Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện những bộ ảnh nude "nghệ thuật nửa mùa" như vậy. Trước "Tuyệt tình cốc" ở Đà Lạt của Á hậu 2 Miss Eco International 2018 Thư Dung, năm trước đã từng xuất hiện bộ ảnh "Tuyệt tình cốc" ở Hải Phòng và bộ ảnh "nude trong làng gốm" khiến đông đảo người xem bức xúc.
Bộ ảnh Tuyệt tình cốc ở Đà Lạt của Thư Dung và bạn diễn bị dư luận chê bai, phản đối vì hớ hênh, phản cảm.
Không phải là lần đầu tiên, nên không thể coi đây là màn "thử" phản ứng của dư luận nữa. Họ chắc thừa hiểu phản ứng của số đông người xem những bức ảnh "phản nghệ thuật" ấy. Vậy nhưng, tại sao họ vẫn làm?
Tôi không gọi họ là những người "bắt chước", cũng không khẳng định họ là những người "a dua" - điều mà những người làm nghệ thuật thực thụ thường cố tránh. Mà tôi nghĩ rằng, đây là cách cố tình gây sốc, hoặc cố ý "bày biện" bản thân mình bằng mọi cách để tạo được sự chú ý. Và không chỉ một lần, khi bị phản đối, “ném đá” rồi, cô á hậu tiếp tục thách thức dư luận với gần 100 tấm hình gợi cảm tại “Tuyệt tình cốc” đăng trên trang cá nhân cùng một lời chia sẻ: “Sống ở đời, thích gì thì làm đó, hãy cứ sống tốt với bản thân mình bởi thanh xuân chỉ có một lần”.
Mục đích để làm gì, chắc phải chờ thời gian trả lời. Song, điều dễ nhận ra là, đây không phải là điều xa lạ đối với giới làm nghệ thuật. Muốn được nhiều người biết đến, được các nhà tài trợ ngó ngàng, được các "ông bầu" để ý, nếu không có điều gì nổi bật để thể hiện, không có tài năng thực thụ, không ít người đành phải chọn cách "khoe thân". Tiếc rằng, dù bị số đông phản đối, thì đây vẫn là cách “hành nghề” của không ít nghệ sĩ, người mẫu. Trong giới nghệ thuật, họ gọi đây là cách "tự tạo xì căng đan".
Thú thực là sau khi xem những bức ảnh, đoạn clip đặc tả những chi tiết, "nhạy cảm" của hai cô gái, thấy họ nhảy múa, nô đùa, cố tình ngúng nguẩy khoe những điểm mà nhiều cô gái khác phải cố giấu bằng được, tôi không còn cảm giác bức xúc như trước đây nữa, mà thay vào đó là chút gì thương cảm. Thương vì có vẻ như, những người đang uốn éo, khoe thân trước những ánh mắt của người lạ, ngay giữa chốn thanh thiên bạch nhật kia đã không tự ý thức được giá trị bản thân của mình. Thương vì nếu để dấn thân vào giới nghệ thuật mà phải dùng cách ấy, chứng tỏ ngoài nhan sắc, hình thể, vẻ đẹp tự nhiên, các cô gái này chẳng có gì nhiều để người ta nhớ về mình?!
Dù bị phản đối, Thư Dung vẫn tiếp tục thách thức dư luận, đăng tải tiếp bộ ảnh lên trang cá nhân.
Văn hóa Phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng vẫn có cái nhìn khá khắt khe về việc "khoe hình thể", dù rằng những năm gần đây, sự giao lưu với các nền văn hóa trên thế giới đã khiến nhiều người cởi mở, "Tây" hơn. Nhiều người phụ nữ đã không còn quá ngại ngùng, bẽn lẽn khi mặc những bộ bikini khi đi biển nữa. Trên đường phố cũng đã xuất hiện nhiều hơn những cô nàng ăn mặc gợi cảm, quyến rũ, ngầm khoe những đường cong "chết người".
Nhưng, tất cả đều phải có chừng mực. Bên ngoài những bộ bikini gợi cảm vẫn có những chiếc áo mỏng hoặc khăn tắm trên quãng đường từ khách sạn ra tới biển. Đó không chỉ là cách tự bảo vệ bản thân, mà còn là sự tự tôn, và quan trọng hơn, để khẳng định sự kiêu sa, tự hào về cơ thể, diện mạo, nhan sắc của mình. Sự e ấp ấy ngầm chứng minh một điều rằng: Cơ thể tạo hóa ban cho, bố mẹ nuôi nấng, đâu dễ gì để ta bày biện, khoe khoang một cách dễ dãi, trần tục trước thiên hạ được? Dù xấu hay đẹp, đó cũng là một giá trị mà không phải ai muốn là có thể nhìn thấy, "biết tuốt" được.
Những năm gần đây, tỉ lệ tội phạm liên quan đến các vụ án hiếp dâm thực sự trở thành vấn đề bức bối. Càng buồn hơn khi số tuổi của người phạm tội ngày càng trẻ đi. Nguyên nhân thì có rất nhiều, song tựu chung lại, người ta vẫn cho rằng, một phần là do giới trẻ hiện nay đã tiếp xúc quá sớm và quá dễ dãi với những thông tin, hình ảnh vốn chỉ dành cho người trưởng thành.
Thời kỳ chưa có internet, ngay cả người lớn, muốn tìm kiếm một bộ phim "tâm lý, tình cảm" của nước ngoài để "học hỏi" cũng cực kỳ khó khăn. Còn giờ đây, chỉ cần lên mạng, gõ vài từ khóa tìm kiếm, là có thể tìm thấy các thể loại phim, ảnh từ "nóng" đến "cực nóng", đến từ các nền văn hóa khác nhau, đương nhiên, có cả của người Việt Nam. Chính những hình ảnh ấy đã ngấm dần vào ánh mắt, suy nghĩ và thôi thúc trí tò mò, ham muốn của các bạn trẻ. Trong một lúc không kìm chế được mình, điều kiện thuận lợi đến, vậy là hành vi tội phạm xảy ra.
Sự "khoe thân" nhố nhăng, lộ liễu, đầy khiêu khích, thách thức giữa thanh thiên bạch nhật kia dù không "độc hại" bằng những bộ phim "đen", nhưng chắc chắn tác hại của nó cũng không hề kém. Điều đáng nói nữa là, khi có quá nhiều hình ảnh như vậy xuất hiện trước cộng đồng, lúc đó, vẻ đẹp trời phú của cá nhân mỗi người sẽ không còn là "tài sản" riêng, thiêng liêng nữa, mà phần nào đã thành "của chung" mất rồi. Và khi đó, giới hạn của sự xâm phạm đến nó sẽ ngày càng mỏng lại.
Vì vậy, không bàn đến giá trị đạo đức, nghệ thuật, thì ở góc độ nào đó, việc "khoe thân" quá đà như hai cô mẫu ảnh kia cũng chính là một sự tội lỗi - không phải là lỗi của cái đẹp, mà là của những người khoe cái đẹp lố lăng, phản cảm. Và khi đã là tội lỗi, thì cần phải bị xem xét, xử lý khi công an đã vào cuộc, chứ không chỉ là dư luận phản ứng, “ném đá”… để vụ việc không chìm xuồng như nhiều vụ khoe ảnh phản cảm tương tự trước đây, để những bức ảnh xấu xí không còn làm vướng bẩn mắt người nhìn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.