Hơn 3.000 cán bộ khoa học có 1 công trình quốc tế: Xúc động hay thất vọng?

Nguyễn Quang Vinh Thứ hai, ngày 30/12/2019 11:16 AM (GMT+7)
Thông tin 3.000 cán bộ khoa học của Thanh Hóa năm 2019 chỉ có 1 công trình khoa học công bố quốc tế khiến dư luận xôn xao, đa phần nghiêng về phe… thất vọng, số còn lại nghiêng về phe xúc động, tức chia sẻ với khó khăn của các nhà khoa học.
Bình luận 0

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 3.116 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (quy đổi là 1.229 cán bộ nghiên cứu toàn thời gian tương đương), hàng trăm tỷ đồng được chi cho sự nghiệp khoa học. Tuy nhiên, năm 2019 chỉ có 19 công trình khoa học công bố trong nước và có 1 công trình khoa học (bài viết hội thảo) công bố quốc tế.

Dư luận xôn xao về thông tin này, đa phần nghiêng về phe… thất vọng, số còn lại nghiêng về phe xúc động, tức chia sẻ với khó khăn của các nhà khoa học.

Tôi thì vui, bởi vì có lẽ lần đầu tiên có một địa phương mạnh dạn công khai một kết quả không mấy vui, không mấy tốt đẹp ở địa phương mình.

Cứ thế suy ra, nhiều tỉnh, địa phương khác có thể cũng chi mỗi năm một số tiền khổng lồ cho một lĩnh vực vinh quang và không ai lại không mong muốn… chi, đó là khoa học công nghệ. Cả nước, e rằng mỗi năm có thể cũng phải tới hàng ngàn tỉ, và chắc rằng tình hình cũng như Thanh Hoá, việc công bố công trình khoa học cả nước cũng không có gì khả quan hơn.

img

Thanh Hóa hiện có hơn 3.000 cán bộ nghiên cứu khoa học, nhưng một năm chỉ có 20 công trình nghiên cứu được công bố.

Khoan bàn đến việc tiền nong đầu tư, hãy nhìn lại đội ngũ cán bộ khoa học nước nhà. Tôi ngờ ngợ đang có việc lạm dụng và dễ dãi khi sử dụng danh xưng “nhà khoa học”, “công trình khoa học”, “nghiên cứu khoa học”. Có vẻ như danh xưng “khoa học” đang trở thành hoặc là sức ép với chính quyền về đầu tư, hoặc là vỏ bọc để dán nhãn mác lên một bộ phận đội ngũ được đào tạo chắp vá, được sử dụng văn bằng dễ dãi, được gọi tên ầm ĩ là giáo sư, tiến sĩ một cách thiếu chừng mực. Cuối cùng xã hội phải ôm lấy một đội ngũ không ít những nhà gọi là khoa học vừa kém về trình độ, non nớt về bản lĩnh nghiên cứu, a dua về phong trào bằng cấp, màu mè về đề tài và tinh ranh trong xào nấu kiến thức, giỏi giang trong chạy chọt, liến láu trong việc lấy bằng cấp… Tất cả làm nên một bức tranh đáng báo động về chất lượng đội ngũ “khoa học”, làm nản lòng những nhà khoa học chân chính, tài năng.

Một khi người ta dám công bố chỉ tiêu đào tạo hàng chục ngàn tiến sĩ trong một khoảng thời gian ngắn, bất cần thực tiễn, bất cần trình độ, miễn là đủ tiêu chuẩn đào tạo, thì đúng là sau đó, hàng chục ngàn tiến sĩ xuất hiện, mỗi tiến sĩ là một luận án khoa học, và hàng chục ngàn luận án khoa học ấy nằm im thít trong vỏ bằng cấp, xa vời thực tế, lạc hậu, cũ mòn và chả để làm gì để thúc đẩy cuộc sống… Nhưng vấn đề là số lượng báo cáo, vấn đề là thành tích, cán bộ khoa học xuất hiện vì thành tích, cho thành tích thì bất thành hiệu quả khoa học cũng dễ hiểu.

Một khi ngân quỹ dành cho nghiên cứu khoa học được chia đều, kiểu như suất nghiên cứu, ai cũng có suất, nhưng người cần được đầu tư để mang lý thuyết ra sản xuất, áp dụng vào thực tiễn thì không được. Vì thế, từng đống đề án, công trình được cho là khoa học vẫn phải nằm trên giấy. Và thực tế đang diễn ra, là người phụ trách các viện, cơ quan có các nhà khoa học bỗng trở thành người phân bổ ngân quỹ, bỗng trở nên ông này, bà kia, để ai đó muốn làm nghiên cứu khoa học thì phải hiểu cả cách “nghiên cứu” quan hệ, “nghiên cứu” chạy chọt, “nghiên cứu” hoa hồng kinh phí…, thì còn lâu mới thực sự có công trình khoa học đúng nghĩa.

Thường, tâm lý các nhà khoa học, hay chính xác là tâm lý cấp trên của các nhà khoa học, muốn tiếp cận những đề tài to tát, vĩ mô, có tính quốc gia, chỉ tập trung vào việc bảo vệ sao cho dễ xin kinh phí. Vì thế, có vẻ như nhu cầu hiện thực của cuộc sống, những cái máy gieo hạt, công cụ bóc vỏ hạt, những máy móc phục vụ thiết thân cho bà con nông dân, không biết có phải không xứng đáng với danh xưng “khoa học” , nên nhiều năm rồi các nhà khoa học đã bỏ quên hoặc cố ý lãng quên, dành phần sáng tạo, chế tạo, sáng chế cho các nhà khoa học chân đất, trong khi chính những sản phẩm này xã hội, cuộc sống lại vô cùng cần thiết.

Cách đào tạo, cách nhìn, cách tổ chức nghiên cứu, cách đầu tư kinh phí và cả việc thành tích hoá khoa học… đã làm nên những kết quả như vậy, những kết quả buồn.

Chả có gì ngạc nhiên, trong một môi trường như thế, một môi trường ủ mầm cho cơ hội và danh hão phát triển, một môi trường chạy đua thành tích mà rỗng tuếch về chất lượng, một môi trường đang biến các nhà khoa học chân chính lùi lại nhường đường cho các nhà bằng cấp dởm nhưng chức vụ cao dẫn dắt, thì hậu quả mỗi ngày nhãn tiền nhìn thấy những trớ trêu.

Có lẽ việc cần làm đầu tiên, nếu thấy cần phải thế, vì tính cấp bách của nó, là cần một lần sàng lọc lại bằng cấp khoa học để có một đội ngũ khoa học thực sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem