Tôi thấy sợ sự kích động, sự a dua, sự thiếu hiểu biết. Tôi lo ngại rồi không chỉ là Bình Dương 2014 sau vụ Hải Dương 981, hay Bình Thuận 2018, mà ở các nơi khác sẽ diễn ra ngay cảnh đó, đập phá, đốt cháy, hành hung, thậm chí cả bắn tỉa.
Tôi ghét việc chia sẻ thông tin theo phong trào, bình luận theo phong trào, viết tút theo phong trào, mà không hiểu bản chất mình đang viết cái gì. Tôi không thích cách đưa tin vô trách nhiệm kiểu giật tít hay trích dẫn khỏi bối cảnh. Cứ viết hay chia sẻ theo cách đấy đi, để kích động không cần thiết, mọi thứ tích tụ lại, và tất cả sẽ lĩnh hậu quả.
Tôi không đồng ý với một bản tin ngắn chính thống nhạt nhẽo, vòng vo, yếu ớt tối ngày mà cả nước diễn ra nhiều cuộc tuần hành, trong khi thực tế đầy cuồng nộ. Sáng hôm sau, đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Quốc hội được chia sẻ rất nhanh trên mạng, khi tôi viết những dòng này, tôi thấy mừng vì đó là một lời kêu gọi hợp tình hợp lý.
Tôi nghĩ, giá báo chí có thể cung cấp những thông tin chính thống nhanh như tốc độ thông tin lan truyền trên mạng về một thực tế xấu xí đang xảy ra.
Luật Biểu tình đã bị nợ quá lâu trong khi lẽ ra cần được ban hành, không chỉ là chế tài cho những gì cần xảy ra phải xảy ra theo đúng luật, mà còn là chế tài để xử lý sự bạo loạn, kích động.
Xe trong trụ sở Sở Kế hoạch Đầu tư Bình Thuận bị các đối tượng quá khích đập phá, đốt cháy đêm 10.6.
Người dân phẫn nộ vì sự bất bình đẳng lan rộng, vì tham nhũng, vì sự thiếu minh bạch. Người dân mất lòng tin khi những kẻ “ăn của dân không từ thứ gì” có thể chạy ra nước ngoài để tránh trừng phạt, và đánh golf.
Nhưng phần lớn chúng ta không thể đi đâu cả. Và vì thế mỗi chúng ta phải tìm cho mình một cuộc sống yên ổn, tử tế. Từ quan đến dân, từ trên xuống dưới. Đừng sống tham nhũng. Tham nhũng không chỉ là nói về một quan chức trong hệ thống. Quan tham nhũng thứ to, dân tham nhũng thứ nhỏ. Là một người dân, hãy đừng tham nhũng thời gian làm việc, đừng cố vượt đèn đỏ khi còn 15 giây nữa. Mỗi người, từ trên xuống dưới, hãy tự mình sống tử tế, không cần chờ người bên cạnh tử tế trước rồi mới đến lượt mình.
Cuộc sống này vẫn chuyển động, vẫn thay đổi, vẫn tiến lên cơ mà, cho dù còn chậm, ở một số mặt nó chậm đến mức đôi khi khiến người ta thất vọng, nhưng rõ ràng nó vẫn thay đổi. Đã có rất nhiều cố gắng và nỗ lực. Chỉ cần so đất nước này với 15 - 20 năm trước.
Sau những gì vừa xảy ra, rất có thể khách du lịch sẽ cân nhắc và ít đi, dù là khách Trung Quốc hay khách Tây Âu.
Có thể ùn tắc ở biên giới – những đoàn xe tải chở dưa hấu, vải thiều, hải sản xếp hàng dài và thiu thối.
Năm nay Bình Thuận xuất khẩu thanh long ra sao, khách nước ngoài ở Phan Thiết có sợ hãi kêu cứu, sau sự kiện vừa rồi?
Sẽ mất thời gian để làm lại từ đầu.
Ngày 10.6, hàng nghìn người dân Bình Thuận đã kéo xuống đường làm tê liệt giao thông.
Thủ tướng vừa phát biểu ở Canada, ông tin sẽ có làn sóng đầu tư mới, Việt Nam mở cửa đón các nhà đầu tư. Giờ, với gây rối, đập phá, ai sẽ tạo sóng? Ai sẽ tạo sóng nếu không phải chính mình!
Mấy năm trước, bà đại sứ Israel nói với tôi, trong một cuộc phỏng vấn: Tôi thấy yên tâm khi đi bộ trên đường phố Hà Nội. Người ta không biết quý sự bình yên cho đến khi người ta không có thứ đó nữa.
Từ khi đó, tôi tin bà ấy nói đúng. Một người từ đất lửa Trung Đông - nơi có các cuộc xung đột và bạo lực, tấn công liên miên và khó khăn lắm mới có sự bình yên, sự bình yên đến giờ vẫn còn mong manh.
Chúng ta đã có quá nhiều chiến tranh, quá nhiều đau thương mất mát. Đừng để sự hy sinh thành vô ích.
Cần một tiếng nói, mạnh mẽ, chân thành, để đoàn kết và thuyết phục. Tranh cãi xung quanh một dự luật là bình thường, Mỹ cũng mất nhiều năm với dự luật an ninh mạng, chẳng hạn thế. Có lẽ cần cả một sự dũng cảm để bỏ những dự luật không hợp lý, rất có thể bị ảnh hưởng bởi lợi ích nhóm, đưa ra những dự luật dài hạn, ổn định, minh bạch, vì lợi ích chung khi ban hành, và được thực thi nghiêm túc.
Cũng cần một sự hiểu biết, thiện chí khi chia sẻ thông tin để đừng tạo ra một hiệu ứng đám đông.
10 năm trước, tôi nói chuyện với một nhà ngoại giao nước ngoài, khi ở Washington D.C. Khi so sánh một vài thứ với Hà Nội, ông ấy nói, thay đổi cần bình tĩnh, mới là cách tốt nhất.
Thật sự, như một người dân bình thường, trong thâm tâm, tôi thấy sợ.
Tôi cầu mong một thành phố yên bình, những làng mạc yên bình, để các con tôi, những người thân của tôi, mọi người sống quanh tôi có thể yên tâm sống, có thể ra đường mà không sợ gạch đá hay bom xăng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.