Dung, một người quen của tôi, sống trong tòa nhà chung cư cách Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông chừng 1km, vẫn đang vô cùng lo lắng bất an sau vụ cháy lớn tuần trước. Thấy bất kỳ thông tin nào trên báo, trên mạng xã hội về vụ cháy là chị hồi hộp mở ra đọc ngay lập tức, nhưng điều đó chỉ làm chị thêm rối bời. Rạng Đông giờ không phải là cái tên tượng trưng cho những hy vọng về sự tốt lành của một ngày mới, mà là sự bất an, thậm chí là sợ hãi.
Hiện trường vụ cháy xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.
Nào là thảm họa Chernobyl, thảm họa nhiễm độc Minamata ở Hà Nội - những so sánh liên tưởng đến các sự cố công nghiệp khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện đại ở nước ngoài, cùng những hậu quả lâu dài của chúng đã được chia sẻ rần rần trên mạng xã hội. Bỏ đi những thông tin mang tính suy diễn hay các loại thuyết âm mưu, thì trên mạng cũng xuất hiện ồ ạt bài viết, ý kiến của những chuyên gia khác nhau trong và ngoài nước, chuyên gia môi trường, chuyên gia hóa học, chuyên gia y tế... nói về vụ cháy. Người trấn an không phải quá lo lắng sau sự cố vì những trận mưa vàng, nhưng lại có những người bảo thậm chí dân cả Hà Nội liệu mà đi sơ tán trong 10 - 20 ngày. Toàn thạc sĩ, tiến sĩ lên tiếng, lại thạc sĩ ở tây, biết ai đúng ai sai?
Thông tin trên mạng đã vậy. Thông tin chính thức cũng tiền hậu bất nhất. Ủy ban nhân dân phường sở tại được hoan nghênh khi rất nhanh chóng đưa ra khuyến cáo an toàn cho người dân trong bán kính 1km quanh khu vực nhà máy. Nhưng chỉ 1 ngày sau, khuyến cáo bị rút lại bởi quận Thanh Xuân vì "không đúng thẩm quyền", và quận Thanh Xuân cho biết "test nhanh cho thấy mọi chỉ số quanh khu vực là an toàn".
Người dân chưa kịp thở phào, thì sáng hôm sau là văn bản của Bộ Tài nguyên Môi trường lại đưa ra những khuyến cáo tương tự như của phường, cho rằng người dân không nên dùng nước, thức ăn, rau trồng trong bán kính 1,5km cho đến khi có kết luận cuối cùng. Và kết luận cuối cùng là vài ngày nữa. Nhiều người bảo may mà có kỳ nghỉ lễ để họ đi khỏi Hà Nội.
Kho bị cháy là một kho đã cũ, chứa bóng đèn và nhiều thứ, đã bị lửa thiêu rụi..
"Em biết tin vào ai bây giờ?" - Dung thốt lên đầy lo lắng. Những lúc cần có tiếng nói và hành động thật sớm, thật thống nhất của các cơ quan có chức năng, thì lại có một sự rối loạn không hề nhẹ.
Tại sao văn bản của phường lại bị quận thu hồi? Liệu có bao giờ lợi ích cộng đồng bị bỏ lại đằng sau lợi ích của một vài cá nhân nào đó trong khu vực có liên quan? Một nhà máy công nghiệp lớn sử dụng nhiều hóa chất độc hại đóng trên địa bàn, liệu những quy định về đảm bảo an toàn cho công nhân và cư dân xung quanh, về phòng chống cháy nổ... có được thực hiện nghiêm túc? Ngoài trách nhiệm của nhà máy thì chính quyền sở tại và các cơ quan liên quan có trả lời chắc chắn được những câu hỏi đó?
Mức độ nguy hại của vụ cháy thực sự đến đâu? 1km, 1,5km hay là bằng những tin đồn? Những lúc xảy ra sự cố thế này là lúc phải minh bạch thông tin hơn bao giờ hết, bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân, công nhân nhà máy, lính cứu hỏa... Đây không phải lúc sợ hãi, đổ trách nhiệm, trốn tránh trách nhiệm. Đừng để một đồn mười, mười đồn trăm, đừng để những chia sẻ phi lý lan như nấm sau mưa trên mạng, gieo rắc sự sợ hãi, hoang mang trong người dân. Đừng hỏi tại sao người dân cứ mất đi lòng tin khi mà mỗi lúc có sự cố thế này, thông tin chính thống chậm trễ hơn những thông tin trên mạng, tin bịa đặt, thổi phồng.
Những chiếc máy lấy mẫu lưu lượng khí được các cơ quan chuyên môn đặt xung quanh khu vực xảy ra hỏa hoạn.
Trong lúc chưa có những kết quả chính xác nhất có lẽ đừng vội thông báo là môi trường đã an toàn, bởi rõ ràng với một sự cố công nghiệp như thế, không thể đánh giá kết quả trong một thời gian quá ngắn, và những biện pháp đề phòng là cần thiết.
Những cơ quan có trách nhiệm cao nhất cũng có thể lên tiếng nhanh hơn, đừng để đính chính chồng đính chính như đã xảy ra. Ở nhiều nước, mỗi khi có sự cố, thông báo chính thức của chính quyền thường được lan truyền rất nhanh đến người dân qua hệ thống tin nhắn, thư điện tử. Ít nhất lần này phường đã làm đúng với những hướng dẫn rất cụ thể, chỉ tiếc sau đó là hàng loạt sự cố trong hành động xử lý khủng hoảng của các cấp tiếp theo.
Nhiều người dân mặc dù rất lo sợ nhưng vẫn phải ăn các thực phẩm bán tại khu vực do không có điều kiện đi xa để mua.
Trong lúc đó thì người dân ở khu lân cận vẫn cứ tiếp tục phải sống chung với hậu quả vụ cháy. Những gia đình gần nhà máy nhất, ai có điều kiện sơ tán thì sơ tán, còn lại đa số vẫn họp chợ, vẫn sinh sống, vẫn bán hàng ăn, hàng rau hoa quả thịt thà bình thường. Loa phường thông báo rồi, văn bản gửi tổ dân phố rồi, nhưng người ta cũng chẳng thể tạm dừng kiếm sống. Còn những người bán hàng từ xa đến đây họp chợ nữa, có ai thực sự nói cho họ đây là vùng nguy hiểm, rằng họ có thể hít phải thủy ngân hay lưu huỳnh hay những hóa chất độc hại khác?
Ở khu chung cư của Dung không thấy thông báo chính thức của ban quản trị hay tổ dân phố, mà trong nhóm của chung cư trên Facebook cư dân tự đăng những thông báo của phường, của quận, của Bộ cùng vô số các thông tin lấy từ đủ nguồn khác nhau trên mạng xã hội. Dung đọc tất cả, và điều duy nhất chị có thể làm là đóng kín cửa sổ suốt vài ngày nay, hạn chế cả gia đình ra ngoài, may mà đúng dịp nghỉ lễ, và nếu phải ra thì bắt các con đeo khẩu trang kín mít – loại khẩu trang chống độc của Nhật Bản mà chị tự đặt mua trên mạng. Trong lúc chưa biết nên tin ai thì Dung và những người trong khu chung cư của chị tự đề phòng các nguy cơ cho mình trước. Và trông mong vào những cơn mưa vàng có thể rửa trôi bớt thủy ngân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.