Mới đây, tại một gameshow được quay có sự góp mặt của nghệ sĩ Trung Dân, Hương Giang Idol và nhiều đồng nghiệp khác nữa, trong một phần thi, khi MC Đại Nghĩa đặt một câu hỏi cho người chơi: “Cát Tường hay than phiền anh Trung Dân thích tìm tòi khám phá máy móc, xem xem nó hoạt động như thế nào. Có một lần, ông ấy đút đầu vào… (ba chấm) và ông ấy bị thương. Người chơi phải điền vào dấu ba chấm đó, xem ông ấy đút đầu vô máy gì”.
Nhiều đáp án được các nghệ sĩ lựa chọn như lò vi sóng, máy giặt, tủ lạnh v.v.. Nhưng riêng Hương Giang Idol đã nói: “Đút đầu vô cầu tiêu”. Ngay lập tức nghệ sĩ Trung Dân đã đứng bật dậy chỉ trích: “Cô đừng nói như vậy, quá đáng. Cô bỏ đáp án đó đi”.
Thế nhưng, Hương Giang Idol vẫn giữ nguyên quan điểm của mình, quá bực tức vì bị xúc phạm, nghệ sĩ Trung Dân được cho là đã bỏ ra về ngay giữa chương trình.
Nghệ sĩ Trung Dân (trái) và Hương Giang idol (phải). Ảnh: VNE
Cá nhân tôi cũng như nhiều người khác, chắc chắn không ác cảm gì với Hương Giang idol. Nhưng từ một câu nói thảm họa, không ít người giật mình nhớ lại cô đã nổi tiếng vì điều gì?
Chắc chắn không phải bằng giọng hát rồi. Giang đến từ một gameshow khác và nổi lên từ sự “khác biệt”. Sau đó là một chuỗi những sự ồn ĩ, scandal hoặc những tấm hình nóng bỏng.
Phải chăng chính thị hiếu dễ dãi của chúng ta đã là chất xúc tác tạo nên những nghệ sĩ nhợt nhạt chuyên môn nhưng dư thừa phản cảm? Nhất là gameshow hài bùng nổ với những tiếng cười nhợt nhạt, nhảm nhí.
Không bàn sâu về sự đúng sai trong sự kiện “đút đầu cầu tiêu”, nhưng có một việc khiến người nghệ sĩ chân chính chua xót: Chính nghệ sĩ Trung Dân, người bị xúc phạm mới bị buộc thôi tham gia show chứ không phải Hương Giang, vì cô là “người có hợp đồng, còn nghệ sỹ Trung Dân thì không”.
Điều đó cho thấy một thứ nghệ thuật thương mại đã bất chấp lý tính đúng sai. Chưa nói đến yếu tố nhân văn, giá trị cao nhất gần như là đã bị gạt bỏ trong hầu hết chương trình.
Một thực tế nguy hiểm hơn, là khi khán giả càng bị cuốn sâu vào những trò vô bổ, gameshow càng được lan toả và biết đến nhiều hơn. Thậm chí, không ít thảm họa “có mùi” được tạo ra để dắt mũi công chúng.
Cuối cùng, càng nhiều chiêu trò, càng có rating. Gameshow càng có nhiều tiếng cười dị hợm. Và người nghệ sĩ càng có suy nghĩ lệch lạc về thứ “quyền lực” của mình. Như kiểu Trấn Thành thách thức người xem tắt TV đi.
Sẽ không thái quá khi nói rằng ngày càng có nhiều gameshow “quái thai” xuất hiện trên sóng truyền hình. Và các nhà đài không thể nói là vô can. Vì đằng sau gameshow là những bản hợp đồng của nhà đài với các công ty truyền thông có chức năng sản xuất chương trình này, đằng sau hợp đồng đương nhiên là lợi nhuận.
Tôi vẫn tin rằng, số người “nhức mắt” vì game show hiện tại là không ít. Làm nghệ thuật hay không làm nghệ thuật, bất kỳ ai có nhu cầu thưởng thức thật sự đều mưu cầu những sản phẩm chưa cần hay, nhưng phải “sạch”. Ở đó, người nghệ sĩ trước hết phải là người có văn hoá.
Chỉ có những nghệ sĩ thiếu chất và ngắn hạn mới chấp nhận trở thành “con rối” cho những gameshow rẻ tiền. Chỉ có những thị hiếu dễ dãi mới mong đợi những chiêu trò để tiêu khiển qua ngày.
Đừng để sợi dây rối dài đến hàng ghế khán giả!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.