Kong: Skull Island hoàn toàn không phải là bộ phim sâu sắc để giành giải hàn lâm Oscar, nó cũng không thể nào trở thành tâm điểm văn hóa của bất cứ vùng đất nào ở Việt Nam.
Về mặt đại chúng, con khỉ đột khổng lồ đó đã có tuổi đời 80 năm, ai thích nó thì xem hơn là luận nó ở mức “thực dân kiểu mới”.
Kong thật ra là sản phẩm của kỹ nghệ màn bạc Hollywood, sức hút của nó là những dự án phim bom tấn qua các thời kỳ được phát hành toàn cầu.
Kong của năm 2017 hình thành nên từ kỹ xảo điện ảnh và cảnh đẹp tự nhiên của Việt Nam, Mỹ, Úc, trong đó cảnh Việt Nam chiếm hơn 80% khung hình bộ phim.
Việt Nam đẹp rực rỡ trong phim Kong: Skull Island
Cảnh đẹp đang tạo hấp lực bán vé lớn ở Việt Nam và thế giới. Mỗi một suất chiếu được tăng thêm sẽ tạo cơ hội cho các điểm đến theo dấu Kong cơ hội tiếp cận nguồn du khách, tạo ra việc làm cho người dân địa phương.
Mỗi tấm vé được bán thêm, nó là cơ hội cho hình ảnh siêu thực của Việt Nam phô diễn trước công chúng.
Tuy nhiên, không ít lời kỳ thị Kong là lông lá, xấu xí, rừng rú. Nhiều ý kiến kỳ thị nó đến mức Kong của phim công chiếu 2017 ám chỉ phân biệt chủng tộc, xem thường Việt Nam lạc hậu, thổ dân không biết nói, nó như một cách ”thực dân kiểu mới”…
Xin hãy xem Kong là biểu tượng màn bạc, và trước khi nghĩ nó xấu thì hãy nhớ nó đang kiếm tiền cho hãng sản xuất, một con khỉ đột có sức hút như thế, thật sự lớn hơn nhiều lần tư duy bó buộc của tự ti, đôi khi tị hiềm.
Về mặt nào đó, Kong đang làm nhiều chuyện, các clip quảng bá đặc biệt về Việt Nam được Waner Bros làm riêng, phát hành toàn cầu thu hút rất nhiều người xem, bên trong những clip ấy, hoàn toàn không có chuyện xem thường Việt Nam hay nói xấu Việt Nam.
Với nền văn hóa lâu đời, không ai xem Kong là biểu tượng văn hóa của các vùng đất có cảnh quay.
Nó là trào lưu trước mắt, và Kong là một ví dụ phối hợp đẹp đẽ cho dòng phim giải trí, không có yếu tố chính trị, cũng như đả phá nền văn hóa bản địa.
Chuyện phim là chuyện trên một hòn đảo Thái Bình Dương nhưng nhiều người cố suy diễn quá xa vấn đề đến mức ám thị và dựng ra cả thuyết âm mưu về Kong.
Một cảnh quay trong Kong: Skull Island
Thực tế, hãy nhìn báo chí thế giới bình luận cảnh Việt Nam từ Quảng Bình, Ninh Bình, Hạ Long lên phim này như thế nào, khán giả ở các phòng vé toàn cầu đã nô nức ra làm sao và họ đang rất muốn đến Việt Nam qua ngã phim Kong mà hàng trăm hãng lữ hành đã bắt đầu bán tour.
Trong nước, các diễn đàn dày đặc lời kêu gọi “xách ba lô lên và đi về với Kong” đang tạo hiệu ứng xê dịch, du lịch.
Người ta cứ ngỡ trào lưu này là văn hóa, hoàn toàn không phải, nó là hiện tượng hâm mộ nhân vật phim ảnh và muốn khám phá những vùng đất đi vào bộ phim. Bởi thật ra mà nói, tình tiết phim, nhân vật trong phim không định hình nhân cách giới trẻ, nó chỉ là hành động của quái vật mà thôi.
Khi đến được những vùng đất đó, hồn cốt bản địa, tình cảm con người, ẩm thực điểm đến mới chính xác là văn hóa của nơi có cảnh quay Kong.
Không hiểu từ khi nào, người ta dựng ra các chi tiết trong phim là để mục đích một ẩn dụ xấu, rất xấu nào đó cho quê hương Việt Nam mà không nghĩ đến tính tích cực của Kong.
Dĩ nhiên không ai tôn sùng Kong như vị thánh, và ai cũng hiểu Kong không thể là biểu tượng văn hóa của bất cứ vùng đất nào, nhưng nó là câu chuyện trên màn bạc có sức hút đối vơi nơi nó có suất diễn. Nó thật sự đang vinh danh những vùng đất được xem là “quê hương của Kong”.
Các cảnh quay ở Ninh Bình, Quảng Ninh là thắng cảnh, di sản thế giới. Cảnh quay ở Quảng Bình không thuộc di tích nào.
Như cảnh quay ở thung lũng Tú Làn, đó là một bãi ngô và hang động trong khu vực, nhưng địa danh này không thuộc di sản Phong Nha-Kẻ Bàng như báo chí nhầm tưởng, còn ở hồ Yên Phú, hay bãi đá Yên Phú (Trung Hóa, Minh Hóa) thực ra là một bãi chăn thả gia súc của người dân, và là nơi họ chôn cất người đã khuất, hồ nước là công trình thủy lợi cung cấp nước tưới nhưng đoàn làm phim đã ứng xử môi trường tốt nhất có thể, họ đào những cái hố tạo dấu chân trâu rừng và quái vật, quay xong là cho trả lại hiện trường như ban đầu.
Ở các điểm quay khác, họ rời đi không một mảnh rác. Khi tác nghiệp hiện trường, nhà vệ sinh công cộng được vận chuyển đến để đảm bảo mọi nhu cầu sinh hoạt được thu gom, không ảnh hưởng môi trường người dân.
Cách ứng xử ấy của đoàn làm phim Kong là bài học, góc nào đó thì con khỉ lông lá ấy được tạo ra từ những bộ óc ý thức môi trường như thế.
Kong đang tạo ra lợi thế tốt cho các điểm quay, riêng ở bãi chăn thả gia súc hồ Yên Phú, một nơi vô danh trước đó, nay hoàn toàn nổi tiếng, và đang thu hút nhiều khách khứa bên ngoài.
Một đơn vị lữ hành địa phương đang chào đón tour đến với phim trường bên bãi tha ma đã trở nên lừng danh trên phim ảnh Hollywood. Cách họ làm rất khác biệt, chọn người dân vào trung tâm, dùng những chiếc xe bò cải tiến đẹp hơn để chở khách từ nhà văn hóa làng vào phim trường.
Người dân đang dần bán những sản phẩm địa phương cho du khách, chưa nhiều nhưng tương lai sẽ nhộn nhịp theo nghiên cứu bài bản của những đơn vị tư vấn lữ hành nước ngoài.
Vậy thì Kong đang làm việc rất lịch sự, dù nó bị ai đó kỳ thị xấu xí, thậm chí bị xem như cái gọi là thực dân mới thì nó vẫn là con khỉ biến được bãi chăn thả, bãi chôn cất người chết thành điểm đến của nhiều người.
Thay vì chỉ trích nó, hãy nhìn cách nó kiếm tiền cho ông chủ của nó trên phòng vé toàn cầu và gián tiếp giúp các vùng quê có phân cảnh trong phim từ vô danh thành siêu thực như thế nào. Dĩ nhiên Kong không phải là chiếc đũa thần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.