Lễ hội thời… Cô Vy

Văn Công Hùng Thứ hai, ngày 10/02/2020 08:34 AM (GMT+7)
Năm nay dịch bệnh buộc các lễ hội ở Việt Nam phải dừng lại. Thất thu thì đành chịu, nhưng chúng ta thanh thản hơn khi không phải chứng kiến những biến tướng núp bóng lễ hội... Đây là dịp để chỉnh trang lại các lễ hội cho trở về đúng nghĩa tín ngưỡng, tâm linh, văn hóa.
Bình luận 0

Nếu bình thường, thì thời gian này, ở Việt Nam đang là mùa lễ hội. Tháng giêng là tháng ăn chơi. Ngàn đời rồi vẫn thế, dân ta coi đấy như là sự đương nhiên. Từ Nam chí Bắc, nơi nào cũng nườm nượp lễ hội.

Đó là sản phẩm của một đời sống nông nghiệp. Cả năm đầu tắt mặt tối kiếm miếng ăn thường nhật, còn đâu lo cho tết, dư ra một chút, lo cho tháng Giêng, cho lễ hội. Gọi là ăn chơi nhưng thực chất là đi lễ, tiện thể chơi hội.

Đa phần là đi cầu an cho gia đình, đi để tịnh tâm, để gửi gắm, để giải phóng ẩn ức, giải phóng tâm hồn, thiên về thế giới tâm linh.

img

Đền chùa Hà Nội rằm tháng Giêng năm nay vắng khách tham quan, đi lễ hơn hẳn mọi năm. Ảnh: Ngọc Hải

Nhưng nhiều năm gần đây, kinh tế phát triển thì lễ hội lại bùng phát, tấp nập và cuồn cuộn, theo một nghĩa khác.

Nhiều người đã phải lên tiếng về cái sự dày đặc lễ hội, liên miên lễ hội, biến chất lễ hội và kinh doanh lễ hội. Người ta lao vào lễ hội theo cái kiểu "Đâu có lễ hội là ta cứ đi". Có bà có chị liên miên đến mấy tháng chưa về tới nhà.

Lễ hội không còn là nơi tịnh tâm, là nơi thư giãn, cầu an đúng nghĩa nữa. Lễ hội trở thành một chốn kinh doanh, người ta tới để cầu danh, cầu lợi. Có những cú vay tiền ngàn tỉ, có những cú xin lên chức, có những cú triệt người này hạ người kia... ở những bài khấn khi vào chùa, đền, các di tích...

Tiền được rải, được dắt, được nhét từ ngoài cổng, gốc cây, kẽ gạch, tới ngón chân, ngón tay, vành tai, lỗ rốn... bất cứ pho tượng nào.

Tranh cướp lễ vật, giả mạo ấn tín sắc phong, chen chúc nhau đến ngạt thở, ùn tắc giao thông, mất an toàn sông nước, vàng mã nghi ngút vô tội vạ, bài bạc ăn tiền núp bóng trò chơi truyền thống, mất vệ sinh môi trường, thịt động vật hoang dã bày bán trong khu di tích, các hiện tượng mê tín dị đoan, núp bóng tín ngưỡng truyền thống...

Cứ thế, lễ hội đầu xuân trở thành những cú dịch chuyển vĩ đại, sau cú về quê ăn tết, và là những cú hành xác tập thể.

Tất nhiên cũng còn rất nhiều người thành tâm. Nhưng họ bị lấn át bởi những người cầu danh lợi, những người đột ngột tự nhiên "bị giàu", "bị sang", bèn đi lễ để giải tỏa, để an tâm...

Nhà chức trách đã ra các quy định, yêu cầu chấn chỉnh, hạn chế chỗ này, khoanh vùng chỗ kia,thậm chí làm ở phạm vi hẹp, đóng cửa làm lễ hội...

Nhưng mà nào có ngăn được dòng người hăm hở đi lễ đi hội ấy. Ngành du lịch khai thác triệt để các lễ hội để phát triển du lịch. Có hẳn một "môn phái" gọi là du lịch tâm linh.

img

Biển người vẫn chen chúc đi lễ phủ Dầy ngày 1/2 (mùng 8 Tết Canh Tý). Ảnh: Phạm Hưng

Ngay năm nay, lúc "Cô Vy" xuất hiện rồi, khai hội chùa Hương cũng vẫn nghìn nghịt người. Khai chùa Bái Đính cũng chả kém cạnh.

Nhưng sau đấy thì trước sự sống còn của tính mạng con người, Thủ tướng ra lệnh: Dừng các lễ hội chưa khai mạc để tránh virus corona.

Đến giờ, đã qua thời điểm vàng của các lễ hội tháng Giêng, tức là rằm, người đi chùa chỉ lác đác đúng nghĩa đi chùa, theo cách vãn chùa, viếng chùa, lễ chùa... từ ngàn xưa. Còn lại các “siêu thị lễ hội” hết sức yên ắng.

Và té ra là thế này: Không được đi lễ hội đầu xuân cũng chẳng sao.

Tất nhiên là doanh thu của ngành du lịch giảm, giảm sâu. Nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ăn theo lễ hội thất thu.  Các ông chủ của các "siêu thị lễ hội" méo mặt. Nhưng những gì xã hội thu được cũng hết sức đáng mừng. Biết đâu đây có thể là cơ hội để sắp xếp, thay đổi, để du lịch lễ hội, tâm linh phát triển thực sự bền vững.

Trước hết là ý thức người dân vào tín ngưỡng.

Người ta thấy, té ra, không bỏ thời gian, tiền bạc, công sức... để tới các lễ hội cũng chưa thiệt hại gì, nhưng nếu đi thì thiệt hại thấy rõ.

Có lẽ nhờ thế sẽ có những sự "bẻ lái" ý thức chăng.

Bởi không ai cấm việc đi lễ hội, nhưng lâu nay các lễ hội không nguyên sơ, chân chất như  vốn có. Nó không còn là chính nó khi đã bị chi phối bởi tiền bạc, các nhóm lợi ích và... doanh thu.

Cứ nhìn cảnh chen lấn nhau để khai ấn Đền Trần. Chen chúc nhau hành hương Yên Tử, rồi bà Chúa Kho, bà Chúa Xứ... thì thấy, lễ hội đã trở thành sự a dua, sự ganh đua, ăn thua đủ... để thu lợi, lộc về mình. Mà những lợi, lộc ấy, toàn là ảo.

Nghỉ một năm vì dịch, thấy chả ảnh hưởng gì, tôi cho đây là dịp may để mọi người nhìn lại sự thành tâm của mình với thế giới tâm linh, với các đấng các bậc chí tôn mà mình thấy cần phải thờ, phải lễ.

Rằng có phải chen chúc, có phải giành giật, có phải thức khuya dậy sớm, có phải phô phang, có phải bằng mọi giá không?

Hay từ tâm, ta có thể tham gia lễ hội bằng cách nào đấy thư thái nhất, sang trọng nhất, an nhàn nhất, đúng nghĩa nhất...

Thắp một cây hương đâu có thua đốt cả vác hương để đến nỗi vừa cắm xuống đã phải có người nhổ mang ra ngoài vì khói không chịu nổi, lúc thần phật đâu đã kịp chứng giám...

Một câu khấn tự tâm mình, có thể không mạch lạc, không đủ ý, còn hơn rất nhiều thuê người viết sớ, trăm người giống nhau cả trăm rồi oang oang đọc giữa bàn dân thiên hạ, nhiều khi sai cả tên khổ chủ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem