Đâu phải đến lúc nước nhiễm dầu mới xây dựng nhận thức môi trường

Nguyễn Văn Thọ Thứ ba, ngày 15/10/2019 12:31 PM (GMT+7)
Vụ nước sông Đà bị nhiễm dầu do ai đó đổ dầu vào con suối trên Hòa Bình là điển hình cho sự vô lương tâm, vô trách nhiệm...
Bình luận 0

Năm tôi ở Đức, thay dầu ô tô trong vườn, bị lão hàng xóm già nhắc nhở rằng làm như thế là vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Nếu lão báo cảnh sát tôi sẽ bị phạt rất nặng. Tôi cãi rằng, tôi thay dầu có khay đựng. Ông già Đức nằm rạp xuống sàn xe, chỉ cho tôi những giọt dầu cuối cùng do quy luật thẩm thấu, rỉ ra dưới cái đinh đáy két dầu đang hồn nhiên rơi xuống đất vườn nơi tôi và lão già sống.

Người Đức rất sợ đất ô nhiễm hóa chất. Người hàng xóm giải thích cho tôi rằng, hóa chất ở dầu, kim loại sẽ theo dầu ngấm vào đất, vào nước mưa, rồi leo lên cây, lên hoa, vào quả, vào rau... mang  mầm bệnh ung thư cho con cháu tôi và ông ta.

Vậy nên ở Đức quy định khi thay dầu ô tô,mọi lái xe bắt buộc phải vào cửa hàng có xưởng được trang bị hệ thống lọc nước thải bảo vệ môi trường. Dầu là loại vật liệu lỏng dễ thấm thấu nhất.Người ta phạt cũng rất nặng những tay Việt Nam láu cá vứt ắc quy ô tô cũ vào rừng. Vì trong ắc quy có chì - thứ kim loại ác độc nhất gây ung thư cho con người.

img

Sau 4 ngày người dân phát hiện nước sạch có mùi lạ, đơn vị cung cấp nước hay cơ quan quản lý nhà nước vẫn không có khuyến cáo về chất lượng “nước sạch”.

Vụ nước sông Đà bị nhiễm dầu do ai đó đổ dầu vào con suối trên Hòa Bình là điển hình cho sự vô lương tâm, vô trách nhiệm, ngu dốt, phải bị truy tìm, xử lý thật nghiêm minh, thậm chí phải bị truy tố.

Kẻ đổ dầu ra suối đã gây tổn hại môi trường lâu dài, không chỉ cho nguồn nước mà còn cho đất đai. Công ty cung cấp nước cho Hà Nội, theo tôi cũng cần phải bị xử lí trách nhiệm khi phát hiện chậm nguồn nước đã ô nhiễm cung cấp cho hàng triệu người, lại bưng bít, giấu giếm thông tin gây ảnh hưởng không nhỏ tới dư luận. Tôi cho rằng đây là một vụ án môi trường, bởi tính chất quy mô của nó, gây tác hại không nhỏ cho sức khỏe của nhân dân.

Nhưng vấn đề tôi đề cập không dừng lại ở đó. Đấy là nhãn quan toàn xã hội từ nhà quản lí tới dân chúng coi thường sự ô nhiễm xăng dầu hiện nay. Như tôi kể trên, nước Đức có luật cụ thể ngăn cấm từng giọt dầu gây ô nhiễm. Họ nhìn xa trông rộng để ngăn chặn một vài giọt dầu ở một ô tô mà ngăn chặn hàng tấn dầu cặn từ hàng vạn cái ô tô nếu không ra luật. Sự ấy, khi sợ hãi vài giọt dầu dính ở con ốc đáy két dầu ô tô, là cái nhìn tinh tế, xa và rộng biến thành luật lệ đầy tính thực tế.

img

Từ ngày 9/10, người dân đã phát hiện ra vết dầu loang ở con suối Khại (xã Phú Minh, Kỳ Sơn, Hòa Bình).

Nhưng ở Việt Nam, hàng vạn nơi cung cấp xăng dầu không có vành đai ngăn chặn xăng dầu rớt. Hầu hết các trạm bán xăng dầuđể các giọt xăng rớt rơi tự do xuốngnền xi măng nơi bán xăng, nhất là các trạm bán xăng nhỏ lẻ lẫn trong các khu phố Hà Nội hôm nay. Mưa móc tha hồ rửa sạch những giọt xăng ấy và tự do trôi ra cống rãnh.

Cũng như thế, Hà Nội và nhiều khu dân cư các cửa hàng rửa xe máy, xe ô tô mọc ra như nấm. Nước rửa xe mang theo vô khối cặn bã xăng, nhất là dầu, tự nhiên trôi ra vỉa hè, ngấm xuống đất, nước. Sự nhiễm bẩn của xăng dầu với đất không chỉ tức thì, nó hủy hoại đất, nguồn nước, gây tật bệnh cho con người, tạo cái chết từ từ hàng trăm năm.

Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, lượng thải xăng và dầu theo con số trạm bán xăng, các cửa hàng rửa ô tô không có hệ thống lọc nước thải phải hàng ngàn tấn bấy nay.

img

Vết dầu chảy xuống suối Khại (Kỳ Sơn, Hòa Bình) sau đó chảy ra hồ và Nhà máy nước sạch sông Đà không kiểm soát tốt, dẫn đến chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy.

Sự kiện nước nhiễm dầu của Công ty nước sạch Sông Đà ai cũng e ngại, sợ hãi, nhưng tôi chắc rằng, từ Thủ tướng tới lãnh đạo các tỉnh và hàng triệu triệu người dân, không ai để ý, sợ hãi lượng xăng dầu thải đang ngấm xuống đất, nước, gây tổn hại hàng trăm năm cho nòi giống của chúng ta. Đây là vấn đề hiểu biết về môi trường qua một sự kiện mà các nhà lập pháp và thi hành luật pháp không ai chú ý. Tưởng nó bé tí như cây kim, nhưng lại đòi hỏi cách quản lý môi trường tinh tế, tỉ mỉ sâu sát hơn nữa.

Viết bài này tôi hy vọng các nhà làm luật nên quy định cụ thể, các nhà quản lí nên để mắt tới các cơ sở kinh doanh nhỏ, như nơi cung cấp xăng dầu, các cửa hàng rửa xe…, xem họ xử lý, đổ nguồn nước thải vào đâu?

Phải nghiêm như các nước có kinh nghiệm như Đức. Bảo vệ môi trường từ ý thức và sự quan trắc tỉ mỉ thì công tác bảo vệ môi trường mới thực sự có tác dụng thiết thực, tránh cái hại lâu dài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem