Não trạng “sống chết mặc bay” cũng kinh hoàng như dịch

Lương Duy Cường Thứ bảy, ngày 21/03/2020 10:19 AM (GMT+7)
Trong khi có những người cống hiến quên mình, những người sống bằng sự tử tế, thì cũng có những kẻ ích kỷ hại nhân,  vô trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng, với người dân.
Bình luận 0

Bạn tôi, Trần Mạnh Dương - một sĩ quan quân y của lực lượng biên phòng, gửi cho tôi mấy tấm ảnh bạn vừa cùng cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai lên tận nơi ở của đồng bào dân tộc Khùa trên đỉnh núi Giăng Màn của biên giới Việt - Lào để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19.

Chỗ các bạn ấy đến là một bản nhỏ của xã Trọng Hóa - thuộc diện đặc biệt khó khăn ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Mây mù giăng kín lối đi. Đường vượt bao đèo dốc cứ như đi trong rừng núi Tây Bắc. Công việc của các bạn là phối hợp già làng trưởng bản, tập trung dân để tuyên truyền cách chống dịch. Bắt đầu từ những việc đơn giản là mang khẩu trang, rửa tay… cho đến ăn thế nào, uống ra sao.  

Thời điểm cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai đến làm nhiệm vụ thì dịch Covid-19 chưa hiện diện ở vùng rừng núi này. Dân tình cũng lo nương rẫy chứ chưa có gì gọi là… sợ dịch. Người từ các vùng dịch Covid-19 trên khắp thế giới cũng khó có dịp nào để đến đó nói về nguy cơ lây nhiễm.

Nói thế để thấy: Trong việc “chống dịch như chống giặc” mà nhà nước ta đang triển khai, một trong những quyết tâm là không để một người dân nào bị bỏ quên, dù đó là người dân ở tận vùng sâu, vùng xa, núi cao.

 Điều này còn thể hiện rất rõ là cả kiều bào từ các lục địa đồng loạt quay về quá đông, lẫn dân nước khác tìm cách đến Việt Nam để né dịch… vẫn được nhà nước ta được đối xử tử tế, dư luận thế giới đã có nhiều lời khen ngợi.

Không một người dân nào bị bỏ quên là một trong những mục tiêu lớn của Đảng và nhà nước ta. Đấy không chỉ là chuyện chỉ thực hiện khi có dịch bệnh. Điều này còn trở thành một tập quán trong văn hóa hành xử của dân Việt Nam ta.

Cứ xem người dân giúp nhau trong chiến tranh, trong thiên tai, và bây giờ là chung tay cùng chính quyền các cấp, chia sẻ bằng mọi khả năng có thể để chống dịch và giúp dân miền Tây chống hạn mặn… sẽ rõ. 

img

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai hướng dẫn cách phòng dịch Covid-19 cho đồng bào  dân tộc ít người ở huyên Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Trần Mạnh Dương.

Nói thế cũng để hiểu, vì sao dân tình lại phẫn nộ với lối hành xử theo kiểu “sống chết mặc bay” của một số người, không chỉ trong phòng chống dịch Covid-19, mà còn với tất cả mọi phương diện khác của cuộc sống.

Cứ xem giữa lúc từ Chính phủ cho đến chính quyền các cấp, các ngành lẫn dân chúng đều căng sức lo phòng chống dịch mà mình là thân phận quan chức vẫn tổ chức tụ tập ăn nhậu, tiệc tùng linh đình; có người từ vùng dịch về mà dấu giếm không khai báo quanh co dù đã được khuyến nghị; từ nơi cách ly mà đành đoạn bỏ trốn, thậm chí là cả 5 người trong một gia đình như trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 35, cùng trốn…

Gieo rắc dịch bệnh, rồi dịch bệnh lây lan, là đây chứ đâu. Thứ người như thế rõ là ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân mình, còn đồng loại thì “sống chết mặc bay”.   

Đấy là nói chuyện dịch bệnh, trong biến loạn sẽ dễ thấy, nên chúng ta dễ nhận diện và bày tỏ phản ứng. Thực ra, não trạng “sống chết mặc bay” lâu nay tràn lan trong mọi ngóc ngách của cuộc sống rồi, vì nó… vi diệu lắm nên không phải lúc nào cũng dễ nhận diện, nhất là ở chốn quan trường.  

Cứ ví dụ như chuyện ở Thanh Hóa, một huyện có tới 96% số hộ (trong số gần 36.000 hộ theo thống kê 1996) làm nông nghiệp, thu ngân sách địa phương đến năm 2019 cũng chỉ mới đạt hơn 1.147 tỉ đồng, nhưng chỉ trong mấy năm từ 2011 đến 2015, quan chức huyện này thi nhau chi, kể cả chi… nhậu, đến độ để lại cho “hậu thế” khoản nợ khổng lồ tổng cộng đến trên 52 tỉ đồng, nay thì đến “thánh” cũng khó nghĩ ra cách gì để thoát nợ. Quan chức mà tử tế, không ai lại để “hậu thế” phải rơi vào cảnh “sống chết mặc bay” như thế.

Rồi như chuyện giữa khi dân tình bấn loạn với nỗi lo giá điện tăng trong bối cảnh cực bất đắc dĩ phải tăng cường xài điện (do tự cách ly ở nhà để phòng dịch), có vị lấy lý do “sự đồng thuận của dân chúng” để phát biểu rằng thì là dân tình đồng thuận, không ai thắc mắc gì. Quan chức nghĩ thế, dân tình ắt bị đẩy vào thế khó.

Ở chốn quan trường thì não trạng ấy còn tạo ra lắm chuyện lắm chuyện bi hài nữa, có kể cũng không xuể. Tục ngữ Việt Nam ta có câu “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, để nói về thái độ vô trách nhiệm của những kẻ cầm quyền, chỉ biết ích kỉ hưởng lợi cho riêng mình mà không quan tâm đến dân chúng.

Đấy là hiểu theo cách của người xưa, nhưng soi vào thời nay vẫn thấy nhiều quan chức mang thứ não trạng ấy. Đó là những kẻ lợi dụng chức quyền để vơ vét, nhắm mắt ký bừa ký ẩu để đầy túi tham, mặc mọi sự phương hại cho ngân khố quốc gia, mặc rủi ro cho sinh mệnh dân lành.

Đó cũng là những kẻ chỉ biết đến sự hưởng thụ của bản thân, cảm xúc của bản thân, mà không nghĩ rằng mình có thể gây hại cho biết bao người, cả một khu phố, cả một xã hội.

Thứ não trạng ấy gây ra vô vàn hậu quả kinh hoàng không khác bất cứ thứ dịch bệnh nào.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem