Dư luận trong nước đang nóng với vụ việc hiệu trưởng trường dân tộc nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ lạm dụng tình dục hàng loạt học sinh nam của trường. Tại chung kết Hoa hậu hoàn vũ, H’Hen Niê - cô gái dân tộc Ê Đê đã gặp câu hỏi về phong trào #MeToo.
Đó là một sự trùng lặp ngẫu nhiên và khó lý giải. Một cô gái dân tộc đã vươn lên khỏi những hủ tục của dân bản để bước ra thế giới, thi đấu trên vũ đài nhan sắc hàng đầu. Và có một sự tình cờ khi cô đã bốc thăm vào chính câu hỏi về phong trào MeToo (bắt nguồn từ hashtag #MeToo - một phong trào chống quấy rối và lạm dụng tình dục).
H'Hen Niê trả lời câu hỏi ứng xử về phong trào MeToo tại chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2018.
Không phải ai khi nghe đến #MeToo có thể biết ngay nó là gì, thậm chí có người phải tra Google để biết. Phong trào này đã chính thức bùng nổ từ tháng 10.2017 và lan tỏa mạnh mẽ trên khắp thế giới. Chỉ sau 0,7 giây, Google sẽ cho ra 153.000 kết quả. Đủ để thấy thế giới quan tâm đến vấn đề này như thế nào. Và người biết, khi nghe câu hỏi vang lên thì thấy “nổi da gà”.
Ở quê nhà, dư luận cũng đang sục sôi về việc một hiệu trưởng đã lạm dụng tình dục các học sinh nam của trường dân tộc nội trú. Nếu H’Hen Niê biết được thông tin này, cảm xúc của cô sẽ như thế nào? Ngay khi gặp phải câu hỏi này, chúng ta bắt gặp thấy H’Hen Niê thoáng chút bối rối và căng thẳng.
Việt Nam là một quốc gia không cởi mở về việc nói chuyện tình dục. Nhưng chúng ta đã sớm quan tâm đến vấn đề này, điển hình là qua bộ phim “Giải hạn” của đạo diễn Vũ Xuân Hưng năm 1996. Phim do 3 diễn viên hàng đầu Lê Vy, Trần Lực và Trung Hiếu đảm nhận các vai diễn chính. Đây là bộ phim thể hiện rõ tinh thần đấu tranh chống lạm dụng tình dục, thể hiện qua nhân vật chính là cô Triệu do diễn viên Lê Vy đảm nhận. Thế nhưng mấy chục năm trôi qua, vấn đề này đến nay vẫn được nhắc đến trên phim ảnh, còn trong thực tế đời sống thì vẫn vậy, vẫn rất e ngại khi phải đối diện.
Me Too là phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục, phổ biến từ tháng 10.2017 khi nữ diễn viên Alyssa Milano khuyến khích loan truyền hashtag #MeToo, khuyến khích phụ nữ nói trên mạng xã hội Twitter về tình trạng lạm dụng, quấy rối tình dục và "cho mọi người ý thức về tầm quan trọng của vấn đề".
Hoa hậu H’Hen Niê đã đứng ở top 5 chung cuộc của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ - thành tích xuất sắc nhất từ trước đến nay của các đại diện Việt Nam tại các cuộc thi nhan sắc thế giới.
Trong đêm chung kết, người hâm mộ quê nhà đã không hài lòng lắm vì lý do H’Hen Niê chỉ dừng chân ở top 5. Lý do đưa ra là vì tiếng Anh của cô không tốt lắm và phiên dịch đã không dịch sát nghĩa với câu trả lời của H’Hen Niê.
Nhìn thẳng vào sự thật, khi hội nhập với thế giới chúng ta rất cần sự nhuẫn nhuyễn về ngoại ngữ và kiến thức. Nếu như H’Hen Niê có thể tự giới thiệu về đất nước xinh đẹp của mình bằng ngôn ngữ chung mà thế giới đang sử dụng, thì có lẽ nhiều người đã có thể hy vọng vào một kết quả cao hơn.
Qua câu chuyện của H’Hen Niê, nhìn lại các doanh nghiệp trong nước muốn vươn ra biển lớn, hội nhập với thế giới thì cũng cần nâng cao kiến thức và sử dụng ngôn ngữ chung của thế giới, mà không dựa dẫm vào các “phiên dịch” nói hộ ý tưởng của mình.
Tương tự như vậy là phong trào phòng chống lạm dụng tình dục. Chúng ta phải bắt nhịp với hơi thở của thế giới. Cần loại bỏ quyết liệt như loại bỏ “dịch bệnh”. Chúng ta sẽ không thỏa hiệp, không dung dưỡng cho loại tội phạm này phát triển dưới bất kỳ lý do gì. Chúng ta không bắt ai phải chịu trách nhiệm cho việc này, mà cá nhân mỗi chúng ta hãy chung tay đẩy #MeToo thành một làn sóng trong xã hội, để mỗi cá nhân thấy việc phòng chống lạm dụng tình dục là một trách nhiệm.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ - nơi xảy ra vụ việc hiệu trưởng lạm dụng tình dục hàng loạt nam sinh đang gây chấn động dư luận.
H’Hen Niê khó mà có thể trả lời câu hỏi về #MeToo xuất sắc được bởi ở chính quê nhà của cô, chính trong những ngôi trường dân tộc nội trú như ngôi trường mà cô từng học, sự việc đó vừa xảy ra trước ngày cô vào chung kết. Và về căn bản cốt lõi, tại quê nhà của cô, phong trào bảo vệ trẻ em, phòng chống lạm dụng tình dục chưa mạnh đến mức trở thành nhu cầu. Với một “chất liệu” như vậy thì H’Hen Niê khó có thể tự tin nói ra được ý chí và tinh thần của mình được. Top 5 là một kết quả xứng đáng với những nỗ lực của cô gái ấy.
Hy vọng khi trở về quê nhà, với vai trò của top 5 Hoa hậu Hoàn vũ, H’Hen Niê sẽ là một đại sứ để đẩy mạnh phong trào #MeToo, đẩy mạnh công tác phòng chống lạm dụng tình dục. Điều mà khi có cơ hội để nói với bạn bè năm châu H’Hen Niê đã chưa thể nói tốt nhất như cô mong muốn. Tất cả các câu trả lời chỉ có thể đạt đến cảnh giới cao nhất khi xuất phát từ ý chí, trái tim và kiến thức trải nghiệm.
Từ câu hỏi của H’Hen Niê, từ sự việc đau xót xảy ra ở trường dân tộc nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ, sự trùng lặp bất ngờ này khiến chúng ta lắng lại. Đã đến lúc #MeToo không chỉ là câu hỏi trong một cuộc thi nhan sắc nữa. Đây là vấn đề toàn cầu, mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm với chính bản thân mình và những người xung quanh cùng chung tay phòng chống lạm dụng tình dục.
Ngày hôm nay, bạn đã sẵn sàng nói #MeToo chưa?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.