Hãy chủ động tiết kiệm cho dù là tiền của ai!

Quốc Phong  Thứ bảy, ngày 18/08/2018 07:32 AM (GMT+7)
Lâu nay, chúng ta vẫn quen thuộc với những thông tin vào mỗi dịp có ngày lễ hoặc tết khi xuân về thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ ra các văn bản, chỉ thị nhắc nhở cấp dưới không đi thăm, chúc tết lãnh đạo. Văn bản ra nhiều rồi cũng thành nếp. Ít nhiều, dù chưa thể triệt để, cũng có tác động tích cực nhất định đến xã hội.
Bình luận 0

Bộ Công an vừa ra văn bản thông báo tới mọi cấp, mọi ngành trong cả nước, dịp này sẽ không tổ chức đón tiếp khách, không nhận hoa mang đến các đơn vị của lực lượng Công an nhân dân chúc mừng ngành nhân kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19.8.1945 - 19.8.2018). Theo tôi, vào thời điểm này, nó mang rất nhiều ý nghĩa và hơn cả mọi năm.

Cách đây ít ngày, thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương khoá 12 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, Bộ Công an đã làm một cuộc cách mạng về tổ chức khi tinh gọn lại, bỏ 6 đầu mối cấp tổng cục cùng 60 cục và 300 phòng trong khối cơ quan bộ.

Tôi hiểu đây là một công việc vô cùng khó khăn với ngành khi mà có đến khoảng 40 cán bộ cấp tổng cục và 60 cán bộ cấp cục trưởng, chưa kể cấp cục phó bị "dồn toa" xuống làm lãnh đạo cục, thậm chí có thể không còn chức tương đương nếu độ tuổi đã không còn đủ nhiệm kỳ công tác...

Chuyện đó không tránh được những tâm tư nhất định trong đội ngũ cán bộ. Song, do các cấp lãnh đạo đều hiểu sâu sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng đã ban hành Nghị quyết nên ngành Công an đã cẩn trọng triển khai và đã làm êm ả, tốt đẹp. Vì lẽ đó, việc các cơ quan bạn, nếu có đến chúc mừng nhân ngày truyền thống, âu cũng hợp lý. Nhưng có lẽ, vào thời điểm nói trên, việc ngành ra thông báo không tổ chức đón, tiếp khách đến tặng hoa chúc mừng có lẽ sẽ tự nó mang nhiều tác động tích cực hơn là đến chúc mừng ...

Theo tôi nghĩ, nhân việc làm đáng hoan nghênh của Bộ Công an, nên chăng các ngành, các cấp,các địa phương trong cả nước cũng nên xem xét, tham khảo và học tập. Liệu có nên cứ đến ngày truyền thống của mình lại tổ chức long trọng và đón tiếp khách đến chúc mừng rất rềnh rang, tốn kém cả về vật chất lẫn thời gian cho cả khách lẫn chủ không?

Việc ghi nhớ ngày truyền thống với mỗi ngành, theo tôi cũng có ý nghĩa nhất định của nó, chúng ta không nên xao lãng. Nhưng có thể sẽ bằng nhiều cách làm và phải làm thế nào để không lãng phí ngân sách thì mới là điều đáng bàn. Nếu có tổ chức thì cũng chỉ nên làm trên tinh thần tiết kiệm vào dịp chẵn 5 năm, 10 năm là cùng, chứ không nên tổ chức hàng năm. Dù tiền chi mua hoa hoặc tặng phẩm hoặc gì đi nữa, nếu là tiền của Nhà nước với nhau thì cũng là tiền ngân sách, là tiền dân đóng thuế thì mới có được.

Hiện nay, nếu tính chi ly những khoản lễ lạt này mỗi năm ở các đơn vị nhà nước mà cộng vào, tôi nghĩ sẽ là một khoản ngân sách hết sức lớn chứ không hề nhỏ nếu tính trên cả nước.

Hãy thử hình dung sau mỗi dịp mít tinh kỉ niệm hoặc chúc mừng nhân ngày truyền thống, nhân dịp nhận huân chương..., thì sẽ có bao nhiêu lẵng hoa chỉ sau 1-2 hôm đã trở thành một núi rác, thậm chí  phải thuê người thu gom chở đi, sẽ thấy thật vô cùng lãng phí. Đành rằng, người trồng hoa thì cũng cần có chỗ, có dịp để tiêu thụ sản phẩm.

Song, cũng cần cân nhắc câu chuyện này một cách nghiêm túc để tạo nên một phong cách sống, một nếp sống luôn có ý thức tiết kiệm khi chi từ ngân sách. Chúng ta không nên màu mè, hình thức, phô trương sáo cũ. Một quốc gia nghèo và nợ công còn cao như đất nước ta (năm nay dự báo mỗi người Việt sẽ gánh 35 triệu đồng nợ công, cao hơn 4 triệu so với năm 2017), thì có lẽ chuyện nhỏ này sẽ rất không nhỏ và cần suy nghĩ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem