạt được cả hai, không để người trồng lúa – vốn dĩ rất nghèo – phải bị hi sinh?      

Gạo – một trong những mặt hàng thiết yếu nhất – được dự đoán là giá cả có xu hướng đi lên do một số quốc gia mất mùa và nhu cầu tích trữ dâng cao trong thời đại dịch. Nếu dự đoán đó là đúng đắn, ngay khi không phải lo an ninh lương thực, việc găm giữ gạo lại chờ thời gian nữa khi giá cao hơn mới bán ra là điều cần thiết.

Để giữ gạo lại, việc triệt dòng gạo xuất khẩu bằng mệnh lệnh hành chính không phải là cách thức duy nhất. Còn có chọn lựa khác mềm dẻo hơn, thị trường hơn, đó là tăng dự trữ trong nội bộ quốc gia bằng các gợi ý chính sách sau:    

- Dự trữ nhà nước tăng mua.

- Tăng dự trữ doanh nghiệp bằng khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu và nội địa nâng mức tồn kho, hợp tác nâng cao giá xuất khẩu. Có chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp thiếu vốn. Đây là việc tự nguyện của doanh nghiệp, được hưởng lợi và tự chịu rủi ro.

- Dự trữ nhân dân: khuyến cáo nông dân sản xuất chậm bán ra và nhân dân mua dự trữ gạo 1 – 2 tháng ăn trong gia đình.

Trong khi dòng gạo trong nước được khai thông chảy vào kho nhà nước, kho doanh nghiệp, kho nông dân và hàng mấy chục triệu hũ gạo của nhân dân, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn được quyền diễn ra nhưng chắc sẽ không còn ồ ạt và nếu các doanh nghiệp xuất khẩu hợp tác tốt họ sẽ bán được với giá cao hơn. Nông dân do có lực mua mới, giá không sút giảm nên vẫn được hưởng lợi.

Sự can thiệp của nhà nước vào thị trường nên thuận theo qui luật của thị trường và chỉ nên ở mức tối thiểu. Điểm ngón tay nhẹ nhàng nhưng đúng chỗ, đúng thời, hiệu quả mang lại có khi còn hơn ráng sức trân gân tung quả thôi sơn.

Có lẽ cũng cần có lưu ý thêm, giá cả và sản lượng luôn có tương quan mật thiết, nếu giá lúa thấp thì đầu tư của nông dân giảm sút và sản lượng chắc chắn sẽ thấp theo. Việc ngăn đột ngột dòng lưu thông gạo làm giá trong nước rớt xuống, về lâu dài lại là nhân tố làm mất an ninh lương thực quốc gia.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem