Không có gì ngạc nhiên nếu biết rằng Việt Nam là nước có tỷ lệ vay nợ tiêu dùng (bao gồm cả vay mua bất động sản cá nhân) so với tổng GDP thuộc hàng thấp nhất trong khu vực. Tỷ lệ này ở Việt Nam hiện chưa đến 10%. Cho đến cuối năm 2015, trung bình mỗi người dân nước ta chỉ nợ chưa đến 200 USD. Một con số cực nhỏ, nếu biết rằng ở các nước trong khu vực, như Singapore, số tiền vay tiêu dùng của người dân chiếm đến trên dưới 60% GDP. Tại Malaysia và Thái Lan, con số này có lúc lên tới 80% GDP.
Nói chung, so với những quốc gia có kinh tế khấm khá trong khu vực, dân Việt Nam hoàn toàn không thích vay nợ để chi tiêu.
Đó có thể coi là một văn hóa. Nhưng nếu nhìn vào sự tương phản với các nền kinh tế lớn khác, người ta có quyền đặt ra câu hỏi: Tại sao?
Tại sao nước họ giàu hơn mà dân họ lại vay nợ nhiều?
Tại sao người Việt Nam sẵn sàng chấp nhận việc đến 50 tuổi mới có một căn nhà hay chiếc xe tử tế còn hơn là đi vay?
Nhu cầu vay tiêu dùng ở quốc gia nào cũng có. Ảnh minh họa.
Nếu đặt tiền đề là nhu cầu hưởng thụ của con người giống nhau, ai cũng muốn có một căn nhà đẹp, một chiếc TV tốt, thì câu trả lời có thể rất đơn giản: khi người ta đi vay tức là họ tin vào khả năng trả nợ của mình. Họ tin vào sự ổn định về dòng tiền trong tương lai. Còn khi người ta không dám đi vay, thì ngoài tập quán, có thể nói họ không tự tin vào các triển vọng tương lai.
Người dân Singapore tất nhiên có quyền đi vay và các ngân hàng Singapore tất nhiên có quyền vung tiền ra cho vay. Họ có một quốc gia ổn định. Nếu bạn đã từng đi vay tiêu dùng ở Việt Nam thì bạn sẽ nhận ra rằng các ngân hàng cũng chẳng mấy tin tưởng vào khả năng trả nợ của những thị dân trung lưu nước ta: không có tài sản thế chấp, bạn sẽ được vay rất ít.
Khi mà chúng ta có tỷ lệ vay nợ tiêu dùng cực thấp so với quy mô nền kinh tế, thì phải đặt câu hỏi là điều gì đã khiến ta ngại đi vay và cho vay đến thế?
Bạn sẽ có câu trả lời của riêng mình. Nhưng hãy thử nêu một giả thiết: Có phải bởi cái khả năng “thất cơ lỡ vận” của người Việt cao hơn người... thường? Hàng ngày, chúng ta đối mặt với rất nhiều rủi ro - những thứ tạo ra văn hóa tích lũy lần giở ruột tượng moi ra mấy cây vàng rất quen thuộc.
Rủi ro ấy có thể đến từ tỷ lệ người chết vì tai nạn giao thông thuộc hàng cao nhất khu vực. Rủi ro ấy đến từ một môi trường kinh doanh bất minh mà cứ làm ra 1 đồng thì phải mất 0,72 đồng cho “phí tham nhũng” - theo một khảo sát mới đây. Rủi ro ấy có thể đến từ việc thu nhập của viên chức nhà nước vốn phần nhiều là “thu nhập mềm” chứ lương thì vốn không đáng kể.
Rủi ro ấy, tất nhiên cũng có thể đến từ một nền tư pháp thỉnh thoảng lại bắt một nghi can ký vào biên bản nhận cái tội họ đã không làm, hoặc thường xuyên hình sự hóa quan hệ dân sự.
Còn nhiều nữa nếu liệt kê. Nếu nhìn vào những rủi ro mang tính hệ thống mà người Việt Nam phải đối mặt, bất kỳ ai cũng sẽ rút ra kết luận là họ không nên vay tiêu dùng.
Mấy ngày nay, người ta đang nói nhiều đến những người “tham vặt”. Ta thấy những người trông sạch sẽ và tử tế lao vào nhặt nhạnh vài món hàng lậu, trước khi chúng được đem tiêu hủy. Ta nghe chuyện vài anh bảo vệ của một đêm nhạc dấm dúi dắt người vào xem với giá 30.000 đồng/lần, rồi khi bị bắt gặp thì... dọa đánh ban tổ chức. Rồi đâu đó, vẫn là chuyện những cán bộ bớt xén những đồng tiền cứu trợ của ngư dân miền Trung sau đợt cá chết để “làm hội trường thôn”.
Hình như những kiểu chộp giật tủn mủn rất đỗi quen thuộc ấy cũng bởi vì người ta không tin tưởng vào tương lai. Họ nhặt nhạnh những gì ngay trước mắt, cố tích lũy trong ngắn hạn, chứ không quan niệm rằng nếu chăm chỉ hạt bột thì sẽ có một tương lai tốt đẹp trong dài lâu.
Sau mỗi câu chuyện, tất nhiên, ta có thể đánh giá hành vi và nhân cách của từng cá nhân. Nhưng ta cũng có thể nhìn thấy cả một bức tranh lớn. Không tin vào tương lai, liệu có thể là một đặc tính cấp quốc gia?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.