Dạy kỹ năng sống cho trẻ vừa thiếu vừa ngô nghê

Quốc Phong  Thứ ba, ngày 13/08/2019 16:00 PM (GMT+7)
Chỉ trong tuần đầu tiên bước vào năm học mới, cho dù cả nước chưa làm lễ khai giảng chính thức, thế nhưng đã có những sự cố quá thương tâm xảy ra với trẻ nhỏ.
Bình luận 0

Những lỗi này sai ở đâu? Bé trai lớp 1 trường Gateway chết do ngạt trên xe ô tô hay do gì khác nữa? Việc 3 trẻ nhỏ bị bỏng do cô giáo có kiến thức phòng cháy chữa cháy quá non nớt là vì đâu? Chúng ta hãy chờ ít ngày nữa rồi sẽ tường. Tuy nhiên, một điểm chung đã thấy rõ: Kỹ năng sống mà nhà trường cần hướng dẫn cho trẻ tự phòng vệ đã và đang rất thiếu, nhưng có thứ lại đang dạy dư thừa đến mức ngô nghê rất khó giải thích.  

Câu chuyện đau lòng khi bé trai 6 tuổi ở trường mang danh “quốc tế” Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị bỏ quên trên ôtô rồi tử vong hôm 6/8 có sự tắc trách ở nhiều khâu quản lý của nhà trường, như hợp đồng giao việc cho người đưa đón trẻ, tuy đã học sang ngày thứ 2 mà vẫn chưa được ký kết, cũng chưa được tập huấn bài bản. Vậy mà trường đã giao việc để rồi xảy ra chuyện vô cùng thương tâm. 

img

Trường quốc tế Gateway.

Báo chí cũng tìm hiểu, lục lọi trên báo mạng nước ngoài để biết thêm, với mục đích so sánh, nhìn nhận sự cố cho khách quan. Thì ra ngay đến nước Mỹ, theo như báo chí dẫn nguồn, tính từ năm 1998 đến nay trung bình mỗi năm có đến 38 trẻ em bị bỏ quên rồi bị chết ngạt trên xe ô tô. Đặc biệt, rất nhiều trường hợp lại do chính cha mẹ để quên con mà không biết. 

Điều này liệu có thể nói rằng trẻ em ở các nước cũng không được trang bị kỹ năng mềm khi ứng xử với sự cố tương tự?

Tôi không nghĩ như thế . 

Có lẽ, rất nhiều đứa trẻ còn quá nhỏ tuổi nên chưa được trang bị kỹ năng, chứ nếu đã 5-7 tuổi trở lên thì chúng luôn được dạy về ý thức tự lập cực sớm. Hơn nữa, tỷ lệ trẻ em Mỹ bị ngạt trên xe do quên nhiều đến vậy, theo tôi là bởi hầu như nhà nào ở Mỹ cũng có xe riêng và dân số Mỹ cũng đông hơn chúng ta vài lần. 

Còn Việt Nam mình, trẻ đến trường bằng xe ô tô (của gia đình, của nhà trường được thuê đón rước) đâu có nhiều như họ. Trẻ em của chúng ta cũng có mấy em được theo học các trường có gắn mác “quốc tế” như lâu nay đang bị lạm dụng quá đà mà thiếu sự kiểm tra, giám sát của ngành giáo dục các cấp. 

Con số bị nạn trên xe như cháu trai trường Gateway là rất hy hữu. Ta cần hiểu như vậy thì mới khách quan, không nên so sánh bằng con số cụ thể giữa Việt Nam với nước khác.

Giá như ngay từ ngày đầu các cháu nhỏ lên xe đến trường, người giám sát được trang bị đầy đủ kiến thức cùng trách nhiệm cao thì đâu đến nỗi như vậy! Giá như ngay từ ngày đầu các cháu đến trường, chúng được hướng dẫn nếu như xảy ra tình huống bị bỏ quên trên xe thì phải làm những gì để báo động, để thoát ra... thì chưa chắc đã xảy ra sự việc thương tâm!

Chúng cần cái tối thiểu nhất trong các kỹ năng tự vệ cho mình như thế, chứ đâu cần tập huấn phòng cháy chữa cháy của người lớn kiểu như giáo viên trường mầm non tư thục Tuổi thơ, đóng tại địa bàn xã Duy Minh (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Để dạy trẻ kỹ năng phòng chống cháy nổ, các cô giáo đã đổ cồn vào một chiếc mâm và châm lửa đốt, gió tạt khiến 3 trẻ bị bỏng phải nhập viện. Thật là ngớ ngẩn tới mức không thể nào lý giải nổi. Giáo án dạy trẻ kỹ năng này là của ai giao cho cô giáo nọ? Việc huấn luyện kỹ năng phòng chống cháy nổ cho mọi người dân là cần thiết, nhưng phải ở độ tuổi bao nhiêu trở lên, chứ không thể cho những đứa trẻ 1-5 tuổi.

img

Nhóm lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi thơ (xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam)

Câu chuyện cả chục người lớn bị chết ngạt do hoả hoạn năm nào khi đi hát karaoke (cũng lại ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã cho thấy ngay đến người lớn cũng còn rất lơ mơ về kỹ năng tự vệ khi gặp sự cố.Nghe nói ngày đó, chỉ có một cô tiếp viên của quán thoát nạn do biết cách tháo áo lót nhúng nước để bịt mũi, miệng tránh bị ngạt khói.

Vậy thì những đứa trẻ thơ ở Duy Tiên, Hà Nam kia, nếu có học cũng không thể thực hành nổi. Có chăng, hãy dạy chúng cách la hét, cách ra tín hiệu kêu cứuchứ không thể làm khác hơn!

Từ những bài học phải trả giá đầy đau xót này, mong rằng ngành giáo dục cần ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn nữa để bảo vệ sinh mạng trẻ nhỏ và bớt đi những buổi tập huấn ngô nghê kiểu như ở Hà Nam. Nếu như đây là giáo án của ngành bắt buộc phải làm thì là việc rất tệ hại cần ngăn chặn kịp thời. Người hướng dẫn phòng cháy chữa cháy phải là người có chuyên môn nghiệp vụ. Người học cũng cần phải quy định độ tuổi nhất định, có đủ nhận thức để tiếp thu. Cũng cần phải rà soát các trường có thuê xe đưa đón học sinh đến trường, sớm trang bị cho các em nhỏ có được những kiến thức cần thiết, tối thiểu để bảo vệ mình khi gặp sự cố như trường Gateway. 

Trách nhiệm để xảy ra những hậu quả này cần phải quy rõ ràng cho những người điều hành. Luật pháp chúng ta không nên nương nhẹ, bởi con người là vốn quý, không gì có thể mua được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem