Làm đường tuyến này nhưng lại thu phí cả tuyến khác, hay chỉ sửa sang, thảm nhựa lại đường cũ rồi thu phí theo giá BOT; làm trên đường độc đạo, khiến người dân không có quyền lựa chọn … đang là một thực tế của nhiều dự án BOT và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn xã hội.
Có thể thấy thực trạng này qua nhiều vụ phản ứng liên tiếp với việc thu phí BOT không hợp lý ở nhiều nơi những ngày qua.
Hàng chục xe tải dán băng chữ phản đối thu phí ở trạm BOT Cầu Rác. VNN
Mới đây nhất, một số người dân xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đưa xe ra trạm thu phí Cầu Rác phản đối vì họ không lưu thông trên tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh nhưng vẫn phải è cổ đóng phí nhiều năm qua.
Nhiều người dân cũng đã đỗ ô tô dàn hàng ngang trước 4 làn thu phí của trạm BOT Tam Nông (Phú Thọ) trên QL32 để phản đối việc thu phí bất hợp lý.
Trước đó, hàng trăm lái xe dùng tiền lẻ mua vé tại trạm thu phí cầu Bến Thuỷ để phản đối việc đặt trạm thu phí BOT theo kiểu tận thu. Người dân địa phương cũng đang phản ứng quyết liệt với các trạm BOT cầu Hạc Trì, Thanh Nê (Thái Bình), Lương Sơn (Hòa Bình)...
Những vụ việc này thật sự là hồi chuông cảnh báo rằng nếu không nhanh chóng “tháo ngòi nổ” bằng việc chấn chỉnh thu phí ở nhiều dự án BOT sẽ để lại hệ lụy khôn lường về an ninh xã hội, khi quyền lợi chính đáng của người dân bị xâm phạm.
Rất đáng lo ngại khi việc đặt trạm thu phí "nhầm chỗ" theo kiểu đầu tư một nơi, thu phí một nẻo có nguy cơ lan rộng. Trong khi các trạm thu phí BOT vô lý đang bị người dân phản ứng thì trạm thu phí BOT đặt ở gần ngã ba Bờ Đậu trên quốc lộ 3 cũ (ở địa bàn Thái Nguyên) lại rục rịch thu phí từ quý 2.2017.
Đây là tuyến đường huyết mạch do nhà nước đầu tư xây dựng, nhà đầu tư chỉ sửa chữa một đoạn ngắn, nhưng lại thu phí như đường mới. Trong khi chi phí cho việc cải tạo quốc lộ 3 đã được các chủ phương tiện trả bằng đóng phí bảo trì đường bộ hàng năm.
Hơn nữa, với vị trí đặt trạm thu phí hiện nay, người dân đi quốc lộ 37 cũng phải trả phí. Đây là điều rất bất hợp lý bởi Nhà nước hiện còn đang phải có nhiều chính sách ưu tiên để xoá đói giảm nghèo cho người dân vùng đất chiến khu ATK Thái Nguyên thì các bộ, ngành liên quan và nhất là chính quyền địa phương lại đồng ý cho nhà đầu tư tận thu, gây khó khăn cho phát triển kinh tế địa phương.
Người dân từng dùng tiền lẻ đi qua trạm thu phí Bến Thủy để phản đối.
Tình trạng nhà đầu tư được phép thu phí “nhầm chỗ” trên cung đường mà họ không hề đầu tư khiến nhân dân nhiều địa phương bức xúc, vì phải đóng thuế để xây dựng đường, mà vẫn phải trả phí, tức là 2 lần trả tiền.
Nhưng các nhà đầu tư luôn biện bạch rằng vị trí đặt trạm đã có sự thống nhất của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và chính quyền địa phương, được quy định trong hợp đồng BOT. Song, thực chất, việc thống nhất này chỉ là của nhà đầu tư và bộ, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương chứ không có ý kiến của người dân.
Chưa kể, trong quá trình thực hiện, nếu thấy bất hợp lý thì phải điều chỉnh quy định cho phù hợp, theo phương châm đặt quyền lợi chính đáng của người dân lên, chứ không thể lấy bất cứ lý do nào chỉ để phục vụ lợi ích của doanh nghiệp mà bỏ quên quyền lợi của người dân.
Thực tế, việc nhà đầu tư thu phí trên con đường do ngân sách nhà nước đầu tư là một sự trục lợi.
Câu hỏi đặt ra là vì sao các nhà đầu tư này lại được ưu ái cho phép thu phí trên đoạn đường họ không bỏ tiền đầu tư?
Phải chăng có lợi ích nhóm phía sau những trạm thu phí bất bình thường này? Lẽ nào các bộ, ngành và cả chính quyền địa phương khi ký kết để cho phép nhà đầu tư đặt trạm lại không biết rằng theo quy định, hình thức đầu tư BOT trong lĩnh vực giao thông phải áp dụng cho các dự án xây dựng những con đường hoàn toàn mới?
Đó là chưa kể hiện có tới 32/88 trạm thu phí (36%) không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km như qui định, vẫn được Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính và UBND địa phương chấp thuận.
Có rất nhiều vấn đề xung quanh các dự án BOT. Chúng ta thể không giật mình trước con số mà Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành vừa đưa ra: có tới 26/27 dự án BOT là chỉ định thầu, chỉ một dự án đấu thầu với hai nhà thầu thì một nhà thầu … bỏ cuộc.
Đặc biệt, mới đây, một tờ báo đã chỉ đích danh vị lãnh đạo ở địa phương nơi đang bị người dân phản ứng dữ dội về việc đặt trạm thu phí BOT “nhầm chỗ”, lại chính là người có tới hơn 100.000 cổ phiếu ở công ty đặt trạm thu phí bất hợp lý trên.
Phải chăng, cùng với công tác quản lý hoạt động thu phí các dự án BOT bị buông lỏng, thì lợi ích nhóm chính là nguyên nhân của các trạm BOT “tận thu” đang rải khắp nơi?
Thái Lan thường có 2 con đường, một do Nhà nước đầu tư, một do tư nhân thì phải trả phí
Ở Thái Lan, nhiều nơi có 2 con đường gần như song song, một do Nhà nước đầu tư, người dân đi không phải trả phí; còn một đường do tư nhân đầu tư nên phải trả phí nếu sử dụng. Với cách làm này, người dân được quyền lựa chọn.
Tại sao Việt Nam lại không học cách này khi đã có rất nhiều đoàn sang Thái nghiên cứu, để rồi hiện vẫn có nhiều dự án BOT xây trên các tuyến đường độc đạo khiến người dân buộc phải sử dụng dự án BOT và đó là nguyên nhân gây bức xúc dư luận?
Chúng tôi đồng tình với quan điểm của ông Bùi Đức Thụ - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội rằng: “Trạm thu phí BOT phải đặt đúng với tuyến đường BOT, tránh tình trạng người dân không đi qua tuyến đường BOT nhưng vẫn bị thu tiền phí.”
Vui lòng nhập nội dung bình luận.