Có lẽ, từ trước đến nay, như một thông lệ, hễ có sự cố gì là lãnh đạo đến uý lạo người bị hại. Việc này trong quản trị khủng hoảng, người ta gọi là thủ pháp “Supportive Rituals” (tạm dịch: những lễ nghi tương trợ) để góp phần giải quyết khủng hoảng.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội thăm các bệnh nhân sốc ma túy trong lễ hội âm nhạc tại Công viên nước Hồ Tây.
Thứ nhất, đảm bảo duy trì tính chính danh của chính quyền: Ý là, dù hậu quả của sự cố có lớn mấy cũng có chính quyền sát cánh ở đây; Thứ hai, mang tính uý lạo tinh thần đám đông, chính nghĩa luôn được ủng hộ và giành phần thắng.
Một mặt khác của việc “đến thăm” là góp phần củng cố hình ảnh của chính trị gia, và chính quyền, rằng chúng tôi đây là luôn vì người dân. Những “Supportive Rituals” này thường mang tính lan toả, và là “tấm gương dẫn đạo”.
Trong một sự kiện, lãnh đạo xuất hiện và đứng về bên nào, bên đó được ngầm hiểu là bên chính nghĩa, cần được bảo vệ. Thế cho nên, trong các vụ khủng bố đánh bom ở châu Âu, hoặc những kẻ đánh bom tự sát, người ta thấy lãnh đạo (của quốc gia nơi xảy ra khủng hoảng) đến thăm hỏi các gia đình nạn nhân, hoặc tham gia đoàn diễu hành chống lại những hành động đó. Chứ chẳng thấy vị nào đến thăm gia đình của những kẻ cực đoan đánh bom liều chết và bị chết cả. Vì nếu vậy, đó sẽ là một hành động vô nghĩa, không giúp dập lửa, mà còn đút thêm củi đáy nồi. Lúc đó, nghi lễ “viếng thăm” kia sẽ được phiên nghĩa như là hành động ủng hộ cái xấu.
Ông Phó chủ tịch Hà Nội đã “chép nguyên bài” đi uý lạo, mà không hiểu sâu xa về ý nghĩa của các lễ nghi tương trợ (supportive rituals), làm cho việc giải quyết khủng hoảng trở nên tệ đi. Không những thế, việc này gây ra một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trên không gian mạng.
Nhất là trong bối cảnh, gần như cùng thời điểm với vụ sốc ma tuý tập thể kia, là vụ cháy khu nhà trọ gần Bệnh viện Nhi Trung ương, khiến hàng chục gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, đặc biệt là hầu hết trong số họ đều có hoàn cảnh khó khăn, con cái bệnh tật..., nhưng không có sự xuất hiện bóng dáng nào của lãnh đạo Thủ đô đi uý lạo, động viên các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và người bị thiệt hại.
Dù vị Phó Chủ tịch phân trần, rằng “đầu giờ chiều ngày 17.9 chúng tôi đến bệnh viện, còn đám cháy xảy ra ở đường Đê La Thành vào chiều tối hôm đó”, và rằng họ còn “đến thăm, động viên các bác sĩ để làm sao cứu chữa, giảm thiểu tối đa tử vong cho các cháu tuổi còn rất trẻ”. Cũng theo ông này, khi đám cháy xảy ra thì thành phố đã chỉ đạo quận Ba Đình và các ngành hỗ trợ tối đa các gia đình và bệnh nhân bị ảnh hưởng.
Dư luận đặt hai tình huống này cạnh nhau, rồi tự đặt ra sự so sánh: phải chăng những thanh niên ăn chơi cần được động viên hơn là những bệnh nhân nghèo và ông chủ trọ thiện lành bị cháy sạch nhà cửa. Cứ thế, bức xúc bị dồn tích và đẩy lên cao.
Lễ hội âm nhạc Du hành tới mặt trăng tại Công viên nước Hồ Tây.
Vậy cách giải quyết đúng trong trường hợp này là gì?
Trước tiên, chính quyền thành phố cần họp báo, ngay lập tức công bố điều gì đã và đang diễn ra cùng những nỗ lực giải quyết vụ việc của thành phố...
Thứ hai, thay vì đến thăm các thanh niên sốc thuốc đang được cấp cứu tại bệnh viện, thì cần nhanh chóng điều tra nguyên nhân, và tìm ra người phải chịu trách nhiệm, vì 7 người chết không phải là chuyện nhỏ.
Cần thay đổi về mặt chính sách trong việc quản lý và kiểm soát chất ma tuý, cũng như các sự kiện biểu diễn thu hút đông người, theo hướng cấp tiến, sáng tạo. Muốn được khen thì phải nhấn ở điểm này. Đây là thấy “cơ” trong “nguy” để ghi điểm, và nâng cao hiệu quả quản trị xã hội trên địa bàn. Chứ không phải không quản được thì cấm, như ý kiến sẽ cấm các hoạt động biểu diễn có DJ. “Cấm” trong trường hợp này sẽ được hiểu là hành vi bất lực về năng lực chính sách, lúc đó sẽ bị chê trách hơn. Lợi bất cập hại, tích luỹ thêm nguy cơ, làm nặng thêm cho cuộc khủng hoảng, và kích hoạt những nguy cơ khủng hoảng thứ cấp.
Tóm lại là, không có bất cứ một giải pháp nào cho mọi vấn đề. Khi đứng trước các sự cố bất ngờ, những người lãnh đạo giỏi phải biết ra được quyết định đúng. Để ra được những quyết định đúng, cần có những cố vấn và bộ phận tham mưu chuyên nghiệp.
Nền chính trị đang dần bước vào quỹ đạo chuyên nghiệp, sẽ không có “đất diễn” cho những chính trị gia nghiệp dư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.