Vừa qua, khi làm việc với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng về việc Bộ VHTTDL phải theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về quản lý lễ hội, trước những hiện tượng phản cảm, thương mại hóa thì cơ quan quản lý nhà nước phải có chính kiến, ý kiến chính thức, nêu rõ là như vậy đúng hay sai, được hay không được.
“Tôi nhắc lại lần thứ ba, Thủ tướng nói rõ, nếu Bộ trưởng ngại thì báo cáo để Thủ tướng lên tiếng chỉ đạo các địa phương” - Tổ trưởng Tổ công tác nói.
Nhớ lại nhiệm kỳ Quốc hội khoá trước (Khoá 13), tại phiên chất vấn hồi tháng 11.2015, người tiền nhiệm của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bây giờ là ông Hoàng Tuấn Anh đã khiến cho cả Hội trường Quốc hội được một phen cười nghiêng ngả vì câu trả lời “vô tư” đến lạ (!). Đặt câu hỏi nguyên Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh, đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) đem du lịch Việt Nam so sánh với Lào, Campuchia. Nữ đại biểu chất vấn Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: “Tôi muốn hỏi Bộ trưởng, đến bao giờ du lịch Việt Nam mới được như nước bạn?”.
Tuy nhiên, ông Hoàng Tuấn Anh đã khiến cả Hội trường Quốc hội ồ lên và kèm theo sự thất vọng khi nghe ông bày tỏ: “Với câu hỏi này, tôi xin phép không dám trả lời, xin để Bộ trưởng nhiệm kỳ sau”. Một lần nữa, Bộ trưởng Tuấn Anh lại “khất” và xin “nhường” lại người kế nhiệm là ông Nguyễn Ngọc Thiện bây giờ.
6 năm trước đây, vào tháng 8.2011, khi mới nhậm chức Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Đinh La Thăng khi đó đã có một phát ngôn ấn tượng: “Là tư lệnh ngành, phải cho tôi toàn quyền như vị tướng ra trận, phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi mới làm được chứ cứ chờ để xin phép thủ trưởng ở nhà có cho “bắn” không thì lỡ cơ hội mất”
Đó là một phát ngôn phản ánh tính cách cá nhân thẳng tuột của một quan chức phụ trách một ngành cực kỳ khó khăn, nhưng cũng nói lên yêu cầu về tính quyết đoán và trách nhiệm cá nhân của một vị trưởng ngành.
Chiếc bánh chưng nặng 2,5 tấn làm từ 1,2 tấn nếp, 300kg đậu xanh, 200kg thịt heo, 300kg lá chuối và 50kg lá dong dâng Giỗ Tổ năm 2016. Ảnh: Dương Thanh
Tôi đã từng nghe về “Sự tích bánh chưng bánh dày” giống như nhiều con dân đất Việt tự ngàn đời nay được nghe. Về Lang Liêu, một chàng hoàng tử nghèo không có khả năng tặng vua cha những của ngon vật lạ. Nhưng bằng tấm chân tình với vua cha, chàng đã sáng tạo ra những thứ bánh bình dị từ những hạt gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và vị muối mặn mòi của quê nhà. Nó là những tình cảm thuần khiết hoàn toàn phi vật chất trong một câu chuyện cổ tích và cũng là truyền thuyết.
Vậy mà, khoảng vài năm nay, một phần cũng chạy theo thói khoa trương, sính đoạt kỷ lục này nọ mà người ta nghĩ ra nhiều kỷ lục rất dị thường. Chiếc bánh chưng, bánh dày dâng cúng Vua Hùng là một ví dụ điển hình như thế!
Thậm chí có năm, nơi nấu chiếc bánh khổng lồ ấy còn đang có nhiều người phải trợ cấp cứu đói. Tôi còn nghe nói, vào những năm cuối của thập kỉ trước, có một cặp bánh chưng, bánh dày khổng lồ, khi kết thúc lễ hội, thì bánh chưng đã bị lên men và có mùi, bánh dày thì mốc meo. Đau xót và cả xấu hổ thay! Đó là việc họ phát hiện ra bên trong lớp bánh toàn là bọt xốp độn. Bị nhắc nhở, nghe đâu một doanh nghiệp khác năm sau cung tiến bánh chưng nhưng lần này là gạo, đỗ, thịt thật và không bị lên án như năm trước đó. Tuy nhiên, tôi vẫn ao ước lần giỗ Tổ tới đây, con cháu về dự lễ không nên chạy theo lối tư duy đầy hình thức và phản cảm này nữa mà phải hướng tới sự thành tâm với tiên tổ bằng cách làm khác. Càng giản đơn, tiết kiệm và thiết thực hơn.
Tôi mong ông Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cần có ý kiến sớm chuyện này với các địa phương, xem như một chỉ đạo với hoạt động lễ hội cần uốn nắn như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở. Nếu không thì lại hơn một lần chậm trễ xử lý chuyện không hay trên. Chính vì mong muốn này, dù chưa cận ngày giỗ Tổ mà hôm nay tôi đã viết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.