Còn điều tuyệt vời nào hơn thế nữa!

Trần Ngọc Thọ Thứ ba, ngày 20/03/2018 07:58 AM (GMT+7)
Như một bộ phim điện ảnh gay cấn, quả tim chỉ có thể “sống” được trong vòng 6 giờ từ khi gắp từ lồng ngực của người đàn ông 45 tuổi ở tận Hà Nội để tặng cho một bệnh nhân nghèo quê tận Tiền Giang.
Bình luận 0

Ngày 19.3, hai bệnh nhân - một bị tim nặng, một bị suy thận giai đoạn cuối sau khi được ghép các bộ phận này đều đã mạnh khỏe, chờ xuất viện.

Điều đáng nói, đây là những bệnh nhân rất nghèo, đã có lúc nghĩ tới việc xa rời sự sống.

Hành trình mà những trái tim, quả thận này vượt hơn 1.700km để từ Hà Nội vào TP.HCM là điều thật cảm động.

Vì nếu không có những bác sĩ toàn tâm với khát vọng cứu sống người, nếu không có những chiến sĩ cảnh sát giao thông, hàng không vô tư, hết mình trong nhiệm vụ thì có lẽ sự sống đã không được nối tiếp.

img

Hai xe đặc chủng của công an “hộ tống” xe chở quả tim. Ảnh: BVCR

Đầu tiên, quả tim được ghép này được nhận từ một người đàn ông 45 tuổi bị nạn, chết não từ Bệnh viên Trung ương Quân đội 108.

Gia đình người bị nạn có nguyện vọng hiến tạng của ông.

Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã khởi động việc tìm kiếm bệnh nhân nhận tạng ngẫu nhiên tương thích trong danh sách chờ của cả nước.

Một chàng trai 29 tuổi quê tận Tiền Giang đã điều trị bệnh tim nặng ở Bệnh viện Chợ Rẫy trong vòng 5 năm qua được chọn.

Chàng trai này từng nói với bác sĩ rằng đã chấp nhận việc một ngày nào đó quả tim của mình ngừng đập.

Nhưng các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã không để vậy.

img

Hộp đựng quả tim được đưa ngay vào phòng mổ nơi bệnh nhân nam nghèo đợi sẵn để đón nhân. Ảnh: BVCR

“Cứ nhận đã, cứ khỏe đã, mọi chi phí sẽ tính sau” - lời động viên này như xóa đi lo lắng, băn khoăn, mặc cảm của bệnh nhân nghèo.

Như một bộ phim điện ảnh gay cấn, quả tim chỉ có thể “sống” được trong vòng 6 giờ từ khi gắp từ lồng ngực của người đàn ông 45 tuổi ở tận Hà Nội.

Phương án đưa bệnh nhân nam 29 tuổi này ra Hà Nội tiếp nhận quả tim với chi phí đi lại, ăn ở, phẫu thuật, hậu phẫu kèm theo… rõ ràng là quá sức.

Thế nên, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định chuyển quả tim được hiến từ Hà Nội này vào TP.HCM.

Nhiều y bác sĩ Nam Bắc đã cùng nhau tính toán từng phút để làm sao quả tim rời Bệnh viện 108 về tới Chợ Rẫy không bị trễ.

Ngay khi quả tim vừa được đưa ra khỏi lồng ngực của người hiến tại Bệnh viện 108, những bác sĩ túc trực sẵn đã mang thẳng quả tim ra sân bay Nội Bài.

Chuyến bay rời khỏi cảng hàng không Nội Bài lúc 14h này đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 16h kém.

Hai xe đặc chủng của cảnh sát giao thông TP.HCM đã đợi sẵn, dẫn đường cho xe cứu thương chở theo quả tim quý giá này về tới Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ chưa đầy 15 phút.

Những bác sĩ “canh” quả tim thi thoảng lại bơm dung dịch để “làm tươi”, không để quả tim bị hỏng.

Xe cấp cứu vừa dừng, hộp đựng tim đã được đưa thẳng vào phòng ghép.

img

Các y, bác sĩ đang tiến hành ghép tim cho bệnh nhân nghèo 29 tuổi. Ảnh: BV

Đêm ngày hôm đó, quả tim của người đàn ông từ Thủ đô Hà Nội đã đập những nhịp đầu tiên trong lồng ngực chàng trai nghèo Tiền Giang 29 tuổi.

Cũng thời điểm ấy, tin báo từ Hà Nội cho hay có thêm một quả thận được hiến cũng dành cho bệnh nhân của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Một nhóm bác sĩ khác lại nhanh chóng cùng thiết bị lên đường ra Hà Nội để nhận quả thận.

Bệnh nhân tiếp nhận thận lần này là cô gái 25 tuổi, quê tận Ninh Thuận, suy thận giai đoạn cuối.

Rõ ràng, hơn 1.700km, nếu các cán bộ, bác sĩ của ngành y, hàng không, công an không vì một mục đích duy nhất “cứu sống bằng bệnh nhân bằng mọi giá” thì có lẽ hành trình chạy đua với thời gian, giành giật sự sống cho bệnh nhân đã không có kết quả.

img

Bệnh nhân nam 29 tuổi đã khỏe và chờ ra viện. Ảnh: VnExpress

Cá nhân tôi - người viết bài từng 2 lần phải phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Cái cảm giác lo sợ khi nằm trên bàn mổ, đột ngột chìm vào giấc ngủ mê mới thấy tính mạng của mình mong manh biết dường nào.

Lời tự nhủ lúc bấy giờ chỉ có thể là “có bác sĩ mà, mình chắc sẽ không sao đâu”.

Cũng có lần, người nhà tôi còn “đặt vấn đề” có chút quà động viên các y, bác sĩ.

“Chúng tôi ngoài là bác sĩ còn là quân nhân, mục đích của chúng tôi là cứu người. Anh nhà khỏe là chúng tôi vui rồi, chớ câu nệ”.

Tôi chỉ kịp nghe loáng thoáng câu nói đó của các y, bác sĩ với người nhà tôi, khóe mắt tôi cay vì xúc động.

Sau phẫu thuật, mở mắt, mới biết mình còn cảm giác sống trong tiếng cười hiền hậu của những y, bác sĩ.

Vậy đấy, có những lúc cận kề sinh - tử, mới thấy, mục đích cao cả nhất của những cán bộ, nhân viên, bác sĩ khi dấn thân theo ngành y nào ngoài “cứu người”.

Và còn quá nhiều những y bác sĩ, những chiến sĩ, những người thực thi công vụ rất tuyệt vời ở quanh ta…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem