Chỉ sau một đêm mưa, bắt đầu từ 2h sáng 9.12, khắp thành phố Đà Nẵng nơi nào cũng thấy cảnh nước dâng với hàng trăm nhà dân bị ngập úng. Nhiều tuyến phố ở trung tâm như Hàm Nghi, Phan Đăng Lưu, Núi Thành, Tống Phước Phổ..., nhiều xe hơi ngập gần tới trần trong nước lớn. Đây là trận ngập lụt nặng nề nhất trong lịch sử hơn 100 năm qua của thành phố ven biển này.
Mưa lớn trong hai ngày 9,10.12 gây ngập chưa từng có, người dân Đà Nẵng di chuyển bằng thuyền trên phố.
Lý giải nguyên nhân Đà Nẵng ngập nặng nề, đại diện Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết do lượng mưa quá lớn, lại kéo dài, nên dù các cửa xả đã hoạt động hết công suất cũng không thể xử lý kịp.
Trong khi đó, ông Mai Mã - Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng - thừa nhận hệ thống thoát nước hiện nay chỉ có thể đáp ứng lượng mưa tầm 100mm, nên với trận mưa lớn hiếm có như vừa xảy ra thì không thể thu gom, thoát nước kịp.
Báo cáo chuyên đề về đô thị của Ban đô thị HĐND TP. Đà Nẵng mới đây cho rằng công tác quy hoạch đô thị Đà Nẵng thời gian qua được đánh giá là "bài bản". Tuy nhiên, đến thời điểm này nó đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Theo báo cáo giám sát của Ban đô thị, các hệ thống thoát nước được đầu tư xây dựng qua các thời kỳ khác nhau, không hoàn chỉnh đồng bộ, nhiều tuyến cống xuống cấp nên khả năng tiêu thoát nước thấp. Nhiều dự án khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo cùng với việc san lấp ao hồ gây nên tình trạng ngập úng cục bộ.
Một nguyên nhân gây ngập nữa được Sở Xây dựng Đà Nẵng lý giải là “khi đi kiểm tra thực tế tại các cống nước khu vực bị ngập thì đều bị rác, thậm chí có cả mền, mùng bịt kín, khiến nước không thể tiêu thoát được”.
Dẫn chứng khác từ hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương gần 120 tỷ đồng vừa mới đưa vào hoạt động bị ngập nước gây tắc nghẽn giao thông. Theo ông Lê Văn Trung – Giám đốc Sở Giao thông Đà Nẵng, “qua kiểm tra thì đường dẫn nước từ mặt hầm xuống hố thu nước rác chắn nên ứ nước lại, không kích hoạt để máy bơm hoạt động bơm nước ra ngoài được”.
Hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương gần 120 tỷ ngập nước.
Thực tế thì nguyên nhân ngập nước không phải là do thành phố chỉ chịu được lượng mưa 100mm hay là rác. Bởi đây không phải là lần đầu tiên Đà Nẵng có mưa trên 100mm và hơn 100 năm nay không hề có chuyện mưa không thoát nước gây ngập, cũng không phải bây giờ Đà Nẵng mới ngập rác.
Theo KTS Hồ Duy Diệm, vấn đề nằm ở chỗ quy hoạch của Đà Nẵng có nhiều sai lầm. Thứ nhất, vùng chứa nước tự nhiên của TP. Đà Nẵng ở phía bắc không còn. Trước đây, vùng này là vùng đồng ruộng, thấp hơn so với độ cao của TP. Đà Nẵng và là nơi chứa nước khi mưa lớn. Nay quy hoạch, toàn bộ khu vực này được đắp cao hơn mặt bằng của thành phố để làm khu đô thị.
Thêm nữa, bên trong TP. Đà Nẵng hiện cũng không còn hồ chứa nước, không còn công viên, mảnh vườn mà thay vào đó là bê tông hóa, nước đổ xuống nền bê tông không ngấm xuống đất…
Tương tự, kiến trúc sư Bùi Huy Trí - Trưởng Phòng quản lý quy hoạch và phát triển đô thị (Sở Xây dựng Đà Nẵng), cho rằng xảy ra tình trạng ngập úng như hiện nay có nguyên nhân do không gian thoát nước ở các hồ điều tiết, vùng đệm thoát nước bị mất vì bị san lấp bởi quá trình phát triển đô thị.
Nhiều đồ án được điều chỉnh quy hoạch khiến hiện nay chỉ còn 30 hồ trong khi trước đây có 42 hồ nằm rải rác ở 7 quận, huyện với tổng diện tích nước mặt khoảng 1,8 triệu m2, dung tích chứa tối đa khoảng 3,3 triệu m3.
Hàng loạt xe ô tô ngập tới nóc trong các hầm để xe.
Rác đô thị gây tắc nghẽn cống rãnh là câu chuyện của ý thức người dân. Và cũng không khó giải quyết về trước mắt (khơi thông cống rãnh, đào dẫn dòng… như Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo trong ngày 9.12 để có thể tạm thời dẫn thoát nước và làm cho thành phố hết ngập) cũng như lâu dài.
Nhưng “rác” trong quy hoạch chung về hạ tầng của thành phố mới là chuyện lớn của Đà Nẵng. Và trận ngập úng lịch sử này là một “cú giật bắn mình”, đồng thời phơi bày tất cả những bất cập về quy hoạch, quản lý mà thành phố phải đối mặt trong thời gian tới.
Theo KTS Hồ Duy Diệm, để không còn lặp lại những trận ngập úng lịch sử và nghịch lý như vừa qua, không còn cách nào khác, thành phố phải tìm khu đất trũng để biến thành hồ chứa nước thay cho các khu vực vùng trũng trước kia đã thành khu đô thị…
Với một thành phố ven biển – “thành phố đáng sống” như Đà Nẵng, việc thừa nhận hệ thống thoát nước hiện nay chỉ có thể đáp ứng lượng mưa khoảng 100mm cũng như rác thải là một trong những nguyên nhân gây ngập úng là điều không thể nào chấp nhận được.
Rác đô thị thì cần sự thay đổi về ý thức người dân. Nhưng “rác” trong quy hoạch sai lầm thì cần sự dũng cảm nhìn nhận cũng như quyết tâm sửa sai từ hệ thống chính quyền…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.