Cô giáo bị bắt quỳ gối xin lỗi, điều gì đang diễn ra thế này?

Lê Phương Linh Thứ hai, ngày 05/03/2018 20:08 PM (GMT+7)
Cá nhân tôi, đã ám ảnh, thương xót khi nghĩ đến hình ảnh của cô giáo N. phải “quỳ gối” trước sự bất lực của nhà trường, của đồng nghiệp.
Bình luận 0

Những ngày qua, dư luận xôn xao câu chuyện về cô giáo N. của Trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lứt, tỉnh Long An) bị phụ huynh bắt “quỳ gối” sau khi xử phạt học sinh khiến học sinh không dám đi học.

Trong chúng ta, khi trưởng thành tự quyết định cuộc sống và chịu trách nhiệm trước hành vi của mình thì ai cũng trải qua thời cắp sách đến trường. 

Hầu hết trong mỗi chúng ta đều có ít nhất một vài lần bị thầy cô giáo khiển trách cho hành vi thời con trẻ của mình.

Nghịch ngợm, trêu đùa, sai lầm của thời học sinh nó giống như “nguyên liệu của tuổi thơ” để giúp cho con người có những trải nghiệm, vốn sống và tất cả là kỉ niệm đẹp của thời cắp sách đến trường.

Chúng ta ai cũng từng có thời trêu bạn đến khóc, làm bạn bị đau, làm bố mẹ phiền lòng. Vì ngày thơ ấu, trong nghĩ suy của con trẻ, mỗi một chiến tích nó giống như một “huân chương” để khẳng định mình với lứa bạn. 

Chuyện học sinh bị cô giáo khiển trách, phạt, kỷ luật là điều không thể tránh khỏi.

Cá nhân tôi, sau nhiều lần bị xử phạt đến giờ chưa một lần tôi thấy oán giận thầy cô của mình. 

Hình ảnh đọng trong tôi là cảnh mẹ tôi liên tục xin lỗi cô và hứa sẽ kết hợp cùng nhà trường để quản lý tôi tốt hơn. 

Tôi không nhớ mình đã phải viết bao nhiêu bản kiểm điểm chỉ biết rằng cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam, về thăm cô giáo cũ, cô lại mang ra kể như một câu chuyện đẹp.

Và dù muốn hay không với đặc thù nghề nghiệp thì tôi vẫn thấy nghề giáo là một nghề cao quý.

Với học sinh khi đi học thì quan điểm “cô giáo luôn đúng” đã trở thành quan điểm “bất khả xâm phạm”.

Chỉ cần cô giáo yêu cầu là những đứa trẻ nhớ như in và làm theo răm rắp. 

Một trong những lý do để cô giáo “có tính thuyết phục” như vậy là vì cái uy của nghề và vì những kỷ luật cô thiết lập ra với học sinh của mình.

img

Trường Tiểu học Bình Chánh - nơi diễn ra sự việc "đau lòng trên".

Quay trở lại việc cô giáo N. bị bắt quỳ gối xin lỗi khi xử phạt học sinh khiến học sinh sợ không dám đi học chúng ta thấy gì? 

Nếu đặt bối cảnh của sự việc vào hệ quy chiếu của thời nay thì việc làm của cô giáo Nhung là không đúng. 

Xã hội cần cô giáo tôn trọng quyền của trẻ em, thượng tôn pháp luật. Trẻ hư, bướng bỉnh hay không nghe lời thì cô giáo cũng không được quyền đánh hay trách phạt gì trẻ cả. 

Nhưng cô giáo Nhung đã xử phạt bằng cách bắt quỳ gối những học sinh vi phạm kỷ luật đó. Cuối cùng thì điều gì đã diễn ra, phụ huynh đã làm mọi việc thay các cơ quan chức năng, các đơn vị có thẩm quyền. Họ bắt cô giáo của con mình phải “quỳ gối” xin lỗi lại.

Chúng ta, hầu như ai cũng thuộc bài hát “cô và mẹ”, một bài hát khẳng định “cô giáo như mẹ hiền”. 

img

Phải chăng những hình ảnh như thế này ngày càng "hiếm" đi? Ảnh: DV

Và hôm nay, khi người mẹ đó trách phạt con mình thì lại phải đang “quỳ gối” để nhận lỗi. 

Những phụ huynh đó họ nghĩ gì? Những đứa trẻ chứng kiến đó nghĩ gì? Tôi đang tự đặt câu hỏi, vai trò của ban giám hiệu lúc đó ở đâu? Các đồng nghiệp của cô giáo Nhung ở đâu? Ban chi hội phụ huynh đó ở đâu?

Cuối cùng mới đến các cấp có liên quan họ sẽ xử lý việc này như thế nào khi họ để cho giáo viên của mình bị đối xử như vậy?

Chính những sự việc như thế này, chính những phụ huynh như thế này đã góp phần làm cho lòng tin vào nghề giáo bị giảm sút nghiêm trọng. 

Học sinh khi dời khỏi ghế nhà trường lựa chọn cho mình một nghề nghiệp thì nghề giáo chưa bao giờ được ưu tiên trong bối cảnh này.

Chính những phụ huynh đó đã khiến cho lòng yêu nghề của giáo viên bị bào mòn. Giáo viên họ không ngại học sinh kém, học sinh bướng bỉnh hay cá biệt mà giáo viên sợ những phụ huynh như thế này.

Bất cứ ai làm giáo viên, khi đọc thông tin ấy chắc chắn cũng cảm thấy chạnh lòng, thấy tổn thương, thấy thương đồng nghiệp của mình. 

Không phải là nghề giáo mà bất cứ nghề nào cũng không thể đối xử như thế được. Đó là nhân phẩm của con người, tuyệt đối không được phép tùy tiện.

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, khi đứa trẻ còn chưa dời khỏi vòng tay của cô giáo mà cha mẹ chúng đã hành xử như thế này thì có được coi là vô ơn không?

Cá nhân tôi, đã ám ảnh, thương xót khi nghĩ đến hình ảnh của cô giáo N. phải “quỳ gối” trước sự bất lực của nhà trường, của đồng nghiệp.

Và tôi cứ day dứt mãi câu hỏi: Chuyện gì đang diễn ra thế này?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem